Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 02/05/2024 | 19:22 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 71]: Điện than trong cơ cấu năng lượng Nhật Bản

10/04/2024
​Điện than tiếp tục là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản - đó là nhận định của Tạp chí Powermag số tháng 3/2024. Dưới đây là những ý chính trong bài viết này.
Cơ cấu năng lượng của Nhật Bản đang thay đổi khi nước này dần đưa các lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động trở lại. Thảm họa Fukushima năm 2011 đã làm gián đoạn sản xuất điện của quốc gia, dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào than và khí đốt tự nhiên - cả hai loại nhiên liệu đều phải nhập khẩu với chi phí cao. Nhật Bản đang bổ sung thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả gió ngoài khơi), nhưng việc xây dựng các trang trại năng lượng gió, mặt trời trên đất liền bị hạn chế do quỹ đất hạn hẹp, cùng với hệ thống quản lý hỗ trợ nguồn điện này chưa đạt như mong muốn.
Sản xuất điện than ngày càng trở nên quan trọng, ngay cả khi Nhật Bản đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm hơn 1/3 sản lượng điện vào năm 2030 và mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo Statista (nền tảng trực tuyến chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu của Đức): Tính đến cuối năm ngoái, Nhật Bản có 93 nhà máy nhiệt điện than. Điện than cung cấp khoảng 1/3 lượng điện quốc gia, chỉ đứng sau điện khí (34%). Còn tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân của Nhật Bản đã giảm xuống dưới 10%.
Các quan chức Nhật Bản cho biết: Nước này sẽ không còn xây dựng cái mà họ gọi là “các nhà máy nhiệt điện than không giảm phát thải - unabated coal-fired power plants”.
Tại COP28, Nhật Bản cam kết cắt giảm 46% lượng khí thải nhà kính (GHG) vào năm 2030 và muốn cắt giảm GHG ít nhất một nửa trong thập kỷ này.
Đánh giá việc tiếp tục sử dụng than cho sản xuất điện của Nhật Bản, Sankar Sharma - chuyên gia đầu tư năng lượng và thị trường Hoa Kỳ nói: “Trong nỗ lực đạt được mức phát thải ròng bằng 0, Nhật Bản, cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác phải đối mặt với một tình huống nghịch lý là bất chấp cam kết của mình đối với các mục tiêu môi trường, quốc gia này vẫn tiếp tục phụ thuộc vào điện than, thậm chí còn bổ sung thêm các dự án mới vào danh mục năng lượng của mình. Bất chấp những hạn chế về môi trường, than được coi là thành phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt khi xem xét những thách thức và chi phí liên quan đến việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh (như gió, mặt trời)”.
Hậu Fukushima, Nhật Bản đã trải qua thời kỳ tạm dừng một số nhà máy điện hạt nhân - nguồn điện quan trọng trong cơ cấu năng lượng của đất nước đã dẫn đến sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Theo Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Các nhà máy điện than của Nhật Bản kết hợp nhiều công nghệ: 47% là trên siêu tới hạn, 28% siêu tới hạn và 23% dưới tới hạn. Đáng chú ý, các nhà máy điện than sắp tới chủ yếu là các nhà máy siêu tới hạn - đánh dấu bước tiến hướng tới hiệu suất cao hơn và giảm lượng khí thải.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện siêu tới hạn và dưới tới hạn vào năm 2030. Cạnh đó, 5 nhà sản xuất điện hàng đầu của Nhật Bản cũng đã cam kết các mục tiêu khử cacbon vào năm 2030, hướng tới giảm 20% - 65% so với mức năm 2013 và mục tiêu không phát thải cacbon vào năm 2050.
Trong số các giải pháp khác nhau để đạt được các mục tiêu này, năng lượng sản xuất từ hydro và amoniac có hàm lượng carbon thấp đã được Chính phủ Nhật Bản khuyến khích, với khoản đầu tư lên tới 113 tỷ USD.
Giới phân tích năng lượng Hoa Kỳ cho rằng: Nhật Bản sẽ tiếp tục dựa vào điện than như “một giải pháp thiết thực cho nhu cầu năng lượng trước mắt”, nhưng “không thể bỏ qua tác động môi trường”. Việc tiếp tục sử dụng than đặt ra những thách thức về môi trường và Nhật Bản phải cân bằng những thách thức này với nhu cầu năng lượng. Để đáp lại, Nhật Bản đang thực hiện nhiều chính sách môi trường khác nhau, chẳng hạn như tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn đối với các nhà máy điện than và đầu tư vào công nghệ thu hồi carbon.
Đón đọc kỳ tới...
Theo Tạp chí Năng lượng  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151