Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 16/09/2024 | 20:17 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhận diện thách thức, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu

18/12/2023
Bà Rịa - Vũng Tàu là thủ phủ của dầu khí, việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu từ thượng nguồn tới hạ nguồn là yêu cầu cần thiết trong thời gian tới.
Ngày 15/12, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo "Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn" nhằm đánh giá triển vọng phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu; giải pháp kết nối giữa các doanh nghiệp thượng nguồn với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn, giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực trong ngành hóa dầu, nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương và trung ương.

Quang cảnh hội thảo
Qua đó, thúc đẩy các ngành công nghiệp hạ nguồn theo chuỗi giá trị, với mục tiêu là nguồn cung cấp nguyên vật liệu của vùng, cả nước và xuất khẩu. Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất với vai trò là công nghiệp vật liệu quan trọng của Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng và cả nước.
Nhiều dư địa để phát triển...

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, công nghiệp sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất là ngành có tỷ trọng cao hoạt động trong các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2022, riêng các dự án đầu tư đã hoạt động trong các khu công nghiệp, ngành công nghiệp này có 21 dự án FDI và liên doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 646,5 triệu USD; có 9 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 13.273 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được hai dự án lớn liên quan đến sản xuất hóa chất là Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD) và nhà máy Hyosung (1,3 tỷ USD). Hai dự án này sẽ tạo sức lan tỏa tới sự phát triển của các ngành công nghiệp hóa dầu, ngành công nghiệp nhựa và các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Ông Thanwa Udom-Piriyasak, Giám đốc Thương mại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho rằng, việc xây dựng các trung tâm hóa dầu trong nước là một chiến lược quan trọng để mở rộng kinh tế Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo ông Thanwa Udom-Piriyasak, Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi lý tưởng, đáp ứng nhu cầu ngành hóa dầu như vận chuyển thuận tiện các thiết bị siêu trường, siêu trọng và tiếp cận vùng nước biển sâu để xây dựng cảng, cầu cảng nhập khẩu nguyên liệu.
Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu cơ sở hạ tầng hoàn thiện như cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải phục vụ vận chuyển cả trong nước và xuất khẩu; có nguồn cung điện và nước tin cậy, rất quan trọng cho ngành công nghiệp hóa dầu.
“Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có môi trường sống lý tưởng, luôn hỗ trợ tích cực và cung cấp những hướng dẫn hữu ích, kịp thời cho các doanh nghiệp từ đó đảm bảo thành công cho doanh nghiệp. Hiện nay, các nhà sản xuất hạt nhựa lớn như LSP, Hyosung Vina Chemical, AGC Chemical Việt Nam đều đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD”, ông Thanwa Udom-Piriyasak phân tích.

Ông Toshio Kazama, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ
Ông Toshio Kazama, cố vấn của Japan Desk tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ đánh giá cao vai trò của Bà Rịa – Vũng Tàu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông cho biết, từ cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, Công ty Thanh Bình Phú Mỹ có thể nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài qua cảng container, cảng hàng lỏng, cảng tổng hợp/hàng rời hoặc LNG/LPG.
Khi đó, các nhà máy trong các khu công nghiệp gần cảng có thể sản xuất, gia công các nguyên liệu cơ bản, các sản phẩm hạ nguồn hóa dầu như PP, PE hay các sản phẩm thép hoặc thậm chí sản xuất điện từ nhà máy điện LNG. Từ đó, các nguyên liệu, hóa chất cơ bản từ các công ty này sẽ cung cấp cho các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn các tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để sản xuất, lắp ráp thành phẩm cuối cùng. Sau đó, những thành phẩm này lại được đưa về cảng Cái Mép – Thị Vải để xuất khẩu ra nước ngoài tạo thành quy trình khép kín.
Để tạo ra hiệu quả hoạt động sản suất kinh doanh và thúc đẩy sự đổi mới, ngành hóa dầu và nhựa đòi hỏi sự tích hợp của nhiều bên tham gia trong chuỗi cung ứng.
...nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu
Theo ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu, mặc dù có cảng nước sâu và nguồn tài nguyên dầu khí lớn nhất cả nước nhưng ngành công nghiệp hóa dầu của tỉnh chưa phát triển đúng với tiềm năng lợi thế hiện có; sản phẩm tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống cho nhu cầu thị trường nội địa mà chưa nắm bắt được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chưa hình thành rõ nét một chuỗi cung ứng giữa các sản phẩm hóa chất. Các doanh nghiệp tự xây dựng các chuỗi cung ứng của mình nên chưa hình thành được chuỗi cung ứng mang tính nhiều tầng. Thể chế liên kết vùng kinh tế phía Nam chưa đồng bộ, hiệu quả. Chất lượng nguồn lực chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hóa dầu.
“Chiến lược của Bà Rịa – Vũng Tàu là tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển mạnh công nghiệp hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu. Từ đó, hình thành Khu Công nghiệp hóa chất (chuyên sâu), các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn”, ông Lê Văn Danh chia sẻ.

