Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 18/05/2024 | 14:56 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Kiến nghị rà soát, điều chỉnh luật và các văn bản hướng dẫn, tạo thuận lợi đầu tư phát triển các dự án sản xuất than

27/07/2023
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên ranh giới mỏ trong khu vực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã kiến nghị với Đoàn giám sát của UBTVQH rà soát điều chỉnh Luật và các Văn bản hướng dẫn đảm bảo tính đồng bộ thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thăm dò, đầu tư phát triển các dự sản xuất than.
TKV nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu than - điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong khuôn khổ hoạt động giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, của Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Đây là hai tập đoàn nhà nước liên quan trực tiếp đến lĩnh vực năng lượng.

Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Báo cáo với Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo liên quan đến đầu tư, hỗ trợ ngành năng lượng với phương châm “năng lượng phải đi trước một bước”.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam; Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Về thực hiện các văn bản luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng, ông Đặng Thanh Hải khẳng định, thực hiện các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, TKV đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định và các văn bản chỉ đạo kịp thời để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng tối đa nhu cầu than - điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng, kể từ khi Chiến lược phát triển bền vững Tập đoàn các Công ty Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 403/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, TKV đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp tại các Quyết định nêu trên, góp phần thực hiện hiệu quả định hướng, mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu than của các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
TKV tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước; đảm bảo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, đóng vai trò rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Về Quy hoạch phát triển các dự án than, điện của TKV, ông Đặng Thanh Hải khẳng định, TKV triển khai các dự án năng lượng (than, điện) theo Quyết định 403/QĐ-TTg và Quy hoạch điện (VII, VII điều chỉnh, VIII) của Chính phủ và có kế hoạch triển khai Dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện Đồng Nai 5, tuy nhiên dự án chưa được đưa vào Quy hoạch điện VIII.
Thực hiện định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực than, điện của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Khả năng cung ứng than trong nước và nhập khẩu than, cung cấp năng lượng tái tạo của TKV giai đoạn 2021-2025, ông Đặng Thanh Hải cho biết, theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhu cầu sử dụng than đến năm 2030 tiếp tục tăng; trong đó giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu lớn nhất, xuyên suốt 2021 - 2045 nhu cầu trong nước luôn cao hơn khả năng sản xuất. Đứng trước những thách thức về nhu cầu trong nước, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài nhằm phát triển bền vững ngành than theo hướng kết hợp sản xuất và thương mại than.
Đối với phân ngành điện, TKV tiếp tục duy trì các nhà máy điện than hiện có để tận dụng than nhiệt trị thấp; Tập trung nguồn lực đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương II; Nghiên cứu đầu tư một số dự án năng lượng tái tạo, tập trung vào dự án điện mặt trời, điện gió tại Tây Nguyên dần hình thành các tổ hợp công nghiệp Than (NLTT) - Điện - Alumin, Nhôm và các dự án điện gió, điện mặt trời tại khu vực bãi thải mỏ và khu vực đã khai thác than.
Rủi ro gián đoạn nguồn cung nhập khẩu than.
Báo cáo với Đoàn giám sát của UBTVQH về khả năng cung ứng than trong nước và nhập khẩu, cung cấp năng lượng tái tạo của TKV giai đoạn 2021-2025, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn TKV cho biết, để đảm bảo cung cấp đủ than cho các Nhà máy điện theo cam kết/Hợp đồng nguyên tắc đã ký đến hết đời Dự án, theo kế hoạch TKV sẽ tiêu thụ khoảng 252 triệu tấn than (bao gồm cả xuất khẩu), trong đó than sản xuất trong nước khoảng 194 triệu tấn và nhập khẩu dự kiến 60 triệu tấn.
Do nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu nên sẽ kéo theo nhiều rủi ro gián đoạn nguồn cung nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị khu vực và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu bình ổn, điều tiết và dự trữ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh dự trữ sản xuất của doanh nghiệp cần xem xét giải pháp lập kho dự trữ than quốc gia với quy mô phù hợp với quy mô sản lượng than nhập khẩu cho từng giai đoạn.
Giai đoạn 2021- 2025, TKV có kế hoạch cung cấp trung bình khoảng 700 triệu kWh/năm từ nhà máy thủy điện Đồng Nai 5. TKV cũng đã đẩy mạnh ứng dụng Cơ giới hóa, Tự động hóa, Tin học hóa vào sản xuất; đây là đích đến, là giải pháp chiến lược cho “bài toán” nâng cao sản lượng và là mục tiêu xuyên suốt đảm bảo sự phát triển bền vững Tập đoàn…
Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật ban hành chậm, chưa phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cũng nêu một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Theo đó, một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành kịp thời, những nội dung không phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; mặt khác, cũng có những văn bản thay đổi trong thời gian ngắn, thiếu tính dự báo, làm cho việc triển khai thực hiện bị động, lúng túng.
