Mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và khoáng sản
Tại Hội nghị triển khai Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản sáng ngày 26/4/2024, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Hội nghị Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành; mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế. Các Quy hoạch cũng đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.
Thực hiện Luật Quy hoạch và nhiệm vụ được giao, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai xây dựng các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch này. Sau nhiều vòng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tối ưu, hiệu quả các nguồn lực; đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết với các kế hoạch thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác và quy hoạch cấp tỉnh, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho hay, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo khả thi, có hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hiệu đính, cập nhật các nội dung liên quan trong quá trình triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg; đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, định hướng tổng quát của Quy hoạch; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản; chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản; góp ý hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật của nhà nước về khoáng sản.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị Nội dung Quy hoạch khoáng sản phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển hạ tầng có liên quan. Công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản với mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả lợi ích kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp; trong đó đặc biệt ưu tiên và khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư các dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản chiến lược có quy mô lớn, sử dụng khoáng sản hợp lý, hiệu quả và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; đảm bảo nguồn khoáng sản dự trữ quốc gia.
Về triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho biết, xác định các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện. Định hướng cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hiến Các quy hoạch cũng yêu cầu bảm bảo tính tuân thủ, kế thừa các Nghị quyết, chương trình hành động, các quy hoạch ngành và kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành liên quan đã được phê duyệt; không hợp thức hóa các sai phạm đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư.
Các bộ ngành, địa phương đề xuất, góp ý tập trung thực hiện tiến độ kế hoạch
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Sơn Hải- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Trong Kế hoạch triển khai quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia ngành điện không phải là đối tượng chính. Ngành điện thực hiện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII).
Ông Ngô Sơn Hải- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai của Tập đoàn, trong đó chỉ đạo đẩy nhanh các dự án trọng điểm liên quan đến nguồn lưới, như: Dự án Quảng Trạch, Ialy mở rộng…
Căn cứ trên các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Tập đoàn đã cập nhật cân bằng cung - cầu điện quốc gia đến năm 2030. Trên cơ sở đó thấy rõ có tiềm ẩn nhiều khó khăn trong đảm bảo cân bằng cung-cầu, đặc biệt nổi lên nhu cầu sử dụng phát điện từ nguồn than, khí rất cao.
“Đề nghị các ngành địa phương đẩy nhanh triển khai các dự án cụ thể trong Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản, đảm bảo nguồn cung điện than và khí cho phát điện”, ông Hải đề nghị.
Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam chia sẻ, mỗi năm đơn vị cung cấp 4 triệu tấn làm sản xuất phân bón, phục vụ ngành nông nghiệp. Tập đoàn có nhu cầu sử dụng các quặng bô xít nghèo, và kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đang nghiên cứu các nhà khoa học nhằm sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên. Trong kế hoạch 5 năm của tập đoàn thì quy hoạch ngành Apatit sẽ đưa vào các Kế hoạch để thực mục tiêu đề ra; triển khai chiến lược về halogen… tham gia chuỗi giá trị của ngành năng lượng.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam. Ảnh: Việt Hiến Ở góc độ đơn vị đồng hành chặt chẽ cùng Bộ Công Thương trong công tác triển khai xây dựng các quy hoạch ngành, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ: Thời gian thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng không còn nhiều. Trong khi đó, mục tiêu trong dự án tương đối lớn, việc triển khai các dự án theo quy hoạch của địa phương, chủ đầu tư cần khẩn trương thực hiện.
Ông Trung cũng cho hay, trong quy hoạch khoáng sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch, một số địa phương khó khăn liên quan đến sự chồng lấn giữa quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh. Bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan và rà soát, xin ý kiến để báo cáo Chính phủ các giải pháp xử lý.
