Một nội dung quan trọng đang thu hút sự quan tâm của xã hội và nhận được nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất của Bộ Công Thương khuyến khích người dân làm điện mặt trời mái nhà, nếu thừa sản lượng, người dân lựa chọn giải pháp phát vào hệ thống lưới điện thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện dư đó với giá Không đồng; Trường hợp người dân lựa chọn giải pháp không phát vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.
Liên quan đến đề xuất trên, có nhiều ý kiến của các chuyên gia, kỹ sư – người am hiểu lĩnh vực điện đã chia sẻ quan điểm và lý giải đề xuất trên của Bộ Công Thương, cụ thể:
Điện mặt trời công suất không ổn định, ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện
Trước tiên, phải công nhận với nhau rằng, nguồn điện mặt trời là nguồn điện bất ổn định, hoạt động của loại hình này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, lúc có nắng thì có điện, lúc không có nắng thì không có điện, sự thay đổi này làm cho lưới điện bị nhiễu vì tần số không chuẩn. Chất lượng điện không đảm bảo có thể hư hại đến các thiết bị điện trong gia đình, công sở. Điện cho sản xuất công nghiệp còn yêu cầu ngặt nghèo hơn.
Tiếp theo, cần nhìn nhận khách quan là cơ sở hạ tầng lưới điện của Việt Nam vẫn còn hạn chế chưa thể bằng các nước phát triển như Mỹ, Úc, EU… tuy nhiên so với các nước trong khu vực và đang phát triển, hạ tầng lưới điện Việt Nam đã có những cải tiến và đang từng bước hiện đại hóa, chẳng thế mà tỷ trọng năng lượng tái tạo của chúng ta vào khoảng 33%, nếu tính cả thủy điện như một số nước thì tỷ lệ này khoảng 54%, đây là tỷ lệ quá cao đối với nước chưa phát triển, dễ mất an toàn, chi phí hệ thống tăng.
Với tỷ lệ này, nhà nước có thể không khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái để bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định hệ thống điện. Tuy nhiên nhà nước vẫn đang cho chúng ta thấy sự ủng hộ người dân và doanh nghiệp trong việc lắp đặt điện mặt trời áp mái với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, chứ không phải để kinh doanh (như ưu đãi trước đây).
Quy định việc phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác (Ảnh minh họa) Bên cạnh đó, về góc độ quy hoạch, tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó xác định phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu để sử dụng tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện. Như vậy, bài toán ở đây là bạn có nhu cầu lắp điện mặt trời áp mái cho gia đình bạn, các thiết bị khác bạn đều phải mua giống nhau, riêng thiết bị biến đổi một chiều thành điện xoay chiều để dùng được thì có hai loại là inverte hòa lưới (On-grid) và không hòa lưới (Off-gird). Nếu bạn “cho tặng” chỗ điện thừa thì chỉ cần mua inverter On-gird giá rẻ hơn. Còn muốn giữ lại thì phải mua loại Off-grid đắt hơn nhiều và tốn thêm chi phí khá lớn để đầu tư bộ lưu trữ điện, lợi ở chỗ nhà nước cho điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu của bạn được liên kết với lưới điện quốc gia.
Nhà nước cho phép bạn được lựa chọn kết nối lên lưới để xả phần điện thừa (không tính tiền), đồng thời có thể dùng điện từ lưới điện nhà nước là một sự ưu ái. Hơn nữa việc dùng điện mặt trời áp mái tự sản tư tiêu là lợi ích + tiện ích cho chính hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời.
Do đó, việc đòi hỏi được bán điện mặt trời mái nhà cho nhà nước là không hợp lý!
Những quan điểm khách quan
Liên quan đến điện mặt trời mái nhà, đọc giả Nguyễn Duy Hiếu trên Báo VN Express nhận xét: Nhiều người ngộ ghê, để lưu trữ điện ban ngày và dùng vào ban đêm thì bạn cũng phải bỏ hàng chục triệu để mua Pin lưu trữ. Giờ đòi bán lại (ban ngày) cho nhà nước rồi tối dùng khấu trừ (buổi tối) thì khác nào nhà nước mua Pin hộ bạn mà chẳng được gì cả (chứ đâu phải mang xô, chậu ra hứng). Hơn nữa việc an toàn lưới điện là rõ ràng, một vài hộ nhỏ không sao, chứ thả cả làng, cả huyện, cả nước cùng đẩy lên thử xem?
