EVN hoàn thành xây dựng tuyến đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn. Mặt khác, khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Việc tăng giá bán bình quân 3% được áp dụng từ ngày 4-5-2023 cũng nằm trong mục tiêu cơ bản xuyên suốt ấy. Việc điều chỉnh giá điện sẽ được EVN tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Hệ luỵ từ việc mất cân đối dòng tiền
Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Mặc dù đã nỗ lực tối đa để giảm chi phí, nhưng các giải pháp đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện (do các thông số đầu vào tăng mạnh, như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới và các chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện) khiến EVN lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá).
Theo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện năm 2022, thì EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (Bộ Công Thương công bố ngày 31-03-2023).
Dự báo, trong năm 2023, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn trong đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, cân đối tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào (như giá nhiên liệu, tỉ giá...).
Tuy sản xuất điện năng từ nhiệt điện than năm 2022 có giảm so với năm 2021 là 13,153 tỷ kWh, nhưng giá than tăng cao dẫn đến chi phí cho sản xuất điện năng từ nhiệt điện than tăng cao.
Mặc dù trong năm 2022 do thuận lợi về nguồn nước, các nhà máy thủy điện đã phát huy hết công suất lắp máy với sản lượng tăng cao kỷ lục, đạt 95,054 tỷ kWh, tăng 16,381 tỷ kWh so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 35,4% điện năng toàn hệ thống, nhưng cũng không thể đủ bù cho giá điện năng từ nhiệt điện than và năng lượng tái tạo, cho dù giá thành thủy điện rẻ nhất trong hệ thống điện của nước ta.
Theo EVN, nếu giá bán lẻ điện vẫn tiếp tục áp dụng theo Quyết định 648/QĐ-BCT (tháng 3-2019) thì đến hết tháng 5-2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản; việc sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 của Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và tổng công ty truyền tải điện dự kiến sẽ tiếp tục bị lỗ khoảng 64.941 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng.
Việc mất cân đối dòng tiền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hiện nay, EVN đang nợ tiền mua điện nhiều tháng từ các nhà máy điện, nợ tiền mua than từ các nhà cung cấp than, khí trong nước. Nếu các nhà máy điện tiếp tục không nhận được tiền bán điện, dù vẫn bán điện lên lưới và nếu các nhà cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho phát điện không nhận được thanh toán tiền nợ thì các nhà máy điện có thể sẽ dừng sản xuất cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, vì bản thân các nhà máy điện không có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất điện ngoài việc nguồn thu tiền điện duy nhất từ EVN.
Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP theo kế hoạch.
EVN là doanh nghiệp Nhà nước và cũng như các doanh nghiệp khác, không được Nhà nước bảo lãnh để vay vốn. Do vậy, khi đang bị lỗ, EVN không thể vay vốn để tiếp tục đầu tư phát triển các dự án mới, trong khi bình quân hàng năm ngành điện cần khoảng 10,4 - 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đầu tư phát triển nguồn điện từ 8,9 - 12,6 tỷ USD và lưới truyền tải điện từ 1,5 - 1,6 tỷ USD (dự thảo Quy hoạch điện VIII). Và nếu không có nguồn điện mới để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cùng một số yếu tố hệ lụy về dân sinh.
Công trình thủy điện Đồng Nai 4. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn Tại sao EVN bị lỗ nặng
Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: Phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng hơn 3.015 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2021 khoảng 3.702 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.
Năm 2022, chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao. Chỉ số giá than, khí, dầu, đặc biệt than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần, trong khi giá dầu tăng 2 lần… Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.
Theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ căn cứ vào thông số đầu vào, nếu thay đổi làm giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện sẽ được điều chỉnh. Trong 2 năm 2020 và 2021, đại dịch Covid – 19 bùng phát, để ổn định vĩ mô, giá điện bán lẻ vẫn giữ nguyên. Để phục vụ mục tiêu phục vụ phục hồi kinh tế, năm 2021 và 2022, giá điện bán lẻ tiếp tục giữ nguyên. Năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân giữ nguyên dù giá nhiên liệu đầu vào cho phát điện tăng rất cao. Đây là lý do Nhà nước áp giá trần. Nghĩa là buộc phải bán điện giá thấp cho người dân, tốt cho thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư lớn khi lựa chọn quốc gia để đặt nhà xưởng, hiển nhiên đều muốn chi phí sản xuất thấp nhất. Và giá điện là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng nhất. Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực thì giá điện Việt Nam thấp hơn nhiều và cũng là một yếu tố giúp thu hút nguồn FDI lớn.
Để làm được điều đó, Chính phủ yêu cầu EVN phải thực hiện với giá phù hợp. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận bởi nguyên nhân chính của việc thua lỗ là bởi EVN đang gánh giá điện cho dân. Việc này hoàn toàn nằm trong kế hoạch và đã được dự báo khi tình hình thế giới phát sinh nhiều biến động lớn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN. Đặc biệt, giá nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất điện.
