Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 20/05/2024 | 03:50 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Nỗ lực đưa điện lưới về thôn, bản

08/05/2024
Trong những năm qua, Tuyên Quang đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cấp điện mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện cung cấp cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Đóng điện tại trạm biến áp thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn phục vụ nhân dân  Ảnh: EVN
Từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.
Hoàn thành xây dựng 30 hạng mục công trình 
Tính đến hết tháng 2.2024, theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 - 2020, đã hoàn thành xây dựng 30 hạng mục công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho 4.820 hộ dân thuộc 80 thôn, bản, 27 xã, 6 huyện trên địa bàn tỉnh; với quy mô xây dựng 182,962km đường dây trung thế, 67 trạm biến áp, 219,768km đường dây hạ thế.
Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đang thực hiện tổ chức các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn.
Được biết, Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-UBND ngày 30.10.2015 và điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 13.11.2017 với tổng mức đầu tư 950,097 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2021, được bố trí hơn 258 tỷ đồng, đạt 27,18% so tổng mức đầu tư.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện được lập tại từng giai đoạn, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ cũng như Bộ Công thương; nhiều công trình đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn Tuyên Quang được đầu tư xây dựng mới.
Công tác lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán cơ bản đáp ứng theo tiến độ đã đề ra; chất lượng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng đã được Sở Công thương Tuyên Quang phối hợp với UBND các huyện, xã tuyên truyền, vận động nhân dân nằm trong phạm vi xây dựng công trình tự nguyện bàn giao mặt bằng... 
Đời sống người dân thay đổi rõ rệt
Thài Khao là thôn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của xã 135 Yên Lâm, huyện Hàm Yên; đường đèo dốc đồi núi rất hiểm trở, địa bàn rộng, giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều năm qua, điện lưới quốc gia chưa thể về với bà con trong thôn. Khi công trình cấp điện về thôn Thài Khao được hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng là ngày vui chung của cả thôn. Công trình nằm trong dự án xây dựng 11.634m đường dây 35kV, 3 trạm biến áp với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng, bảo đảm cung cấp điện cho 218 hộ dân dọc tuyến.
Theo ông Bàn Văn Cảnh, Trưởng thôn Thài Khao, thôn hiện có 80 hộ dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Dao di dân từ Hà Giang về từ năm 1990. Trước đây, khi chưa có điện, các hộ dân trong thôn phải sử dụng đèn dầu. Khoảng 10 năm trở lại đây, một số gia đình gần bờ suối có điều kiện lắp đặt máy phát điện mini chạy bằng sức nước, tuy nhiên nguồn điện này chỉ đủ để thắp sáng và còn mất an toàn.
"Từ ngày có điện, bà con trong thôn đã có 20 hộ mua tủ lạnh, 50 hộ mua ti vi để phục vụ sinh hoạt của gia đình; được xem ti vi, nghe đài nắm bắt thông tin thời sự, thông tin về sức khỏe, vệ sinh môi trường, các mô hình phát triển kinh tế để học hỏi thêm cách làm ăn… chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi", ông Cảnh cho biết.
Không chỉ thuận lợi cho sinh hoạt hàng ngày, có điện lưới quốc gia, việc học tập của các em học sinh ở điểm trường Thài Khao cũng thuận lợi hơn. Trước đây, việc dạy và học của thầy và trò nơi đây đều phải dựa vào ánh sáng tự nhiên; vào mùa đông, việc dạy và học rất vất vả vì thiếu ánh sáng. Từ ngày có điện, thầy trò nơi đây có thể sử dụng giáo án điện tử với những hình ảnh minh họa sinh động để dạy cho học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, phát triển hệ thống điện lưới khu vực nông thôn, đặc biệt là những thôn ở vùng sâu, vùng xa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguồn vốn...
Các công trình cấp điện nông thôn đang triển khai thi công được thiết kế bố trí các vị trí cột nằm trên đất của nhiều tổ chức và hộ dân khác nhau, trải dài trên địa bàn nhiều xã của nhiều huyện. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải thực hiện tuyên truyền, vận động nhiều lần đối với các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Để giảm bớt sức ép về vốn ngân sách nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm hiện tại, với sự phối hợp chặt chẽ của Sở Công thương và chính quyền địa phương, đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân có cây cối nằm trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện tự nguyện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án và nhà thầu thi công xây dựng. Các hộ dân đã đồng thuận cao, tự nguyện thực hiện công tác chặt cây phát quang hành lang an toàn tuyến đường điện 35kV theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, để bảo đảm tiến độ đấu nối và đóng điện.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Cùng chuyên mục

Dự báo trong tháng 5 và tháng 6 lượng điện tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt mức kỷ lục

19/05/2024

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), tính đến hết quý I năm 2024, toàn thành phố có hơn 2,76 triệu hộ gia đình đăng ký sử dụng điện (tăng hơn 10.000 hộ so với cuối năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm tháng 3/2024 đạt 2,623 tỷ kWh (tăng 13,47% so với cùng kỳ năm 2023).

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151