Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:48 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Sự gia tăng các dự án địa nhiệt tại Indonesia và Philippines

24/11/2023
Nhằm bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh ngành điện và sử dụng năng lượng tái tạo, Indonesia và Philippines - hai quốc gia có tiềm năng sản xuất địa nhiệt hàng đầu thế giới đang chú trọng các nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực này hơn nữa.
Dự án địa nhiệt Muara Laboh ở Indonesia. Ảnh: Inpex
Sản xuất điện từ nguồn năng lượng địa nhiệt là quá trình sử dụng nước nóng và hơi nước lấy từ lòng đất làm nguồn nhiệt để tạo ra điện. Không giống như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng này được đánh giá là mang tính ổn định cao hơn do nó thường không bị ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc thời gian trong ngày.
Với vị trí nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và đồng thời là quốc gia có khoảng 150 ngọn núi lửa đang hoạt động, Indonesia có tiềm năng rất lớn để trở thành một cường quốc địa nhiệt. Theo Tổ chức An ninh Kim loại và Năng lượng Nhật Bản, nguồn tài nguyên địa nhiệt của nước này tương đương 27.790 MW và chỉ đứng sau Mỹ.
Bất chấp việc đứng thứ 2 toàn cầu về công suất phát điện lắp đặt, điện địa nhiệt chỉ chiếm 6% nguồn cung điện toàn quốc của Indonesia và vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. Để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 năm 2060, chính phủ Indonesia cùng các cơ quan liên quan bao gồm Perusahaan Listrik Negara, cơ quan xử lý toàn bộ hoạt động truyền tải và phân phối điện trong nước, đang có kế hoạch tăng tỷ lệ sản xuất điện địa nhiệt lên 8% vào năm 2030, khiến đây là nguồn năng lượng tái tạo lớn thứ hai sau thủy điện 10%.
Theo Nikkei Asia, các công ty trong lĩnh vực này đang bắt tay vào quá trình mở rộng sản xuất tại Indonesia. Hồi tháng 2 vừa qua, Pertamina Geothermal Energy, một công ty con của công ty dầu mỏ quốc doanh Pertamina, đã chính thức lên sàn chứng khoán. Với tổng công suất phát điện là 670 MW trên 6 nhà máy vận hành độc lập và tăng lên 1.800 MW trên cơ sở vận hành chung, công ty đang có kế hoạch tăng công suất thêm 600 MW nữa vào năm 2027.
Tháng 10 vừa qua, Barito Renewables Energy – công ty vận hành 3 nhà máy điện địa nhiệt trên đảo Java– cũng vừa tiến hành IPO và trở thành công ty có giá trị thị trường cao thứ 2 trên sàn giao dịch chứng khoán. Với 193 triệu USD huy động được, công ty đang có kế hoạch mở rộng công suất các nhà máy của mình hơn nữa.
Các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty địa nhiệt Nhật Bản cũng đang tăng cường đầu tư vào Indonesia. Sumitomo Corp. và tập đoàn năng lượng Inpex đang nắm giữ tổng cộng 80% cổ phần trong dự án điện địa nhiệt Muara Laboh ở miền trung Sumatra, Indonesia – dự án dự kiến tăng gấp đôi công suất phát điện lên 220 MW vào năm 2025.
Tại nhà máy điện Sarulla ở phía bắc Sumatra, các công ty Nhật Bản như Kyushu Electric Power và Itochu Corp. từ lâu đã nắm giữ phần lớn cổ phần.
Tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines, nước có tiềm năng địa nhiệt cao trong khu vực, các dự án địa nhiệt cũng đang được tăng cường đầu tư. Theo Nikkei Asia, tập đoàn Lopez Group của quốc gia này có kế hoạch đầu tư 1,1 tỷ USD vào sản xuất điện địa nhiệt trong 3 năm tới thông qua công ty con Energy Development Corp. Công ty có kế hoạch khoan 40 giếng tại các địa điểm bao gồm các đảo Leyte và Mindanao.
Trong bối cảnh chính phủ Philippines đã cấm xây mới các nhà máy điện than, địa nhiệt đóng vai trò là một trong những nguồn năng lượng thay thế giúp nước này đạt được mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 35% vào năm 2030 và 50% vào năm 2040.
Theo MekongAsean 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151