TS. Huỳnh Minh Thuận, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam và Viện Dầu khí Việt Nam
TS. Huỳnh Minh Thuận đại diện Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, một trung tâm công nghiệp dầu khí và năng lượng lớn nhất cả nước, từ khâu thượng nguồn gần các mỏ dầu khí với trữ lượng lớn, cơ sở hạ tầng về hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ và sắp tới là đường hàng không đã hoàn chỉnh, có cả các trung tâm sản xuất năng lượng và công nghiệp như các nhà máy chế biến khí, nhà máy điện, nhà máy thép và đặc biệt là các nhà máy sản xuất hóa dầu lớn nhất nước sản xuất các sản phẩm PE, PP, PVC, PET, PS, phân bón.
Thế nhưng, Bà Rịa – Vũng Tàu hầu như chưa có nhà đầu tư nào đầu tư sản xuất các sản phẩm sau hóa dầu, ngoại trừ nhà máy sản xuất nhựa dân dụng của Lock&Lock.
“Thống kê năm 2020 cho thấy 8 tỉnh thành phố sản xuất các sản phẩm sau hóa dầu lớn nhất nước không có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi đó ở các tỉnh phía Nam có TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là các tỉnh lân cận, không có nhiều điều kiện thuận lợi như Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng lại là những nơi sản xuất sản phẩm sau hóa dầu lớn nhất nước”, TS. Huỳnh Minh Thuận phân tích.
Theo TS. Thuận, ở khâu thượng nguồn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tiếp tục thu hút các nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dầu để bảo đảm chuỗi cung ứng nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đồng thời, phát triển các sản phẩm hóa dầu phù hợp điều kiện sản xuất hiện có của địa phương hoặc có tiềm năng lớn về thị trường tiêu thụ như các loại keo dán, cao su, hóa chất, phân bón thông minh, hữu cơ. Khâu trung nguồn là phát triển các loại hình vận chuyển và trở thành một mắt xích cho chuỗi cung ứng hóa dầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Ở khâu hạ nguồn, tỉnh có thể mở rộng chuỗi giá trị phát triển các sản phẩm sau hóa dầu có nhu cầu lớn trên thị trường như các loại bao bì, vật liệu dùng trong xây dựng, đồ nội thất từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương.
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, TP. Vũng Tàu
Bà Đinh Thị Mỹ Huyền, đại diện Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina cho rằng, nhu cầu về hạt nhựa PP được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên hiện nay, các nhà sản xuất PP lớn trên thế giới đang đẩy mạnh việc xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, đa dạng về chủng loại, chất lượng, mức thuế ưu đãi đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất PP trong nước. Về lâu dài sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành nhựa Việt Nam và lệ thuộc vào nước ngoài.
“Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần có đề xuất với Chính phủ Việt Nam về việc tăng thuế nhập khẩu với các mặt hàng PP để giảm bớt lợi thế của hàng nhập khẩu với hàng sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách đột phá để thúc đẩy việc xuất khẩu hạt nhựa cũng như khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tại địa bàn tỉnh sử dụng hạt nhựa PP sản xuất trong nước”, bà Huyền kiến nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần hợp tác, thu hút nhà đầu tư có năng lực về tài chính và công nghệ, kỹ thuật để hình thành, phát triển các dự án sản xuất đa dạng sản phẩm hóa dầu hơn, quy mô tương xứng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu trong nước và xuất khẩu, nhất là các sản phẩm đóng vai trò là nguyên liệu cơ bản phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp khác.
Theo Báo Công Thương  

Cùng chuyên mục

Shell và lộ trình chuyển dịch năng lượng (Kỳ III)

16/09/2024

Đối với trí tuệ nhân tạo AI cho LNG hiện đang trợ giúp hãng Shell cắt giảm lượng khí thải carbon tại các nhà máy LNG bằng cách sử dụng thông tin từ các cảm biến thông minh tiên tiến để tính toán cài đặt hiệu quả nhất cho thiết bị máy móc.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151