Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với nhiều nội dung quan trọng, xác định một khối lượng lớn danh mục và quy mô công suất các dự án nguồn điện, lưới điện, cần một nguồn vốn đầu tư cao kỷ lục, đồng thời có nội dung chuyển dịch cơ cấu năng lượng mạnh mẽ.
Nhiệm vụ chính yếu của Quy hoạch điện VIII là: Đảm bảo cấp điện tin cậy ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nhằm hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đang đặt ra:
Thứ nhất: Ngành điện đang trải qua giai đoạn suy giảm nhanh về khả năng cung cấp nhiên liệu/năng lượng sơ cấp trong nước cho các dự án nguồn điện lớn.
Thứ hai: Nhiều dự án điện lớn đã và đang được triển khai chậm tiến độ kỷ lục.
Thứ ba: Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nguồn điện theo hướng xanh, sạch, phát triển bền vững, nhưng còn nhiều thách thức do thiếu các quy định pháp lý cần thiết.
Thứ tư: Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng công nghệ - tài chính cho phát triển NLTT đang gây những hệ lụy cho nhà đầu tư; vận hành hệ thống điện đang gặp khó khăn khi hệ thống chưa đủ điều kiện hấp thụ quy mô lớn nguồn NLTT.
Thứ năm: Cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính của ngành điện về đảm bảo an ninh cung cấp điện, đang bị đe dọa.
Thứ sáu: Khả năng huy động nguồn vốn cho đầu tư các dự án điện đang gặp nhiều khó khăn…
Trong các dự án nguồn điện chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh sang Quy hoạch điện VIII, còn 4 dự án/chuỗi dự án đã chậm trễ nhiều năm, bao gồm: Nhiệt điện than Long Phú 1 (1.200 MW), Chuỗi dự án LNG, điện Sơn Mỹ (4.500 MW), Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn (3.150 MW), Chuỗi dự án khí, điện Cá Voi Xanh (3.750 MW). Tổng công suất các dự án này lên tới 12.600 MW, chiếm 20% tổng công suất nguồn nhiệt điện năm 2030 và chiếm 37% tổng công suất nguồn nhiệt điện xây dựng (từ năm 2021 đến năm 2030).
Tất cả các dự án nêu trên đều đang có vướng mắc. Vậy, khả năng tháo gỡ đến đâu?
Trong Quy hoạch điện VIII, quy mô phát triển tới 22.400 MW các dự án điện LNG từ nay đến năm 2030 có khả thi, trong khi mới chỉ có 2 dự án (tổng công suất khoảng 2.800 MW) đã khởi công, mà vẫn chưa ký kết được hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN?
Quy mô điện gió năm 2030 lên tới 27.880 MW (trong đó điện gió trên bờ là 21.880 MW và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW) cũng sẽ là thách thức, khi hiện nay mới có khoảng hơn 4.000 MW đã vào vận hành. Việc phân bổ công suất các nguồn điện gió theo các địa phương, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu và điều kiện kỹ thuật của toàn hệ thống với nhu cầu các địa phương để từ đó lựa chọn được nhà đầu tư phát triển dự án sẽ là bài toán không dễ dàng.
Các câu hỏi đặt ra là: Để triển khai thành công và hiệu quả Quy hoạch điện VIII sẽ cần những biện pháp gì? Cơ chế nào? Kế hoạch cho từng giai đoạn đến năm 2030 sẽ được lập ra sao? Vai trò của các cơ quan quản lý ngành và vai trò của các doanh nghiệp tham gia đầu tư sẽ ra sao?
Hội thảo “Triển khai Quy hoạch điện VIII - Những thách thức và gợi ý chính sách” nhằm xác định những thách thức đối với nhà đầu tư nguồn và lưới điện, phổ biến những dự án ưu tiên, thảo luận các giải pháp triển khai của nhà nước đã được hoạch định trong Quy hoạch. Đồng thời thảo luận và đề xuất các cơ chế, giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ dự án.
Hội thảo còn nhằm chia sẻ các cơ hội phát triển, các thiết bị, giải pháp về vốn, công nghệ tiên tiến, các chuỗi sản xuất và cung ứng dịch vụ cần thiết cho phát triển các dự án điện. Đây là căn cứ khoa học để đề xuất ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp, tổ chức thực hiện Quy hoạch, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.
Hội thảo được tổ chức với 3 phiên:
Phiên 1: Nhận diện thách thức đối với nhà đầu tư nguồn và lưới điện.
Phiên 2: Những dự án quan trọng, ưu tiên và chính sách, giải pháp triển khai của nhà nước.
Phiên 3: Chính sách, giải pháp về vốn, công nghệ và chuỗi cung ứng dịch vụ.
Theo Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Hiện tại, Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận khoa học chuyên sâu và chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty trong nước, quốc tế và các tham luận của các nhà đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, cấp tín dụng như: Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tập đoàn T&T, COP Việt Nam và Điện gió La Gàn, Tập đoàn Equinor tại Việt Nam, GELEX GROUP, Công ty TNHH Quốc tế Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, Viện Rocky Mountain, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh, v.v…
Tại hội thảo lần này, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học về kinh tế, năng lượng sẽ có những ý kiến phản biện, thảo luận một số cơ chế, chính sách phát triển các dự án năng lượng ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp.
Kết thúc hội thảo, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ các tham luận, phản biện, kiến nghị tại diễn đàn này để đề xuất kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, ban hành các quy định phù hợp, các giải pháp và tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, công nghệ, các thành phần kinh tế, cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế. Với mục tiêu là triển khai các dự án điện, năng lượng đảm bảo tiến độ phục vụ an ninh năng lượng trong giai đoạn đến năm 2030, cũng như phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại biểu đăng ký tham dự xin xác nhận về Ban tổ chức trước ngày 16/8/2023. Đầu mối liên hệ: ông Nguyễn Tiến Sỹ (ĐT: 096.9998811, email:
[email protected]); ông Phan Dũng (ĐT: 0942632014, email:
[email protected])./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM