Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:23 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

PTSC vươn ra thị trường năng lượng quốc tế

19/07/2023
Trong giai đoạn 2015-2022, việc thắng thầu quốc tế và triển khai thành công một loạt các dự án cơ khí dầu khí đã chứng minh sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), tạo tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế, đánh dấu việc chính thức gia nhập lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Một dự án điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2015-2022 được xem là giai đoạn thách thức rất lớn đối với ngành Dầu khí nói chung, PTSC nói riêng. Giá dầu giảm sâu từ cuối năm 2014 và liên tục ở mức thấp trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới mọi mặt hoạt động trong ngành công nghiệp dầu khí.
Bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ năm 2018, tuy nhiên giá dầu thô tiếp tục biến động khó lường, có thời điểm lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu “âm” 37 USD/thùng dầu, cùng với các tác động mang tính “tàn phá” của đại dịch Covid-19 vào các năm 2020 và 2021, đã khiến đời sống kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng.
Vào giai đoạn đó, hầu hết các dự án phát triển mỏ dầu khí biển trong nước và ngoài nước đều bị giãn, dừng, khiến khối lượng công việc của lĩnh vực dịch vụ dầu khí suy giảm nghiêm trọng. Trong tình trạng đó, doanh nghiệp dịch vụ dầu khí có hoạt động thì lỗ ít, không hoạt động thì lỗ nhiều hoặc phá sản, nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước và ngoài nước sẵn sàng chào giá giảm sâu, chấp nhận thực hiện dịch vụ với giá rất thấp hoặc hoạt động, vận hành trong điều kiện thiếu an toàn, kém chất lượng, bất chấp các quy định hiện hành để cắt giảm tối đa các chi phí, làm cho thị trường dịch vụ dầu khí trên thế giới càng hỗn loạn.
Giai đoạn này, bên cạnh sự thay đổi nhanh chóng, sâu rộng của cơ chế, chính sách, các luật liên quan, Việt Nam đã ký kết hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định thương mại (CPTPP, RCEP...), tất cả theo hướng mở cửa thị trường, triệt tiêu bảo hộ doanh nghiệp có vốn nhà nước, vô hình trung gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước trên chính sân nhà. Trong khi việc phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài gặp khó khăn, do công việc ít và sự bảo hộ ngày càng tăng ở các nước sở tại, Việt Nam cũng chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài (ưu đãi về lãi suất cho vay, thuế, tài trợ vốn, thủ tục...).
Trong bức tranh toàn cảnh thị trường dịch vụ dầu khí có nhiều gam màu tối như vậy, việc thắng thầu quốc tế và triển khai thành công một loạt các dự án cơ khí dầu khí đã chứng minh sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của PTSC. Đó là các dự án Sư Tử Trắng FFD Phase 1, Daman Development Phase 1&2 (Ấn Độ), Greater Enfield Subsea (Australia), Gallaf 1-Al Shaheen (Qatar), Sao Vàng Đại Nguyệt, KG-DWN 98/2 LQ Jacket (Sapura - Ấn Độ), Column Pre-dressing (Linde - Singapore). Ngoạn mục nhất là sự thành công của Dự án Gallaf 1, khi PTSC đã đưa gần 1.000 kỹ sư Việt Nam sang Qatar để hoàn thành công tác đấu nối và chạy thử ngoài khơi đúng tiến độ, an toàn, chất lượng trong khi dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng tại Qatar. Ấn tượng trước sự chuyên nghiệp và mẫn cán của nhân sự PTSC, khách hàng North Oil Company đã tiếp tục trao hợp đồng Gallaf 3 cho PTSC.
Với hệ thống hạ tầng được trang bị đầy đủ, đồng bộ để thực hiện chế tạo các cấu kiện lớn cho các dự án dầu khí, PTSC đã tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK). Cuối năm 2021, PTSC đã bổ sung NLTT vào ngành nghề kinh doanh chính, đánh đấu bước chuyển mình quan trọng sang giai đoạn phát triển mới.
Khi các dự án NLTTNK chưa được triển khai tại Việt Nam, PTSC đã tìm kiếm cơ hội trên thị trường quốc tế. Qua hoạt động marketing được triển khai quyết liệt và đồng bộ, PTSC đã có được cơ hội tham gia đấu và thắng thầu quốc tế gói thầu chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc), tạo tiền đề cho việc thắng thầu gói thầu chế tạo 4 OSS cho dự án điện gió ngoài khơi biển Baltic. Đặc biệt, PTSC đã thay đổi tư duy, lần đầu tiên đấu thầu và trúng thầu gói thầu chế tạo và cung cấp 33 chân đế trụ điện gió cho một dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và đang đứng trước cơ hội tiếp tục trúng thầu một số các dự án chế tạo OSS, chân đế trụ điện gió cho các dự án điện gió ngoài khơi tương tự, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động và tăng doanh thu cho PTSC trong nhiều năm tới.
Với việc trúng thầu dự án chế tạo 33 chân đế trụ điện gió ngoài khơi, PTSC đã tạo tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế và đánh dấu việc chính thức gia nhập thị trường NLTTNK.
Triển khai các dự án đó cũng góp phần xây dựng chuỗi cung ứng nội địa trong lĩnh vực NLTTNK. Để thực hiện các dự án NLTTNK, ngoài các doanh nghiệp là đơn vị thành viên của PTSC còn có các doanh nghiệp của ngành Dầu khí, các doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước... tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong những năm tới, khi điện gió ngoài khơi tại Việt Nam phát triển, chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng cho lĩnh vực NLTTNK.
Với các nguồn lực dồi dào hiện có, sự hỗ trợ giúp đỡ từ Chính phủ, từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cùng với sự khát khao chinh phục những thử thách mới, PTSC sẽ có những đóng góp lớn trong việc phát triển công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo đúng tinh thần “PTSC - Trọn giải pháp, vẹn niềm tin”, luôn đi đầu trong việc tìm kiếm những giải pháp mới trong những lĩnh vực mới.
PTSC đã thắng thầu quốc tế và triển khai thành công một loạt các dự án cơ khí dầu khí: Sư Tử Trắng FFD Phase 1, Daman Development Phase 1&2 (Ấn Độ), Greater Enfield Subsea (Australia), Gallaf 1-Al Shaheen (Qatar), Sao Vàng Đại Nguyệt, KG-DWN 98/2 LQ Jacket (Sapura - Ấn Độ), Column Pre-dressing (Linde - Singapore)...
Tạp chí Petrotimes

Cùng chuyên mục

Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

28/04/2024

Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh lá, đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151