Công tác thăm dò chưa đạt mục tiêu đề ra do quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, một số khu vực thăm dò nằm trong diện tích quy hoạch của địa phương. Công tác tiêu thụ than một số năm đạt thấp, TKV phải điều hành giảm khai thác than dưới công suất thiết kế mỏ,… do đó thời điểm kết thúc dự án vẫn chưa khai thác hết than phải gia hạn hoặc điều chỉnh giấy phép nhiều lần để tiếp tục khai thác.
Sau khi Quốc hội ban hành Luật quản lý vốn Nhà nước và Chính phủ có các Nghị định hướng dẫn về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (Nghị định 91/2015/NĐ-CP; Nghị định 32/2018/NĐ-CP), doanh nghiệp chỉ còn được trích các quỹ từ lợi nhuận sau thuế bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi. Do đó, từ năm 2018 TKV không còn các quỹ tập trung như trước đây nên việc thu xếp nguồn vốn để thực hiện các Đề án thăm dò khảo sát, đặc biệt là thăm dò, khảo sát các mỏ mới có giá trị rất lớn (khoảng vài trăm tỷ/01 đề án) gặp nhiều khó khăn.
Chính sách điều hành của nhà nước về thị trường than còn “nửa kế hoạch, nửa thị trường”, đôi khi làm mất cơ hội xuất khẩu các chủng loại than tại thời điểm giá tốt; chậm điều chỉnh giá than cho sản xuất điện gây khó khăn trong việc cân đối hiệu quả sản xuất kinh doanh của TKV.
Lãnh đạo TKV cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân của những bất cập, tồn tại trên là sự thiếu sự thống nhất, đồng bộ, rõ ràng trong hệ thống văn bản từ trung ương đến địa phương,... bao gồm về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức... phân cấp, phân quyền chưa cụ thể.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV cho biết, công tác thăm dò chưa đạt mục tiêu đề ra do quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, là điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn: diện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa; thiếu diện đổ thải, cung độ đổ thải lớn… kéo theo giá thành khai thác than ngày càng tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan dẫn đến một số mỏ bị sự cố ngập nước, một số mỏ than xuất hiện tính tự cháy/cháy nội sinh. Đặc thù ngành than sử dụng nhiều lao động trực tiếp, điều kiện và môi trường làm việc khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động như bục nước, cháy mỏ, cùng với sự cạnh tranh cao của các ngành nghề khác, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI dẫn đến TKV gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Việc điều chỉnh Quy hoạch ngành than chưa kịp thời, trong khi Quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia chưa được phê duyệt dẫn đến không thể thực hiện các đề án thăm dò, các dự án đầu tư...
Kiến nghị rà soát điều chỉnh Luật và các Văn bản hướng dẫn tạo thuận lợi đầu tư phát triển các dự sản xuất than.
Để tạo điều kiện cho TKV thực hiện Nghị Quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 Bộ Chính trị, Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên ranh giới mỏ trong khu vực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã kiến nghị Đoàn giám sát của UBTVQH rà soát điều chỉnh Luật và các Văn bản hướng dẫn đảm bảo tính đồng bộ thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thăm dò, đầu tư phát triển các dự án sản xuất than.
Trong đó, sửa đổi Luật quản lý vốn Nhà nước số 69/2014/QH13 và Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP cho phép TKV được trích lập và sử dụng các quỹ đặc thù (Quỹ thăm dò, Quỹ môi trường… tập trung) nhằm nâng cao sự chủ động, triển khai kịp thời công tác thăm dò, chuẩn bị tài nguyên phục vụ đầu tư các dự án mỏ trong Quy hoạch.
Điều chỉnh Luật Khoáng sản (Khoản 1 Điều 2, điểm c Khoản 2 Điều 40, điểm c Khoản 2 Điều 53, Khoản 2 Điều 41, điểm c Khoản 1 Điều 55, Điều 60…) và Nghị định 158 (Khoản 2 Điều 2, Khoản 3 Điều 39…) để khi phê duyệt các Báo cáo địa chất thì đồng thời phê duyệt cả phần trữ lượng trong ranh giới các Giấy phép khai thác đã cấp trong trường hợp Báo cáo địa chất dò nâng cấp trữ lượng trong ranh giới các Giấy phép khai thác sử dụng các lỗ khoan, không thi công thêm lỗ khoan mới, được tiếp tục khai thác trong thời gian hoàn thiện thủ tục gia hạn Giấy phép khai thác và đưa đất đá thải mỏ không còn là “Khoáng sản đi kèm”...
Điều chỉnh Luật xây dựng số 50/2014/QH2013 (khoản 3 Điều 82 và được điều chỉnh tại khoản 24 Điều 1 Luật xây dựng số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xây dựng số 50) trên tinh thần cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thẩm định dự án đầu tư, các bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở do các Tập đoàn, Tổng Công ty tự thẩm định và phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách.
Tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan để TKV được phép khai thác vượt dưới 15% công suất giấy phép khai thác khoáng sản để nâng cao sản lượng than sản xuất trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cụ thể sửa đổi Khoản 54 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên để được phép khai thác vượt dưới 15% công suất giấy phép khai thác khoáng sản.
Để đảm bảo ngành than ổn định và phát triển lâu dài, cần sớm chuyển đổi thị trường than theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020. Trước mắt để đảm bảo nguồn cung cấp than cho sản xuất điện xem xét có cơ chế đặc thù nhập khẩu than từ Lào. Đồng thời, ban hành quy định hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư nhà lưu trú cho công nhân.
Theo Cổng TTĐT Quốc Hội

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151