Không vượt khả năng của người tiêu dùng
Công nhân Truyền tải Điện Quảng Trị (Công ty Truyền tải Điện 2) kiểm tra lưới điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vnGiá điện thường là vấn đề rất nhạy cảm. Vì vậy, mặc dù giá thành sản xuất điện tăng do giá than, khí và dầu tăng, nhưng giá điện bán lẻ cả cho sinh hoạt, sản xuất được giữ không tăng giá trong hơn 4 năm, từ 3- 2019 đến 5-2023 nhằm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Trong các năm 2020 và 2021, EVN còn trực tiếp giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong dịch bệnh Covid-19.
Với việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất; tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Từ tháng 5-2023, tình hình nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tăng mạnh về cường độ và mở rộng về phạm vi ảnh hưởng, số ngày nắng nóng dự báo sẽ nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc và cả nước được dự báo cũng sẽ tăng mạnh. Việc tăng giá bán bình quân 3% thực chất tác động không lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng nhu cầu sử dụng điện tăng cao, kết hợp tăng giá bán bình quân sẽ không tránh được xảy ra tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.
Tính đến lạm phát và tình trạng chung của nền kinh tế
Công nhân Công ty Điện lực Lào Cai tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn Với giá bán lẻ bình quân mới, thì mức giá điện sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng 3%. Việc điều chỉnh này sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên, với mức tăng giá bán lẻ bình quân 3%, tác động sẽ không lớn, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng vòng 1 trực tiếp là 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như với sản xuất thép, giá thành tăng 0,18%; giá thành sản xuất xi măng tăng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng 0,4%. Trong cơ cấu khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá điện, mỗi hộ sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng. Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi hộ này trả 10,6 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ trả thêm 307.000 đồng/tháng. Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng này trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ này sẽ trả thêm 40.000 đồng/tháng.
Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, chu kỳ sản xuất ngay sau khi giá điện tăng sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng và chỉ số giá sản xuất tăng. Nếu doanh nghiệp không thể tăng giá và chấp nhận làm giảm giá trị tăng thêm (cắt giảm lao động, giảm lương hoặc giảm lợi nhuận) sẽ khiến GDP ở chu kỳ sản xuất sau giảm. Trường hợp này không ảnh hưởng tới giá sản xuất, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến CPI. Điều cần lưu ý hơn cả là tiêu dùng phụ thuộc nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập, nên khi thu nhập giảm (GDP giảm) sẽ ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng, như vậy ở chu kỳ sản xuất tiếp theo sẽ làm giảm sản xuất và tổng giá trị tăng thêm (hoặc GDP). Tuy nhiên, do việc tăng giá bán lẻ bình quân chỉ ở mức 3% nên tác động CPI rất nhỏ và tác động của tăng giá điện lên lạm phát là khá thấp. Nguyên nhân là, chi phí tiền điện chỉ chiếm 2,5% giỏ hàng tiêu dùng, mặc dù tác động đó có thể còn lan truyền đôi chút sang các loại hàng hóa và dịch vụ khác có tiêu thụ điện trong sản xuất.
Đối với tăng trưởng GDP, hiện có hai hiệu ứng: Một mặt, giá điện tăng sẽ giúp các công ty sản xuất điện cải thiện tình hình tài chính. Mặt khác, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhất là những ngành tiêu thụ nhiều điện năng. Các ngành này sẽ chịu một số tác động ngắn hạn, nhưng về lâu dài, tăng giá điện sẽ buộc khách hàng điều chỉnh cách sử dụng điện của mình. Họ sẽ chuyển sang sử dụng điện lệch giờ cao điểm để được hưởng giá thấp hơn, hay áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy sẽ góp phần tăng năng suất lao động.
Việc điều chỉnh tăng giá bán bình quân 3%, sẽ tăng doanh thu trong 8 tháng còn lại của năm 2023, ước đạt 8.000. Với tăng thu doanh tăng thêm như vậy, chỉ giúp EVN giảm bớt một phần nhỏ áp lực về tài chính, nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát vẫn được kiềm chế.
Mô hình cấp vốn ngành điện trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư công, nhưng hiện nay sẽ không khả thi do Chính phủ không tiếp tục bảo lãnh cho EVN đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế. Chiến lược chung về giá điện của Bộ Công Thương là đảm bảo cho EVN có đủ lãi để bù đắp đủ chi phí hoạt động và hoàn trả vốn vay. Do dựa chủ yếu vào thủy điện, nên năm nào có lượng mưa đạt mức trung bình thì EVN có lãi. Tuy nhiên, năm 2022, nguồn nước cho sản xuất điện khá thuận lợi, nhưng cũng không thể đủ bù cho giá điện năng từ nhiệt điện than và năng lượng tái tạo. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục xảy ra, trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư của EVN và ngành điện rất lớn, khoảng 4 - 7 tỷ USD/năm từ nay tới năm 2030. Con số này chưa thể hiện trong giá điện và cái khó của EVN cũng như ngành điện là làm sao thu hút được vốn thương mại và sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, do vậy, tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Theo Trang tin điện tử Ngành điện