Lĩnh vực dịch vụ dầu khí vươn ra nước ngoài
Dịch vụ dầu khí được cung cấp bởi Petrovietnam rất đa dạng, bao gồm: Khảo sát địa vật lý, dịch vụ khoan, kỹ thuật giếng khoan khai thác dầu khí, xuất, nhập khẩu và cung cấp các loại vật tư, thiết bị dầu khí; xuất, nhập khẩu và kinh doanh dầu thô cũng như các sản phẩm dầu; vận chuyển, cung cấp và phân phối các sản phẩm dầu khí; vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình dầu khí; dịch vụ cung ứng và xử lý tràn dầu; thiết kế và xây lắp các công trình dầu, khí, điện, xây dựng dân dụng; vận tải biển và phục vụ hậu cần; cung cấp lao động kỹ thuật, du lịch, khách sạn; tư vấn khoa học-công nghệ; nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động khai thác dầu khí...
Với số lượng dịch vụ cung cấp lớn và đa dạng, công tác dịch vụ dầu khí đã đóng góp đáng kể trong tổng thu nhập của Petrovietnam. Chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực dịch vụ Tập đoàn đạt 199,8 nghìn tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch năm, chiếm 34% tỷ trọng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động dịch vụ dầu khí đã có những bước chuyển mình và ngày càng khẳng định được vai trò trong chuỗi giá trị của Petrovietnam.
Người lao động dầu khí trên công trường thi công chân đế giàn khoan. Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Petrovietnam trong những năm qua không những đáp ứng tối đa thị trường ngành dầu khí, các ngành công nghiệp trong nước mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài, bảo đảm đúng mục tiêu phát triển đã được Bộ Chính trị định hướng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các đơn vị dịch vụ từng bước khẳng định vị thế của mình về khả năng cũng như năng lực không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Điều này cho thấy, mặc dù tỷ lệ tăng chưa cao song các đơn vị dịch vụ trong Petrovietnam đã có sự nỗ lực, dần định hướng ổn định để phát triển và gia tăng quy mô.
Hoàn thành danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực theo từng giai đoạn
Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, những định hướng chiến lược của Petrovietnam đối với lĩnh vực dịch vụ đã đem lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo Petrovietnam, công tác dịch vụ của các đơn vị vẫn còn nhiều khó khăn; một số loại hình dịch vụ còn có sự chồng chéo do nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn cùng thực hiện. Sự phối hợp, hỗ trợ cùng phát triển giữa các đơn vị còn chậm, việc liên kết giữa những đơn vị trong cùng Tập đoàn để đáp ứng các dịch vụ dầu khí còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn...
Trước tốc độ chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu hiện nay, đòi hỏi lĩnh vực dịch vụ dầu khí cần có những định hướng triển khai cụ thể để thích nghi, đồng thời tận dụng cơ hội gia tăng doanh thu của các đơn vị dịch vụ dầu khí. Trong đó, tốc độ đầu tư ở lĩnh vực tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, đã vượt năng lượng hóa thạch và sẽ tạo nhu cầu lớn cho dịch vụ kỹ thuật. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với sự tăng trưởng, phát triển của các đơn vị dịch vụ của Petrovietnam.
Petrovietnam đang hướng tới trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng để tương xứng với tầm vóc và quy mô của Petrovietnam, lĩnh vực dịch vụ dầu khí cần trở thành “lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công nghiệp”. Để làm được điều đó, đòi hỏi Petrovietnam cần điều chỉnh, tạo ra các mô hình kinh doanh sử dụng tài sản đầu tư một cách hiệu quả hơn và tăng tính kết nối giữa các nguồn lực tại nhiều đơn vị. Trong đó, mục tiêu chính cần tiếp tục giữ vững thị phần các dịch vụ dầu khí truyền thống, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao; nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí.
Để nâng cao năng lực lĩnh vực dịch vụ của Petrovietnam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị tăng cường phân cấp tại các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ để tăng tính chủ động, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo sự liên kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị trong Tập đoàn. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng, cung cấp được dịch vụ kỹ thuật liên quan đến sự chuyển dịch này không chỉ trong nước mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật ra nước ngoài, khẩn trương đẩy mạnh tiến trình áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành và xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin chung trong toàn Tập đoàn.
Ông Lê Mạnh Hùng yêu cầu, người đại diện tổ chức hoàn thành phương án tái cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, bảo đảm vai trò là lĩnh vực kết nối các hoạt động. Khẩn trương hoàn thành danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực theo từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ thông qua đầu tư vốn và người đại diện; nâng cao mô hình quản trị phân cấp, phân quyền linh hoạt, phân công lãnh đạo phụ trách các đơn vị thường xuyên đánh giá và đề xuất triển khai các chuỗi liên kết giá trị.
Theo Báo QĐND