Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 29/04/2024 | 12:54 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Thị trường điện cạnh tranh - cần lộ trình thực tế và khả thi hơn

25/07/2023
Tình trạng thiếu điện cục bộ thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập trong công tác quản trị ngành điện, đồng thời càng cho thấy nhu cầu cần thiết phải xây dựng lại lộ trình phát triển thị trường điện khả thi hơn, thực tế hơn, trong đó điều kiện tiên quyết là chính sách giá bán lẻ điện.

Giá điện luôn là vấn đề gây tranh cãi khi có sự thay đổi, điều chỉnh. Ảnh: TL
Thiếu điều kiện cho thị trường điện cạnh tranh
Thời gian vừa qua, tình trạng thiếu điện cục bộ, chủ yếu ở miền Bắc, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập trong công tác quản trị ngành điện.
Theo Kết luận số 4463/KL-BCT của Thanh tra Bộ Công thương ngày 10/7/2023: việc xây dựng nguồn và lưới điện chậm, mất cân đối so với quy hoạch, chưa tận dụng tốt nguồn lực năng lượng tái tạo đã được đầu tư, công tác quản trị rủi ro trong kế hoạch vận hành và vận hành các nguồn thủy điện, nhiệt điện chưa tốt.
TS. Thái Doãn Hoàng Cầu (Tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện) cho rằng, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc ngành điện chưa làm tốt các công tác quản trị ngành là do cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào, cũng như khan hiếm cung - cầu điện.
Để giảm lỗ, theo lẽ thường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có động lực huy động nhiều nguồn điện có chi phí vận hành thấp như thủy điện và giảm nguồn điện có chi phí cao hơn như than, khí, dầu và như vậy, EVN đã phải nhận rủi ro cao khi tình hình thời tiết, thủy văn cực đoan xảy ra ngoài dự báo trong năm 2023.
Về việc thực hiện thị trường điện, cho đến nay, dù thời gian chuẩn bị đã lâu nhưng thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh, thị trường bán lẻ điện vẫn chưa thực hiện thí điểm theo như các thiết kế và lộ trình tương ứng đã được duyệt. Các khó khăn, bất cập vừa qua lẽ ra đã có thể và nên được giải quyết thông qua các cơ chế thị trường.
Thực tế, Việt Nam đã có quyết sách thực hiện cải cách và thị trường hóa ngành điện rất sớm từ năm 1995 và kiên định với định hướng này. Điều này đã được thể hiện trong Luật Điện lực, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và nhiều quyết định cụ thể của Thủ tướng chính phủ về thiết kế và lộ trình thực hiện thị trường điện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của những người am hiểu, tất cả các điều kiện để triển khai lộ trình thị trường điện cạnh tranh cơ bản thời gian qua không được thực hiện. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, song quan trọng nhất là tính đồng bộ của hệ thống văn bản pháp lý và nhất là các vấn đề thực thi các văn bản pháp lý liên quan đến ngành điện và giá điện.
Đặc biệt hơn cả là mức độ sẵn sàng của điều kiện tiên quyết là giá bán lẻ điện được điều tiết bởi nhà nước, nhưng cần phải phản ánh tín hiệu thị trường. Đồng thời khi vấn đề xóa bỏ bù chéo còn chưa thực hiện được thì ngay cả thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh cũng là điều khó thực hiện, chưa nói đến thị trường bán buôn hay bán lẻ điện.
Cơ chế giá điện dễ gây bức xúc

Giá điện luôn là vấn đề gây tranh cãi khi thường có dư luận cho rằng EVN độc quyền, kinh doanh kém hiệu quả nên giá điện cao - TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Nói về cơ chế quản lý giá điện hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mặt tích cực là nó dễ thực hiện quản lý nhà nước; giữ được giá điện ổn định ở mức khá thấp, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí sản xuất kinh doanh; giảm tác động bất lợi và quyền tiếp cận điện của nhóm người thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…
Ở chiều ngược lại, giá điện luôn là vấn đề gây tranh cãi khi thường có dư luận cho rằng EVN độc quyền, kinh doanh kém hiệu quả nên giá điện cao. Song, nếu nhìn cụ thể thì một số yếu tố cấu thành giá đang được tính thấp hơn giá thị trường như giá thủy điện; giá truyền tải điện (hiện rất thấp, chiếm chưa đầy 5% giá bán lẻ điện bình quân); chưa tính thuế sử dụng tài nguyên; thuế, phí bảo vệ môi trường…
Với việc chi phí sản xuất, truyền tải điện trong xu hướng tăng, nếu vẫn tiếp tục quản lý, điều hành giá bán lẻ điện như hiện nay thì EVN sẽ tiếp tục thua lỗ lớn, từ đó có thể làm giảm sút nghiêm trọng khả năng huy động vốn đầu tư phát điện và chuyển tải điện cho nền kinh tế.
Một bất cập nữa trong cơ chế giá điện hiện nay là không công bằng trong tiêu thụ điện, do thực hiện chính sách bù chéo trong nội bộ nhóm, giữa các nhóm hộ dùng điện và giữa các vùng miền khác nhau. Giá điện chưa tính đúng, tính đủ chi phí cùng với chính sách bù chéo này làm cho giá bán lẻ điện trở nên sai lệch, không còn là đòn bẩy cân bằng cung cầu trên thị trường.
Không chỉ vậy, cách thức quản lý giá điện hiện nay tạo nên tâm trạng và kỳ vọng xã hội về duy trì giá điện thấp và ổn định. Từ đó, tạo nên “bức xúc xã hội” trước mọi thay đổi, điều chỉnh của giá điện. Đồng thời, nó không khuyến khích, mà trái lại tạo tâm lý dè dặt cho các nhà đầu tư phát triển triển ngành điện, nhất là phát triển các nguồn mới và đường dây chuyển tải…
Đề xuất giải pháp trước mắt khắc phục tình trạng này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông một cách lành mạnh; phản ánh khách quan các mặt được và chưa được của ngành điện; yêu cầu đổi mới, phát triển và trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển ngành điện; về khả năng giá điện có thể tăng trong thời gian tới.
Cùng với đó, nới rộng khung giá bán lẻ điện bình quân, cho phép điều chỉnh giá bán lẻ linh hoạt hơn theo kịp biến động của thị trường. Giảm và tiến tới xóa bỏ bù chéo về giá bán lẻ điện, thực hiện một mức giá bán lẻ đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt và một mức giá bán lẻ đối với sản xuất kinh doanh, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Đề xuất thành lập ban cố vấn về cải cách ngành điện
TS. Thái Doãn Hoàng Cầu đề xuất Quốc hội, Chính phủ nên xem xét thành lập ngay một ban cố vấn chuyên trách về cải cách ngành điện, năng lượng nhằm giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề quan trọng của ngành điện và năng lượng, bao gồm an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế và bền vững thông qua cơ chế thị trường.
Theo Thời báo tài chính Việt Nam 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151