Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 06/12/2024 | 00:16 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương: 3 ngành năng lượng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

09/07/2023
6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp hiệu quả, quyết liệt chỉ đạo, điều hành, ngành năng lượng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động, quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp kịp thời hiệu quả cùng công tác chỉ đạo điều hành linh hoạt, ngành năng lượng (xăng dầu, than, điện) đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương
Ngành điện nỗ lực vượt khó
Thực hiện vai trò quản lý ngành, ngay từ cuối năm 2022, trên cơ sở theo dõi phụ tải, dự báo tình hình, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành kế hoạch cung cấp điện cho năm 2023. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp đảm bảo điện từ việc bổ sung nguồn điện; tích trữ nước hồ thuỷ điện; chuẩn bị nguồn nhiên liệu (than, khí…) cho sản xuất điện; tăng cường xử lý các khiếm khuyết hệ thống đường dây truyền tải, phân phối; công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng …đến tăng cường kiểm tra giám sát; kịp thời đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn với mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mùa khô năm 2023.
Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6 năm 2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,8% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh).
Tình hình cung cấp điện ổn định trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên từ đầu tháng 5 đến nay, do tình trạng nắng nóng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu tiêu thu điện sinh hoạt. Trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện mùa khô năm 2023 (lưu lượng nước về các hồ thủy điện từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6 có xu hướng giảm thấp và thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, trung bình chỉ đạt 60% đối với các hồ khu vực miền Bắc và 90% đối với các hồ miền Trung và miền Nam). Do vậy, việc cung cấp điện trong giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 gặp khó khăn, dẫn đến phải tiết giảm điện tại một số khu vực phía Bắc do không đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Đến cuối tháng 6, nhờ nhiều giải pháp quyết liệt trong sản xuất, điều hòa, cung cấp điện và lượng nước về các hồ thủy điện tăng hơn trước nên tình hình cung ứng điện đã được cải thiện.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân tham luận tại Hội nghị
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, những tháng mùa khô vừa qua, EVN gặp nhiều khó khăn cung ứng điện, từ đầu tháng 6 đã phải thực hiện tiết giảm điện, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân. Để xảy ra việc tiết giảm điện là trách nhiệm của EVN; EVN cũng gửi lời xin lỗi vì đã để ra tình trạng tiết giảm điện trong 20 ngày vừa qua.
Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, sự phối hợp của các đơn vị liên quan như Tập đoàn PVN, TKV… từ ngày 23/6 đã đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế - xã hội.
Ngành dầu khí duy trì đà tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành dầu khí (trong đó PVN là đơn vị nòng cốt) đã nỗ lực bám sát các nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng khá.
Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện 6 tháng đạt 9,48 triệu tấn quy đổi, vượt 20% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 62% với kế hoạch năm 2023. Trong đó: Sản lượng khai thác dầu 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện đạt 5,31 triệu tấn, vượt 14% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 57% kế hoạch cả năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác dầu thô trong nước 6 tháng ước thực hiện đạt 4,41 triệu tấn, vượt 0,65 triệu tấn (14%) so với kế hoạch 6 tháng và bằng 59% kế hoạch cả năm 2023.
Sản lượng khai thác khí, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,17 tỷ m3 vượt 27% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 70% kế hoạch cả năm 2023.
Sản lượng tiêu thụ dầu 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện đạt 5,31 triệu tấn, vượt 14% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 57% kế hoạch cả năm 2023. Sản lượng tiêu thụ khí, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,17 tỷ m3 vượt 27% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 70% kế hoạch cả năm 2023.
Về tình hình cung ứng xăng dầu, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, duy trì hoạt động sản xuất, phấn đấu duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước.
Nguồn than cho sản xuất điện đã được đảm bảo
Đảm bảo đủ than cho phát điện
Trong 6 tháng đầu năm 2023, than thương phẩm sản xuất khoảng 30,23 triệu tấn, đạt 52,23% kế hoạch năm, bằng 109,32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: than sản xuất trong nước khoảng 23,82 triệu tấn, đạt 52,32% kế hoạch năm, bằng 97,78% so với cùng kỳ năm 2022; than nhập khẩu khoảng 6,41 triệu tấn, đạt 48,54% kế hoạch năm, bằng 194,73% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng than tiêu thụ khoảng 30,97 triệu tấn, đạt 54,22% kế hoạch năm, bằng 106,07% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: tiêu thụ trong nước khoảng 30,76 triệu tấn, đạt 55,84% kế hoạch năm, bằng 107,9% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu khoảng 0,21 triệu tấn, đạt 10,34% kế hoạch năm, bằng 30,38% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với than cấp cho sản xuất điện khoảng 25,34 triệu tấn, đạt 54,70% kế hoạch năm, bằng 118,16% so với cùng kỳ năm 2022; xi măng khoảng 0,94 triệu tấn, đạt 53,98% kế hoạch năm, bằng 71,93% so với cùng kỳ năm 2022; phân bón, hóa chất khoảng 1,13 triệu tấn, đạt 45,08% kế hoạch năm, bằng 111,92% so với cùng kỳ năm 2022; Hộ khác khoảng 3,36 triệu tấn, đạt 74,24% kế hoạch năm, bằng 70,64% so với cùng kỳ năm 2022.
Hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ than đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022, nhất là chỉ tiêu cấp than cho sản xuất điện đã đạt 54,70% kế hoạch năm 2023 và bằng 118,16% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như than nguyên khai/thương phẩm sản xuất trong nước giảm so với cùng kỳ do: (i) Việc gia tăng sản lượng khai thác trong nước là hữu hạn bởi quy định tại các Giấy phép khai thác than; (ii) một số Giấy phép khai thác than đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn, một số Giấy phép khai thác than đề nghị cấp mới chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Đối với những khó khăn của ngành than liên quan đến cấp phép, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị quan tâm và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị ngành Than trong việc cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Nhóm phóng viên - Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302