Ở góc độ địa phương, tại Hội nghị, bà Lê Thị Kim Phương- Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin nội dung liên quan đến việc triển khai Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, trong thời gian Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã tiến hành rà soát phương án phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hiện trạng trên địa bàn để đề xuất, tham góp ý với Bộ Công Thương một số nội dung liên quan nhất là phương án phát triển mới hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn và được Bộ Công Thương tiếp thu, ghi nhận. Đồng thời, Sở đã tích hợp các nội dung trong dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tấm nhìn đến năm 2050.
Theo bà Phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao tại Kế hoạch. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để thu hút đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn thành phố.
“Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ Đà Nẵng trong quá trình thực hiện Quy hoạch hạ tầng cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển quy hoạch tổng thể quốc gia về năng lượng, quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt”, bà Phương đề xuất.
Theo bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong quá trình xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch triển khai các quy hoạch, Hà Nội đã tham gia đóng góp ý kiến và được tiếp thu nghiêm túc.
Hà Nội đang xây dựng quy hoạch Thủ đô, dự kiến trình Quốc Hội tháng 6 tới, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ thực hiện quy hoạch ngành công nghiệp, thương mại, năng lượng. Trong quá trình xây dựng những phương án này, Hà Nội đều bám sát quy hoạch Trung ương đã phê duyệt để tích hợp vào quy hoạch Thủ đô.
Với Hà Nội hạ tầng năng lượng, khoáng sản hầu hết không nhiều, chủ yếu được cung ứng từ các địa phương xung quanh. Nếu các địa phương triển khai quy hoạch đồng bộ, Hà Nội sẽ được hưởng hưởng thụ và đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Để tổ chức triển khai được các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng tôi cho rằng: Các Bộ ngành cần ban hành các hướng dẫn rất cụ thể giúp địa phương thuận lợi trong thực hiện. Sở Công Thương Hà Nội sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội và tiếp tục rà soát phương án phát triển công nghiệp- thương mại- năng lượng của thành phố để tích hợp vào quy hoạch Thủ đô.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ông Hà Sỹ Thắng- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, cũng nêu ý kiến: Quy hoạch thăm dò khai thác khoảng sản, nằm ở khu vực Đông Bắc, Bắc Bộ với 74 khu vực mỏ, khoáng sản được quy hoạch, sắt, chì, kẽm phù hợp với Luật khoáng sản. Tính đến hết năm 2023 có 54 giấy khép khoáng sản còn hiệu lực, ngành công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn từ 40-45%, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.
Nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản, tỉnh đã gắn với chế biến sâu tăng giá trị, tỉnh đã phát triển được 4 nhà máy luyện chì. Tuy vậy, tỉnh có gặp một số khó khăn vướng mắc, một số điểm mỏ được quy hoạch có chồng chéo.
Mặt khác, trong quy hoạch khoáng sản vẫn chưa quy hoạch nhiên liệu cho việc chế biến sâu các nhà máy, do vậy tỉnh kiến nghị các Bộ ngành báo cáo Thủ tướng đưa điểm mỏ được quy hoạch vào khai thác… nhằm đảm bảo thống nhất giữa các quy hoạch tại địa phương. “Sở Công Thương sẽ chủ động rà soát, tham mưu Ủy ban tỉnh báo cáo Bộ Công Thương ngay sau hội nghị”, ông Thắng nhấn mạnh.
Với các ý kiến tham luận nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các nội dung liên quan của quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đồng thời, rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng), bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư về năng lượng và khai khoáng theo quy định của pháp luật; Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư tư thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trên địa bàn được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm; đồng thời, Quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản theo tiến độ thực hiện của Kế hoạch và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân, tái định cư (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cho các dự án theo quy định.
Các điểm cầu trực tuyến tại Hội nghị triển khai Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản Bộ Công Thương cũng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty năng lượng, khoáng sản (như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, PVGas…) và các Hiệp hội ngành nghề tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quy hoạch, Kế hoạch; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; Chủ động đề xuất và nỗ lực triển khai các dự án đầu tư được đề ra trong các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, nhất là các dự án phát triển năng lượng quy mô lớn, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt và các dự án đầu tư mới chế biến các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học kỹ thuật, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.