Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 03/12/2024 | 12:12 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

UBND tỉnh Quảng Ninh và EVN họp bàn gỡ vướng mắc đầu tư xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh

19/03/2024
Ngày 19/3/2024, tại Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị liên quan về công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Cao Tường Huy và Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - Vũ Văn Diện, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Đức Cường – Thành viên HĐTV EVN; ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc EVN; lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVN.
Về phía EVNNPT có ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty, ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1, Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, Ban QLDA Truyền tải điện, lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVNNPT.
Buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Ninh với EVN, EVNNPT và các đơn vị trực thuộc vào chiều ngày 19/3/2024
Đầu tư nhiều dự án truyền tải để đáp nhu cầu điện cho tỉnh
Quảng Ninh là một trong các địa phương có nhu cầu sử dụng điện cao (thứ 7 trong 28 tỉnh/thành phố ở miền Bắc). Điện thương phẩm năm 2023 là 5,9 tỷ kWh tăng trưởng 8,27% so với năm 2022. Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021-2025 11,8%/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 07 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất đặt là 5.750MW. Lưới điện truyền tải trên địa bàn có TBA 500kV Quảng Ninh và 7 TBA 220kV với tổng công suất đặt 2.125MVA. Có 6 mạch đường dây 500kV với tổng chiều dài 458,5 km và 17 đường dây 220kV với chiều dài tương đương 503,6 km. Lưới điện 110kV gồm 860 km đường dây và 30 TBA với tổng dung lượng khoảng 2.530MVA.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện cao của tỉnh Quảng Ninh và nhu cầu sử dụng điện trong những năm tới, EVN và các đơn vị đang tiếp tục triển khai đầu tư các công trình lưới điện theo qui hoạch để đáp nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Cao Tường Huy phát biểu tại buổi làm việc
Trong đó, đối với lưới điện 500kV-220kV, EVNNPT đang triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh như sau:
Dự án TBA 220kV Nam Hòa và đường dây 220kV Yên Hưng – Nam Hòa (1x250MVA, 2x28,5km, mục tiêu hoàn thành quý I/2025). Các dự án đã được EVNNPT trình chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư (tháng 01/2024), hiện tại, EVNNPT đang hoàn thiện thủ tục liên quan đến Quy hoạch chi tiết 1/500 theo yêu cầu của UBND tỉnh, ngoài ra, dự án ĐD 220kV Yên Hưng – Nam Hòa còn vướng mắc liên quan đến hướng tuyến của ĐD 220kV đi qua KCN Bắc Tiền Phong.
Dự án TBA 220kV Cộng Hòa và đấu nối (1x250MVA, 2x2km, mục tiêu hoàn thành năm 2026). Hiện tại, UBND thành phố Cẩm Phả đang lấy ý kiến của các sở ngành về Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án, EVNNPT đang hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư dự án (dự kiến trình trong tháng 03/2024).
Dự án nâng công suất TBA 220kV Yên Hưng (1x250MVA, mục tiêu hoàn thành Quý II/2024): dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện tại Sở Công Thương đang thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
Dự án lắp máy biến áp thứ 2 TBA 220kV Hải Hà (1x250MVA), mục tiêu hoàn thành quý IV/2024), dự án đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư theo Quy hoạch để cấp điện cho phụ tải cũng như nâng cao năng lực và tạo mạch vòng lưới điện 110kV địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, EVNNPC đã và đang đầu tư 36 dự án lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 3.460 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi làm việc
Nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng, EVN, EVNNPT và các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án, hiện nay theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, với các dự án ĐTXD các công trình lưới điện mà có đề nghị nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu thì đều phải trình chủ trương đầu tư lên UBND cấp tỉnh (với các dự án trên địa bàn 01 tỉnh) hoặc Thủ tướng Chính phủ (với các dự án trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên). Trong thời gian qua, EVNNPT và EVNNPC đã trình UBND tỉnh, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư 02 dự án lưới điện truyền tải 220kV và 06 dự án lưới điện 110kV nhưng chưa được chấp thuận.