Có đọc giả phân tích, dự thảo nghị định đưa ra như vậy là bởi bản chất là điện mặt trời không ổn định, dù có mua điện mặt trời hay không thì EVN vẫn phải đảm bảo việc cung ứng điện. Khi không có nắng thì họ buộc phải huy động một hoặc hai tổ máy nhiệt điện khác để bù vào. Do tính không ổn định của năng lượng tái tạo mà cụ thể ở đây là điện mặt trời, nên điện nền ( điện than, điện khí, thủy điện) không thể cứ tắt rồi lại mở tổ máy liên tục được vì có thể gây lãng phí nhiên liệu khởi động, hỏng hóc thiết bị… Do đó, chính sách không “mặn mà” với việc mua điện mặt trời. Chỉ khi nào Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân có thể dễ dàng thay đổi công suất nền thì EVN mới tự tin mua điện mặt trời
Thêm vào đó, điện mặt trời phụ thuộc thời tiết nên không biết được bao nhiêu điện sẽ được phát lên lưới để cân đối với nhiệt điện sao cho đảm bảo an toàn trong truyền tải và sự ổn định nguồn cho sản xuất.
Bên cạnh đó, nếu nguồn điện năng lượng tái tạo sụt giảm đột ngột nếu không có nguồn điện nền bổ sung ngay lập tức, hệ thống lưới điện sẽ bị “rã lưới” trong khi phải mất trung bình 3-4h nhiệt điện mới có thể bổ sung và điều chỉnh công suất. Điện áp đêm có thể dự tính được, còn ban ngày trời đang nắng mà có mây, mưa thì không thể đoán được để kịp thời điều chỉnh nhiệt điện. Trong khi, hệ thống điện luôn phải đảm bảo cân bằng cung cầu điện, khi mất cân bằng sẽ gây tăng sụt áp làm hư hỏng, giảm tuổi thọ các thiết bị điện thậm chí gây cháy nổ, rã lưới lúc đó thiệt hại kinh tế và tiền đi sửa còn tốn hơn tiền tiết kiệm than và mỗi nhà tự đi đầu tư lưu trữ.
Đồng thời, nhà máy nhiệt điện dù không phát điện lên lưới thì họ cũng luôn phải cho lò hơi vận hành dù ở chế độ standby vì nếu dừng hoạt động thì việc khởi động lại để phát điện một tổ máy là rất mất thời gian và chi phí. Trong thời gian lò vẫn hoạt động mà không phát được lên lưới thì đồng nghĩa vẫn tiêu thụ nguyên nhiên liệu và EVN khi mua thì phải trả chi phí cho việc đó. Các nước họ làm được vì họ có hệ thống lưu trữ khổng lồ và phức tạp rất tốn kém. Ngoài ra, họ phải có một hệ thống truyền tải cực lớn để gánh tải cục bộ được đẩy lên lưới. Nôm na là hệ thống này sẽ được thiết kế để chịu được công suất rất lớn vào một thời điểm nào đó trong ngày khi mà bức xạ điện mặt trời tăng cao dẫn đến công suất phát lên lưới tăng đột biến rồi sau thời điểm này qua đi thì hệ thống truyền tải đó lại phải hoạt động dưới công suất. Nó giống như việc ta hay nói là dùng dao mổ trâu để giết gà vậy. Tất nhiên các nước giàu có đủ tiềm lực để làm việc đó, nhưng Việt Nam là là câu chuyện khác nước mình còn nghèo nếu cũng thực hiện như các nước giàu thì giá thành điện sẽ tăng rất lớn, khách hàng sử dụng điện sẽ không gánh chịu nổi giá điện cao.
Có đọc giả dí dỏm ví như thế này: Nhà bạn làm cái giếng bơm nước lên dùng, dùng không hết thì bơm bỏ đi. Nhưng chỗ bơm bỏ đi không có. Nhà nước đào cho bạn cái ao để bạn bơm nước thừa đi. Còn nhà nước dùng nước trong cái ao đó nuôi cá, tưới cây trong công viên rửa đường… Tuy nhiên bạn không được trả tiền nhưng bạn có chỗ xả nước và nhà bạn không bị ngập lụt, còn nếu bạn vẫn muốn bán thì trả tiền đào ao trả tiền xả nước.
Cũng có ý kiến đọc giả nhận xét, để đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải để đáp ứng nhu cầu mua điện thì cần rất rất nhiều tiền? và bạn mong họ làm hệ thống đó cho bạn bán điện nhưng khi họ tăng giá bán để có kinh phí phát triển hệ thống thì bạn lại phản đối. Hiểu đơn giản là bạn không muốn dựa vào nguồn điện của nhà nước thì bạn tự bỏ tiền ra mà lắp, tự chủ năng lượng của nhà mình, giờ muốn người ta lưu trữ điện cho mình nhưng lại bắt người ta phải tự bỏ tiền ra. Nếu ai cũng khôn như bạn thì nhà nước chịu thiệt rất lớn rồi.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đưa ra khuyến khích người dân lắp đủ dùng và cho phép hòa lưới (giá không đồng) để giúp các hộ gia đình đảm bảo an toàn thiết bị điện trong nhà và không phải bỏ thêm chi phí để mua bộ lưu trữ điện.
Theo Báo Công Thương