Nhà sàng Tuyển than Cửa Ông hình thành:
Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong quá trình khai thác than ở vùng mỏ Quảng Ninh, thực dân Pháp xây dựng cảng Hòn Gai, than khai thác từ Cẩm Phả phải chuyên chở bằng thuyền và ngựa về Hòn Gai để sàng rửa và xuất khẩu.
Càng về sau, sản lượng khai thác càng tăng; thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng nhà sàng và cảng Cửa Ông, từ năm 1894 đến năm 1924 công trình cơ bản xây dựng xong và đi vào sản xuất. Nhưng tới năm 1927 toàn bộ dây chuyền sản xuất khép kín được hoàn thiện, bao gồm: Nhà máy sàng do Công ty Brxelle Bỉ thiết kế, có năng suất sàng 250 tấn/giờ; năng suất rửa là 9 tấn/giờ; các kho than có sức chứa 16.000 tấn.
Cảng có chiều dài 320 m, cùng một lúc bốc rót than được cho 2 tàu có trọng tải 10.000 tấn. Trên cảng dùng 4 thiết bị bốc rót năng suất 150 tấn/giờ.
Hệ thống vận tải đường sắt gồm một số đầu máy xe hoả chạy bằng hơi nước và 5 xe điện sử dụng nguồn điện một chiều 750 V. Toa xe chủ yếu là toa xe ốt - chê (8 tấn) và toa xe Đê-el (10 tấn ), đường sắt tổng cộng có 22 km sử dụng đường ray P24. Ngày 30/7/1927, thực dân Pháp đã xuất chuyến than đầu tiên từ nhà sàng qua cảng Cửa Ông xuống con tàu Poóc Sang (quốc tịch Pháp) về chính quốc…
Nhà máy sàng Cửa Ông do thực dân Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1924. (Ảnh tư liệu).
Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên và phong trào công nhân Cửa Ông:
Sau khi xây dựng xong (1924) Nhà sàng và bến Cửa Ông chính thức đi vào sản xuất. Chủ thầu người Pháp chiêu mộ công nhân trước đây làm thuê xây dựng cảng và nhiều nông dân bần cùng từ các vùng quê thành một đội ngũ làm công khá lớn. Có thể nói, Cửa Ông chính là mắt xích quan trọng trong việc chế biến, sàng tuyển và là cảng than đầu tiên ở Đông Dương - một trong những trung tâm hình thành giai cấp công nhân, tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn Việt Nam đầu tiên.
Trong quá trình khai thác nhà sàng và cảng Cửa Ông, thực dân Pháp đã biến những người thợ Cửa Ông thành những người nô lệ, sống trong khốn khổ, bần cùng, phải làm việc quần quật hàng ngày (từ 12 đến 14 giờ) trong điều kiện nặng nhọc, tạm bợ, với đồng lương rẻ mạt. Sự bóc lột tàn nhẫn đó đã gây ra mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp công nhân và giai cấp thống trị. Những cuộc phản kháng tự phát dưới hình thức lãn công thường xuyên xảy ra.
Nhà sàng Cửa Ông thời kỳ 1894 - 1924.
Đến năm 1928, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng được thành lập ở Cửa Ông - Đây là chi hội Thanh niên cách mạng đầu tiên ở vùng mỏ, đồng chí Đặng Châu Tuệ cán bộ của Hội được cử về “Vô sản hóa” vào làm việc ở nhà sàng Cửa Ông.
Tháng 7/1929, bốn chi bộ thanh niên ở khu mỏ lần lượt chuyển thành các chi bộ Cộng sản. Chi bộ Cộng sản Cẩm Phả - Cửa Ông là chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Vùng mỏ Cẩm Phả với sự hoạt động tích cực của các đảng viên Vũ Thị Mai, Ngô Huy Tăng, Đỗ Huy Liêm... Sau khi chi bộ Cộng sản được thành lập, tổ chức “Công hội đỏ” đã ra đời.
Lịch sử còn khắc ghi hình ảnh người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Ngô Huy Tăng đã cắm cờ đỏ búa liềm trên cầu poóc tích (số 1 ở cảng Cửa Ông) vào đêm mùng 6 rạng ngày mùng 7/11/1929, để kỷ niệm cách mạng Tháng mười Nga, mở đầu cho trang sử đấu tranh hào hùng của thợ mỏ vùng than. Từ đây hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm là biểu tượng rực rỡ của khổi đoàn kết công nông, là niềm tin thôi thúc những người thợ trên con đường cách mạng đầy gian khổ và vinh quang của Đảng để đi đến mục đích cuối cùng của ngày mai tươi đẹp.
Đoàn đại biểu TKV và lãnh đạo Công ty Tuyển than Cửa Ông viếng Tượng đài liệt sĩ Ngô Huy Tăng- nơi người cộng sản trẻ tuổi đã cắm cờ đỏ búa liềm trên cầu Trục Poóc tích số 1 ở cảng Cửa Ông năm 1929.
Tuyển than Cửa Ông ngày nay.
Bản hùng ca trên đất mỏ:
Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong những năm 1930-1935, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Cửa Ông đã thường xuyên tổ chức đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mà đỉnh cao là ngày 12/11/1936, đã cùng hơn 3 vạn thợ mỏ tập hợp, đình công. Khởi đầu từ Cẩm Phả, cuộc bãi công với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm” sau đó đã lan rộng ra toàn vùng mỏ, yêu cầu chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập…
Với tinh thần đấu tranh bền bỉ, quyết liệt, cuộc tổng bãi công của những người thợ mỏ đến ngày 24/11/1936 đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc bãi công của công nhân Cửa Ông nằm trong thắng lợi chung của toàn vùng mỏ, có sức cổ vũ to lớn đến phong trào đấu tranh của công nhân toàn quốc. Thắng lợi này là một những trang sử vẻ vang anh hùng nhất trong truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của vùng mỏ.
Tháng 8/1945, công nhân bến Cửa Ông tích cực tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng than.
Nhà sàng Cửa Ông (nay là Nhà máy sàng - Phân xưởng Tuyển than 1) do thực dân Pháp xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 1924, đến nay đã 100 năm. Năm 2004, Công ty đã cải tạo, lắp đặt thêm máy lắng và xoáy lốc huyền phù để thu hồi than chất lượng cao. Sau nhiều lần cải tạo, từ công suất thiết kế ban đầu 1 triệu tấn, hiện nay Nhà máy sàng - Phân xưởng Tuyển than 1 đạt công suất 3,8 triệu tấn. Cùng với Cầu trục Pooc tích số 1, Nhà sàng Cửa Ông còn là những di tích lịch sử, kết hợp hài hoà lợi ích kinh tế với giá trị lịch sử./.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam.