Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 17/05/2024 | 12:32 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Nhịp đập năng lượng ngày 25/7/2023

26/07/2023
17 dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã hòa lưới; CH Séc chủ động chuẩn bị khí đốt cho mùa đông; Indonesia bắt đầu bán xăng sinh học làm từ mật mía… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/7/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
17 dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã hòa lưới
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 25/7/2023, đã có 72/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.931,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, có 60 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.331,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.
EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 58/60 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.
Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 17 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 832,92 MW.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đạt khoảng 165,5 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Cũng theo EVN, đến thời điểm hiện nay, có 21 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 20 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 13 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 802,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
CH Séc chủ động chuẩn bị khí đốt cho mùa đông
Tập đoàn Năng lượng Séc (CEZ) ngày 24/7 tuyên bố đang tập trung nỗ lực nhằm đảm bảo khí đốt cho mùa đông sắp tới. Quốc gia Trung Âu này cũng nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, trong đó có nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG).
Theo CEZ, trong nửa đầu năm 2023, CH Séc đã nhập khẩu hơn 1 tỷ m3 khí đốt thông qua cơ sở LNG Eemshaven của Hà Lan. Lượng khí đốt này được 12 tàu vận chuyển từ Mỹ và tương đương 15% nhu cầu cả năm của CH Séc. CEZ cho biết thêm, khí đốt nhập khẩu từ Na Uy đáp ứng phần còn lại trong tổng lượng khí đốt tiêu thụ của CH Séc.
Bộ trưởng Công Thương Séc Jozef Sikela cho biết lượng khí đốt nhập khẩu qua Eemshaven có thể đáp ứng tới 40% nhu cầu tiêu thụ trong năm nay của nước này. Bên cạnh đó, CH Séc cũng đang đàm phán với Đức và Ba Lan để có thể sử dụng thêm các cơ sở ven biển khác của các nước láng giềng nhằm tăng nhập khẩu LNG. Cũng theo ông Sikela, các bể chứa khí đốt của CH Séc hiện được lấp đầy 89%, tương đương 3 tỷ m3, nhiều hơn khoảng 400.000 m3 so với năm ngoái.
Mỹ chi 700 triệu USD để cắt giảm khí thải methane trong lĩnh vực dầu khí
Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp khoản tài trợ lên đến 700 triệu USD để giám sát và giảm lượng khí thải methane từ ngành dầu khí, trong đó một nửa số tiền tài trợ sẽ dành cho các bang. Bộ Năng lượng (DOE) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ngày 24/7 cho biết, khoản tài trợ này sẽ đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty nhằm hạn chế lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Các bang của Mỹ sẽ nhận được khoản tài trợ lên đến 350 triệu USD thông qua Phòng thí nghiệm Công nghệ Năng lượng quốc gia thuộc DOE để giúp các công ty tự nguyện xác định và giảm lâu dài lượng khí thải methane từ các giếng dầu khí ít khai thác.
Đối với khoản tài trợ còn lại, EPA và DOE sẽ dành cho các tổ chức và cá nhân tham gia đấu thầu nhằm triển khai công nghệ và ứng dụng các giải pháp tốt nhất cho lĩnh vực dầu khí. Quản trị viên EPA, ông Michael Regan, đánh giá khoản tài trợ trên có thể giúp giảm 15 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ năm 2022-2055.
Canada thực hiện cam kết loại bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch
Canada ngày 24/7 đã công bố kế hoạch loại bỏ các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện cam kết năm 2009 nhằm hợp lý hóa và loại bỏ trợ cấp đối với khu vực này.
Kế hoạch này sẽ áp dụng bằng các biện pháp thuế và phi thuế hiện nay, nhưng Chính phủ chưa hủy bỏ các thỏa thuận trợ cấp nhiều năm đang được thực hiện. Các chuyên gia nhận định khuôn khổ này là một bước tiến quan trọng, nhưng không nên tiếp tục cho phép Chính phủ hỗ trợ các dự án dầu khí mà nên đặt ra kế hoạch giảm phát thải thông qua các công nghệ như thu hồi và lưu giữ carbon.
Theo kế hoạch, các hoạt động liên quan tới nhiên liệu hóa thạch sẽ được miễn trừ nếu chúng thuộc 1 trong 6 loại như tạo điều kiện giảm khí thải carbon, hỗ trợ năng lượng sạch, cung cấp năng lượng thiết yếu cho vùng sâu vùng xa hoặc hỗ trợ ngắn hạn cho ứng phó khẩn cấp, hỗ trợ người bản địa tham gia các hoạt động nhiên liệu hóa thạch hoặc là các dự án có kế hoạch đạt mức không phát thải.
Indonesia bắt đầu bán xăng sinh học làm từ mật mía
Ông Nicke Widyawati - Giám đốc điều hành Công ty năng lượng nhà nước Indonesia Pertamina ngày 24/7 cho biết công ty bắt đầu bán xăng Pertamax Green 95, loại xăng có chỉ số octan 95 trộn với 5% cồn sinh học, tại 15 trạm xăng ở thủ đô Jakarta và thành phố Surabaya ở Đông Java.
Giám đốc điều hành Pertamina Nicke Widyawati cho biết xăng Pertamax Green 95 là một cột mốc quan trọng đối với Pertamina trong việc phát triển và phân phối nhiên liệu sinh học xăng.
Theo ước tính của Pertamina Patra Niaga - công ty điều hành các trạm nhiên liệu bán lẻ của Pertamina, trong giai đoạn phân phối đầu tiên, nhu cầu đối với sản phẩm dự kiến sẽ đạt 90.000 kilolit/năm, trong đó sẽ chứa khoảng 5.000 kilolit ethanol. Pertamina Patra Niaga sẽ tiếp tục theo dõi xu hướng tiêu thụ nhiên liệu sinh học để từng bước mở rộng phân phối.
Theo Petrotimes  

Cùng chuyên mục

Tháng 4/2024: Petrovietnam đón nhận nhiều tin vui, hoạt động SXKD tiếp đà tăng trưởng

17/05/2024

Tháng 4 năm 2024, tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đạt 77,2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, duy trì 3 tháng tăng trưởng liên tiếp. Đặc biệt, Petrovietnam đón nhiều tin vui về cơ chế chính sách, với các phát hiện dầu khí mới, lập kỷ lục về sản lượng điện/ngày…

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151