Cùng với đó là vướng mắc về thủ tục quy hoạch chi tiết 1/500. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ tục giao đất và cho thuê đất của dự án TBA 220kV Yên Hưng và đấu nối (dự án đã đóng điện vận hành), UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu bổ sung chủ trương đầu tư của dự án, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án liên quan đến TBA 220kV Yên Hưng (Nâng công suất TBA 220kV Yên Hưng, đường dây 220kV Yên Hưng – Nam Hòa…).
Cùng các vướng mắc nếu trên, trong quá trình triển khai công tác ĐTXD, còn một số khó khăn vướng mắc khác như thỏa thuận/điều chỉnh vị trí trạm, hướng tuyến đường dây; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Phê duyệt đánh giá tác động môi trường; bồi thường giải phóng mặt bằng. Đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các thành phố, thị xã, huyện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phụ tải trên địa bàn.
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng phát biểu tại buổi làm việc
Quảng Ninh sẽ vào cuộc quyết liệt
Để thực hiện được chương trình đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh, EVN đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch.
Trong đó, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các đơn vị của EVN xây dựng và bổ sung kế hoạch thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện vào kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện.
Hỗ trợ EVNNPT, EVNNPC trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và nhà đầu tư các dự án lưới điện. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT/EVNNPC trong công tác phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận vị trí các TBA, hướng tuyến các đường dây, bồi thường GPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Nêu các kiến nghị cụ thể dự án truyền tải điện, ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo UBND thị xã Quảng Yên, thành phố Cẩm Phả sớm phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện sớm thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án. Sở Công Thương sớm thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bảo vẽ thi công các dự án. Các xã của thị xã Quảng Yên, thành phố Cẩm Phả hỗ trợ tối đa cho EVNNPT trong công tác tham vấn cộng đồng và BTGPMB để hoàn thành công tác thỏa thuận và bàn giao mặt bằng các dự án.
Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Bắc – Hoàng Văn Tuyên báo cáo tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Cao Tường Huy cho biết: Trong thời gian qua, EVN, EVNNPT và các đơn vị đã quan tâm đầu tư các dự án điện để đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển thêm nhiều các khu công nghiệp, khu kinh tế đây là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Cùng với đó là khách du lịch đến với tỉnh Quảng Ninh rất lớn nên nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng cao.
Chính vì vậy để hỗ trợ các khu công nghiệp, việc đảm bảo điện có ý nghĩa rất quan trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị EVN, EVNNPT, EVNNPC hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng các dự án điện để đầu tư phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quảng Ninh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để EVN và các đơn vị triển khai đầu tư hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cam kết phối hợp, đồng hành cùng EVN và các đơn vị để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án tại Quảng Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với các đơn vị của EVN, trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc BTGPMB, thủ tục thuê đất, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, đánh tác tác động môi trường… để ngành Điện sớm triển khai, hoàn thành dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV EVN - Đặng Hoàng Anh đánh giá cao sự chủ động, thẳng thắn của tỉnh Quảng Ninh và khẳng định những vướng mắc, kiến nghị nêu ra tại cuộc họp cần triển khai ngay.
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh, EVN và các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp, quyết tâm giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại, cùng đi đến thỏa thuận, thống nhất cụ thể, có lộ trình, thời gian rõ ràng.
Trong đó, đối với công trình lắp máy 2 TBA 220kV Yên Hưng, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh sớm triển khai giao đất để EVNNPT tập trung nguồn lực, hoàn thành trong tháng 6/2024. Đối với trạm biến áp 220kV Nam Hòa và đường dây đấu nối cũng là dự án cấp bách, với mục tiêu tháng 12/2024 vì vậy tỉnh Quảng Ninh cần sớm tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh. Các dự án truyền tải còn lại EVNNPT phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch và tỉnh Quảng Ninh tháo gỡ những vướng mắc những tồn tại còn lại. Ngoài ra, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cũng chỉ đạo giao EVNNPT triển khai một loạt các dự án truyền tải điện khác theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh.
Lãnh đạo EVN cho biết ngành Điện cũng là nhà đầu tư lớn, hàng năm EVN và các đơn vị đầu tư nghìn tỷ vì vậy mong muốn tỉnh hỗ trợ EVN, các đơn vị trực thuộc và đó cũng là để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Theo EVNNPT  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302