Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ thông tin, các kinh nghiệm quản lý để cơ quan quản lý lắng nghe các ý kiến, kiến nghị ở địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan về thực trạng cũng như những giải pháp để quản lý, xử lý, tái chế các tấm quang năng (tấm PV) sau khi hết giá trị sử dụng, qua đó hạn chế tối đa các tác động tới môi trường và xã hội, thúc đấy phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở để Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường (Bộ Công Thương) tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn.
Gần 700 nghìn tấn tấm quang năng sẽ phải xử lý trong tương lai
Hiện tại, hơn 95% nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam sử dụng tấm quang điện silicon tinh thể (trong đó 70% là loại đơn tinh thể, khoảng 25% là loại đa tinh thể), gần 5% sử dụng tấm quang điện loại màng mỏng.
Tính đến năm 2023, năng lượng (không kể thủy điện) đã chiếm khoảng 27% tổng công suất nguồn điện nước ta và đến năm 2050, con số này sẽ là 59,5 - 63,8%.
Vòng đời của dự án điện gió, điện mặt trời là từ 20 - 30 năm, có nghĩa là sau khoảng hơn 20 năm nữa, hàng triệu tấm quang năng năng lượng mặt trời, cánh tua bin gió sẽ được thải ra. Vì thế cần tìm giải pháp xử lý tấm quang năng mặt trời, cánh tua bin gió khi hết hạn.
Bà Đỗ Phương Dung phát biểu tại hội thảoBà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng là định hướng lớn nhằm chuyển đổi năng lượng bền vững, góp phần quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm tỷ trọng các nguồn năng lượng hóa thạch một cách phù hợp, đáp ứng các cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, các tác động xã hội liên quan đến phát triển điện mặt trời, đặc biệt là việc quản lý, xử lý các tấm quang năng sau khi thải bỏ được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua.
Theo bà Đỗ Phương Dung, vấn đề pin điện mặt trời (hay còn gọi là các tấm quang năng) thải bỏ đã được Bộ Công Thương nhận diện, đánh giá là một vấn đề cần phải quan tâm giải quyết cùng với quá trình phát triển loại hình năng lượng tái tạo này.
“Trong Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020), Bộ Công Thương xác định việc đánh giá tác động tới môi trường, xã hội của các dự án năng lượng nói chung và dự án điện mặt trời nói riêng là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên thực hiện”. - bà Đỗ Phương Dung cho hay.
Mặc dù hiện nay việc phát sinh các tấm quang năng thải bỏ còn thấp. Tuy nhiên, theo dự báo sơ bộ cho thấy khối lượng các tấm quang năng thải bỏ tích lũy trong giai đoạn từ 2021 - 2030 là khoảng 118 nghìn tấn, và giai đoạn 2031 - 2045 là khoảng 686 nghìn tấn và có thể thay đổi nhiều theo thực tế phát triển các dự án điện mặt trời trong thời gian tới.
“Vì vậy, việc phân tích, đánh giá hiện trạng và hệ thống chính sách pháp luật hiện hành và giải pháp quản lý, xử lý, tái chế các tấm quang năng là vô cùng cần thiết nhằm có các giải pháp phù hợp trong thời gian tới, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững”. - bà Đỗ Phương Dung khẳng định.
Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc thiết lập hệ thống thu hồi, xử lý và tái chế các tấm quang năng thải bỏ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành và địa phương do liên quan đến công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, các khu xử lý chất thải tập trung, công nghệ xử lý, tái chế, các quy định về quản lý chất thải công nghiệp, v.v. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong quá trình xử lý vấn đề này.
Quản lý tấm quang năng theo hướng nào?
Các tấm quang điện mặt trời cuối vòng đời đã được xem như là chất thải điện tử. Kể từ năm 2012, châu Âu đã thiết lập các điều khoản quy định về quản lý cuối vòng đời của các tấm quang điện mặt trời vào Khung quy định về Bổ sung thêm trách nhiệm của nhà sản xuất, quy định cụ thể đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu tấm quang điện. Tuy nhiên, các quốc gia như Úc, Trung Quốc, Hoa Kỳ hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn nhất thế giới nhưng vẫn chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào về quản lý chất thải điện mặt trời khi hết hạn sử dụng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tình hình phát sinh chất thải điện mặt trời ở Việt Nam nhất là tấm quang năng hết niên hạn thải bỏ sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam thực hiện cam kết COP26 và triển khai các dự án điện sạch theo Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, các tấm PV cuối vòng đời hiện được coi là chất thải nguy hại trừ khi thành phần chứa vật liệu nguy hiểm được loại bỏ và xử lý đúng cách.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ, lượng thải hiện nay thấp, chỉ khoảng 0,002 - 0,04 % tấm PV bị lỗi, hỏng. Hiện có khoảng 560 - 11,000 tấm PV hỏng, khối lượng khoảng 13 - 251 tấn.
