Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 03/05/2024 | 02:14 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Thủ tướng Chính phủ chốt phương án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện khí LNG tại Quỳnh Lập (Nghệ An)

04/04/2024
Dự án Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành Điện tới năm 2030 nhằm đưa tổng công suất nhiệt điện LNG cả nước đạt 22.400 MW.
Đây là một trong những nội dung tại Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thừa ủy quyền ký ban hành.
CHỐT PHƯƠNG ÁN QUỲNH LẬP

Phối cảnh Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập I, II tại Quy hoạch điện VII và đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi Quy hoạch điện VIII. Ảnh tư liệu: P.V
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Dự án Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập có công suất 1.500MW được triển khai tại Nghệ An, dự kiến năm vận hành là 2029 - 2030. Tuy nhiên, theo Kế hoạch cũng chỉ rõ, quy mô chính xác của các nhà máy điện trong danh mục trên sẽ được xác định cụ thể, phù hợp với gam công suất của tổ máy trong giai đoạn triển khai dự án.
Trong chiến lược phát triển, để vừa đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia, vừa đảm bảo sự phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường, từ tháng 11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm Nhiệt điện than Quỳnh Lập I và Nhiệt điện Quỳnh Lập II) sau thời gian dài không thực hiện.
Hai dự án nhiệt điện trên có tổng công suất 2.400MW, chỉ tính riêng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã lên đến khoảng 2,2 tỷ USD do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 975/UBND-CN ngày 8/12/2021 đề nghị Chính phủ cho phép chuyển 2 Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập I, II thành Dự án Nhiệt điện khí LNG.
Sau đó, trong Quy hoạch điện VIII được phê duyệt vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chấm dứt Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I, II; thay vào đó, yêu cầu sẽ xem xét quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập (Nghệ An) hoặc Nghi Sơn (Thanh Hóa) để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn trong giai đoạn 2021 - 2030 với công suất 1.500MW.
Như vậy, so với 2 phương án đưa ra xem xét trong Quy hoạch điện VIII là Quỳnh Lập hoặc Nghi Sơn, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt đã chốt phương án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên có thành phần chính là metan (chiếm khoảng 95%), được hóa lỏng bằng nhiệt độ làm lạnh sâu giúp thuận lợi hơn trong việc tích trữ và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Hiện nay, LNG được xem là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường và được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Việc sử dụng LNG cho lĩnh vực sản xuất điện giúp đảm bảo sự đa dạng các nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, nâng cao bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG CÁC NGUỒN ĐIỆN
Cũng tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Nghệ An được đưa vào kế hoạch phát triển các nguồn điện với công suất nguồn điện gió trên bờ (trên đất liền và gần bờ) là 70MW; công suất nguồn thủy điện nhỏ được tăng thêm 63MW, từ 240 MW lên 303MW; công suất nguồn điện sinh khối 10MW; công suất nguồn điện sản xuất từ rác 30MW; công suất nguồn điện mặt trời mái nhà 54MW.
Kế hoạch cũng đưa vào danh mục đầu tư các dự án thủy điện vừa và lớn của cả nước 3 dự án thủy điện tại Nghệ An; trong đó có dự án thủy điện tại sông Hiếu 45MW (kết hợp phát điện tại Dự án Hồ Bản Mồng), dự kiến vận hành ngay trong năm 2024 và các dự án thủy điện Mỹ Lý công suất 120MW, Nậm Mô 1 công suất 51MW đều đang điều chỉnh chủ trương đầu tư, cùng dự kiến vận hành năm 2028.
Bên cạnh đó, 2 dự án thủy điện nhỏ cũng đưa vào danh mục là thủy điện Châu Thôn 29,8MW, dự kiến vận hành trong năm 2024 và thủy điện Thông Thụ 28MW dự kiến vận hành trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đồng thời, tại danh mục các dự án điện gió trên bờ (trên đất liền và gần bờ), Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đưa vào kế hoạch xây dựng Nhà máy điện gió Nam Đàn có công suất 70MW, dự kiến vận hành trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đối với phát triển điện sinh khối, Nghệ An được quy hoạch phát triển Nhà máy Điện sinh khối Quỳ Hợp công suất 10MW, dự kiến vận hành trong giai đoạn 2026 - 2030.
Nghệ An có Dự án điện mặt trời hồ Khe Gỗ công suất 200MW và Dự án điện mặt trời hồ Vực Mấu công suất 160MW thuộc danh mục các dự án điện mặt trời xem xét sau năm 2030 được triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu.
Đối với Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu cấp điện cho 18.581 hộ ở Nghệ An tại 154 thôn, bản thuộc 88 xã. Dự kiến xây dựng là 136 số trạm biến áp, 439 km đường dây trung áp và 253 km đường dây hạ áp. Tổng nhu cầu vốn thực hiện là 640 tỷ đồng.
Danh mục các dự án lưới điện truyền tải, Nghệ An sẽ được Nhà nước đầu tư mới trạm cắt 500kV Nam Cấm đấu nối chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 500kV Vũng Áng - Nho Quan (mới), với tiến độ vận hành trong đoạn 2026 - 2030 và Trạm biến áp Quỳnh Lưu công suất 1.800MVA, với tiến độ vận hành giai đoạn 2023 - 2025.
Ngoài ra, một loạt trạm biến áp 220kV sẽ được xây mới và cải tạo tại các huyện: Tương Dương, Quỳ Hợp, Đô Lương và Khu Công nghiệp Nam Cấm.
 Theo Báo Nghệ An 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151