Hội nghị nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được, phân tích những nguyên nhân tồn tại, hạn chế từ đó trao đổi thảo luận tìm ra những giải pháp cụ thể triển khai hiệu quả hơn công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2024.Thông tin tại Hội nghị cho thấy năm 2023, tình hình thời tiết, thiên tai có diễn biến phức tạp, bất thường và khó lường. Cả nước đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai, khiến 169 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất; sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 02 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích...
Với ngành Công Thương, năm 2023 công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão đã được các cấp Lãnh đạo và các đơn vị chủ động ngay từ đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được triển khai kịp thời, sát sao nên năm 2023 toàn Ngành đã ứng phó hiệu quả với thiên tai. Cụ thể theo báo cáo của các Tập đoàn và doanh nghiệp, toàn Ngành đã không để thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản và công trình của các doanh nghiệp trong ngành ở mức thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh được giữ ổn định…
Phát biểu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Trưởng Ban chỉ huy chỉ Phòng thủ dân sự, PCTT&TKCN Bộ Công Thương cho biết, trong công tác này ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19 tháng 4 năm 2023 về tăng cường công tác PCTT&TKCN trong đó chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, các Tập đoàn, Tổng công ty, các chủ hồ thủy điện, các cơ sở khai thác khoáng sản và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống thiên tai.
Khi các đợt thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương đều ban hành các công điện để chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị phòng và ứng phó thiêt tai, đồng thời tổ chức kiểm tra tại một số điểm xung yếu. Các Sở Công Thương, các Tập đoàn, tổng công ty cũng đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành thuộc phạm vị quản lý nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được cấp trên giao. Riêng năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương đã ban hành 16 Công điện và 02 Văn bản chỉ đạo, điều hành gửi các đơn vị ngành Công Thương để có các biện pháp ứng phó kịp thời đối với diễn biến bất thường của thiên tai, bão, lũ, ứng phó kịp thời, nhanh nhất với tình hình diễn biến phức tạp của bão và mưa, lũ sau bão...
Mới đây, ngày 28 tháng 3 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng chống thiên tai năm 2024. Đây là chỉ đạo quan trọng để các đơn vị trong ngành Công Thương triển khai tốt các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị. Tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành Công Thương cần được các đơn vị tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); Để ứng phó tốt nhất với các đợt thiên tai xảy ra trong năm 2024, đảm bảo mục tiêu giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện, an toàn điện, an toàn công trình khai thác khoáng sản, dầu khí, cung ứng xăng dầu, công tác đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường… |
Ngành Công Thương tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các đánh giá, nhận định của các chuyên gia cho thấy, về diễn biến thiên tai năm 2024 có thể tiếp tục phức tạp, khó lường. Cụ thể, dự báo năm 2024 các đợt lũ phổ biến xuất hiện tại khu vực miền Bắc trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Khu vực Tây Nguyên có thể xuất hiện 2-3 đợt lũ và dự báo có thể có khoảng 4-6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển và nhiều khả năng ảnh hưởng đến đất liền.
Tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các đơn vị trong ngành Công Thương thời gian tới tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm sau:
Một là: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong công tác PCTT&TKCN tại đơn vị.
Hai là: Rà soát, cập nhật bổ sung, hiệu chỉnh phương án PCTT&TKCN phù hợp với đặc thù của đơn vị đối với tất cả hình thái thiên tai có thể xảy ra.
Ba là: Kiện toàn tổ chức, lực lượng PCTT&TKCN; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản cũng như các tình huống thiên tai dị thường, khó đoán trước để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai.
Bốn là: Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố.
Năm là: Tiếp tục rà soát, lồng ghép nội dung PCTT&TKCN vào chương trình, kế hoạch phát triển ngành; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế, xây dựng các công trình để bảo đảm an toàn cho công trình, cho cộng đồng đối với các hình thái thiên tai.
Sáu là: Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trước mùa mưa lũ năm 2024
Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ đạo Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đôn đốc hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác PCTT&TKCN đảm bảo an toàn đối với công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương…;
Các đơn vị liên quan khác trong ngành Công Thương, các Tập đoàn: Điện lực, Than – Khoáng sản, Dầu khí, Xăng dầu, Hóa chất, các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện...phải: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão tại các cơ sở, công trình, đặc biệt các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, các công trình thủy điện và cơ sở khai thác, chế biến than, khoáng sản... (tăng cường giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy điện, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản, an toàn hồ chứa quặng đuôi theo quy định); Hỗ trợ các đơn vị điện lực, đơn vị truyền tải điện, đẩy mạnh tuyên truyền người dân cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão...
Bên cạnh ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng thiên tai, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý...Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh đơn vị liên quan cần có phương án điều tiết các mặt hàng thiết yếu giữa các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng thiên tai, đảm bảo phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân; bình ổn thị trường trong và sau các sự cố, thiên tai.
Đặc biệt chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý, nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành đơn hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; Tập trung kiểm tra, rà soát, khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) của thiết bị, máy móc, hạng mục công trình vận hành xả lũ, cửa nhận nước để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trước mùa mưa lũ năm 2024...
Theo TCCT