Do nhận thức về việc thải bỏ không đúng cách, các nhà máy giữ lại các tấm PV bị lỗi cùng với các chất thải điện tử khác tại cơ sở hoặc giao cho các đơn vị quản lý chất thải được cấp phép để xử lý như chất thải nguy hại.
Toàn cảnh hội thảo
“Đôi khi các tấm PV hỏng được sử dụng cho các mục đích khác như làm hàng rào, mái chuồng trại chăn nuôi hoặc bán cho những người thu gom rác thải không chính thức”. - bà Huyền chia sẻ.
Dựa trên khung Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR), các nhà sản xuất có trách nhiệm đảm bảo việc thu hồi và xử lý sản phẩm của họ một cách an toàn.
Kinh nghiệm ở EU cho thấy, với Chỉ thị WEEE về việc xử lý chất thải thiết bị điện và điện tử, tính đến năm 2019, tỷ lệ thu hồi tối thiểu là 65% của EEE (thiết bị điện và điện tử) được đưa ra thị trường hoặc 85% của WEEE phát sinh.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cũng trình bày quy trình tái chế và tách các thành phần của tấm PV. Từ đó cho thấy cái nhìn khá cụ thể về những ưu, nhược điểm của các phương án xử lý tấm PV.
Tuy nhiên theo bà Huyền, thách thức lớn nhất trong quá trình xử lý, tái chế các tấm PV đó là đầu tư cao và khối lượng lớn. Một số công nghệ cần đầu tư lớn vào máy móc nhưng sẽ phát sinh lượng lớn chất thải; Chi phí thu gom và giá trị từ việc thu hồi vật liệu là không rõ ràng, do đó khó xác định mô hình kinh doanh. Một số công nghệ đang được thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa tới giai đoạn thương mại hóa.
Ngoài ra, việc thiếu quy định, cơ chế tài chính về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, các nghĩa vụ của các nhà sản xuất/ nhà phát triển/ đơn vị lắp đặt/ nhà nhập khẩu về xử lý/ trả tiền cho việc quản lý và xử thiết bị hết niên hạn. Cùng với đó, ngành tái chế chất thải PV, kể cả chất thải điện tử còn sơ khai, thiếu đầu vào ổn định và đủ lớn khiến cho việc đầu tư hoạt động thu gom và xử lý dù ở phương án nào cũng chưa khả thi từ góc độ kinh doanh - hiệu quả kinh tế của quy mô nằm dưới ngưỡng nhất định…
Dự báo đến năm 2045 sẽ có khoảng gần 700 nghìn tấn tấm quang năng sẽ hết hạn sử dụng (Ảnh: Thu Hường)
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn vừa qua, công nghệ điện mặt trời đã có bước tiến mạnh mẽ tập trung vào các yếu tố chính như: Giảm chiều dày tấm quang điện mỏng để tiết kiệm vật liệu, nâng cao hiệu suất, cải tiến các điện cực… Bên cạnh đó, các hướng nghiên cứu nhằm giảm sử dụng và thay các nguyên tố nguy hiểm trong các tấm quang năng như: Chì, cadimi, selen… cũng được triển khai mạnh mẽ.
Dự báo trong khoảng thời gian đến năm 2030, tấm quang điện tinh thể silic sẽ chiếm giảm xuống còn 44,8%, trong khi đó các pin năng lượng mặt trời mới phát triển hiện nay sẽ tăng từ 1% năm 2014 lên 44,1% vào giai đoạn đến năm 2030.
Đánh giá từ Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay, với tỷ lệ tấm quang điện tinh thể silic chiếm phần lớn như vậy, hầu như sẽ không có tác động lớn tới môi trường từ việc chế tạo, lắp đặt và vận hành các hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên, với việc dự báo phát triển bùng nổ của các tấm quang điện mới, tấm quang điện màng mỏng chứa một lượng nhỏ các chất cadmium, arsenic… có thể tác động tới môi trường.
Để đánh giá và lựa chọn các công nghệ xử lý tấm pin thải bỏ tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu công nghệ xử lý tấm quang điện thải bỏ tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể như nghiên cứu, chế tạo vật liệu xốp từ thủy tinh và vỏ sò phế thải; nghiên cứu thử nghiệm xử lý, tái chế, thu hồi vật liệu trong tấm pin mặt trời tinh thể Si ở Việt Nam; nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý, xử lý pin mặt trời thải thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế về quản lý và xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải của một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…
Theo Báo Công Thương