Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 28/04/2024 | 02:44 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

03/03/2024
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, tiền đề quan trọng
Chiến lược nêu rõ 7 quan điểm phát triển năng lượng quốc gia gồm:
1. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
3. Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.
4. Đẩy nhanh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên để đảm bảo nguồn trữ lượng tài nguyên năng lượng sơ cấp phục vụ nhu cầu nền kinh tế quốc dân chính xác, tin cậy; đầu tư phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước kết hợp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, các nguồn vốn khác cho công tác điều tra cơ bản địa chất, thăm dò tài nguyên theo quy hoạch, kế hoạch. Thông tin, dữ liệu địa chất, tài nguyên nguồn năng lượng hoá thạch phải được tổng hợp đầy đủ, toàn diện, được quản lý tập trung, thống nhất và minh bạch trên nền tảng công nghệ số.
5. Nghiên cứu đầu tư hiệu quả ra nước ngoài để khai thác tài nguyên năng lượng sơ cấp (đặc biệt chú ý đối với những loại năng lượng mà Việt Nam phải nhập khẩu và đưa về Việt Nam sử dụng nhằm giảm dần khối lượng phải nhập khẩu) phù hợp theo Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị.
6. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng.
7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý
Chiến lược đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Cụ thể, đặt mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và 65 - 70% năm 2045.
Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 180 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 400 - 420 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 250 - 280 kgOE/1.000 USD GDP.
Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu xăng dầu cả nước; phấn đấu mức dự trữ xăng dầu đạt 75 - 80 ngày nhập ròng sau năm 2030. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 15 - 20 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 10 - 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 10% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045.
Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 - 35% vào năm 2030, lên mức 70 - 80% vào năm 2045.
Tầm nhìn đến năm 2045: bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
Chiến lược phát triển năng lượng cũng nêu rõ định hướng phát triển đối với các phân ngành Dầu khí (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí); phân ngành Than (thăm dò và khai thác than; sàng tuyển và chế biến than; thị trường than; công tác an toàn và bảo vệ môi trường; công tác phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - kinh doanh than); phân ngành Điện (phát triển nguồn điện; phát triển lưới điện; liên kết lưới điện khu vực); phân ngành Năng lượng mới và tái tạo; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để thực hiện được các định hướng phát triển này, Chiến lược đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về cơ chế, chính sách; tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế.
Bộ Công Thương; các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược.
Thy Thảo

Cùng chuyên mục

Loạt khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án năng lượng trọng điểm

27/04/2024

Tại tọa đàm trực tuyến: 'Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm', ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151