Toàn cảnh Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vnTại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/10, Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về hệ thống quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phát triển năng lượng...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng thời đề nghị việc ban hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn bởi một số nội dung trong báo cáo và dự thảo nghị quyết vẫn còn mang tính định tính.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, liên quan nhưng dự thảo Nghị quyết chưa đề cập cụ thể, còn chung chung. Do vậy, trọng tâm của hoạt động giám sát nên tập trung vào việc thực hiện Quy hoạch điện VII và kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII.
Việc ban hành Nghị quyết cần chỉ ra những vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong việc phát triển năng lượng; bổ sung các số liệu, cập nhật tình hình thực tế trong dự thảo Nghị quyết…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra chuyển biến gì sau giám sát, làm rõ thực trạng, làm rõ trách nhiệm, làm rõ tồn tại, hạn chế khách quan, chủ quan, những trách nhiệm trong ban hành văn bản pháp luật, thực thi chính sách, tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tập trung nhiều vào vấn đề về an ninh năng lượng, trong đó quan trọng nhất là điện, xăng dầu và trong điện thì tập trung đánh giá sâu liên quan đến Quy hoạch điện 7. Về pháp luật có đánh giá về Luật Dầu khí, Luật Điện lực đã được sửa đổi, về đầu tư hạ tầng lưới điện đã được sửa đổi trong dự án một luật sửa đổi 9 luật. Về các văn bản dưới luật quy định về những chính sách về thị trường, về giá, khung giá điện, tương quan giữa giá thượng nguồn và hạ nguồn, vai trò điều phối giữa Petrovietnam với EVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ, Bộ Công Thương...
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhận định, trong quá trình giám sát nổi lên một số vấn đề, đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm ổn định, toàn diện và thống nhất. Có 21 nhóm vấn đề cần phải xem xét sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất 2 luật mới để xem xét điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về vấn đề này.
Việc triển khai quy hoạch về năng lượng đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong việc huy động vốn ứng dụng phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và cơ chế quản lý. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước chưa đáp ứng yêu cầu và có nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn giai đoạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường điện lực chưa được triển khai, chính sách giá điện, giá than, giá khí, giá xăng dầu chưa hoàn thiện. Cùng với đó là những bất cập, hạn chế chính trong chính sách pháp luật cũng như tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng và kiến nghị các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ, Đoàn giám sát sẽ tập trung hoàn thiện báo cáo, dự thảo Nghị quyết và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ bằng văn bản, để gửi bằng văn bản tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Ban hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Còn theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bất cập lớn nhất hiện nay là pháp luật trong từng lĩnh vực điện lực, dầu khí..., được xây dựng tương đối độc lập như trong nhận xét của báo cáo của Đoàn giám sát. Bên cạnh đó, những bất cập trong thời gian qua là những vấn đề mà Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng đã nêu rất rõ. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết 55 cũng nêu rõ, việc thể chế hóa tinh thần của chủ trương, chính sách mới còn bất cập.
Việc phê duyệt quy hoạch vẫn còn lúng túng bởi trên thực tế, vấn đề này được điều chỉnh ở các luật khác nhau, nhiều vấn đề chưa chế định trong các văn bản. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần làm rõ các sơ hở liên quan tới điều chỉnh quy hoạch và cơ sở quy hoạch.
Đối với những vấn đề đã được chỉ rõ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị như nguồn năng lượng sơ cấp, than, khí, dầu khí..., cần xem xét để bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường và mua bán điện cạnh tranh trên ba cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện hiện nay vẫn còn lúng túng.
Bên cạnh đó, hiện nay đã nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về năng lượng tái tạo nhưng chưa có quy định về việc xác định giá. Việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng nhưng cần có phương pháp quản lý hiệu quả khi đầu tư giữa các nguồn điện, bảo đảm sự an toàn giữa điện tái tạo và điện nền cũng như bảo đảm an toàn giữa nguồn điện và truyền tải điện.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn Giám sát tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề để nêu bật những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Đặc biệt làm rõ nguyên nhân, những kiến nghị và giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, chuyển đổi năng lượng công bằng, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.
Về các giải pháp lâu dài, cần hoàn thiện Báo cáo của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề mang tính chiến lược phát triển năng lượng bền vững, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật.