Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 10/10/2024 | 14:51 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Tăng giá điện 3%: Đã cân nhắc các mặt tác động đối với tất cả khách hàng

17/05/2023
Việc tăng giá điện là vấn đề nóng được dư luận quan tâm và theo các chuyên gia thì người tiêu dùng, doanh nghiệp cần chia sẻ với ngành điện.
Giá điện chỉ tăng bằng 1/3 giá chi phí đầu vào
Thời gian qua việc tiêu thụ điện tăng kỷ lục cũng như tăng giá điện 3% là vấn đề nóng mà dư luận quan tâm. Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến về giá điện do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 16/5, nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra về việc ngành điện tăng giá trong thời điểm hiện nay.

Tọa đàm trực tuyến về giá điện nhận được sự quan tâm của bạn đọc và dư luận
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng chi phí đầu vào quá cao khiến ngành điện phải tăng giá.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa giải thích: Trước khi điều chỉnh giá như vừa qua thì giá điện đã được điều chỉnh từ năm 2019. Và từ năm 2019 đến nay, thị trường đã biến động rất nhanh, các chi phí đều tăng lên nên ngành điện phải tiếp tục điều chỉnh giá.
Đi sâu phân tích cụ thể, ông Thỏa chỉ rõ: Nếu tính từ năm 2019 đến 2022 lạm phát lũy tiến đã tăng khoảng 10%. Nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng lên khoảng 20,3%.
“Năm 2022, giá thế giới nhập khẩu về pha trộn với than trong nước để sản xuất điện tăng gấp 6 lần so với năm 2020. Nếu so với năm 2021 là tăng 2,6 lần. Giá than tăng nên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải mua nhiệt điện than tăng khoảng 25% và mua nhiệt điện tăng khoảng 11,3%, chưa kể trượt giá, lương tối thiểu cũng tăng. Giá thành điện của EVN đã kiểm toán năm 2022 tăng so với 2021 là 9,27%. Do đó, nếu không có bù đắp chi phí cho đơn vị sản xuất thì dòng tiền của EVN bị ngắt. Khi đó EVN sẽ không có điều kiện để sản xuất kinh doanh, cung ứng điện cho nền kinh tế”- ông Thỏa cho biết.
Theo ông Thỏa, chi phí đầu vào tăng là ngoài tầm kiểm soát của EVN, thậm chí của Chính phủ vì đó là giá thế giới. Ông Thỏa cũng khẳng định, việc điều chỉnh tăng giá điện 3% là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì nếu điều chỉnh tăng từ 3% trở lên sẽ do EVN được phép tự tăng giá, còn 10% trở lên sẽ do Thủ tướng quyết định. “Vừa qua EVN điều chỉnh cũng tính toán để không giật cục nhằm đảm bảo an ninh cho ngành điện và hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp”- ông Thỏa đánh giá.
Cũng theo ông Thỏa, thực chất hiện nay việc tăng giá điện 3% chỉ mới bằng khoảng 1/3 so với giá chi phí đầu vào tăng là 9,27%. Và nghe cụm từ "điều chỉnh" thì ghê gớm lắm nhưng thực chất cũng chỉ tăng thêm bình quân là 56 đồng/1 kWh. Khi đó việc giá điện tăng sẽ tác động đến các ngành nghề khác khoảng 0,18%. Trong đó ngành sản xuất cần nhiều điện như thép thì làm tăng giá thành của ngành thép lên 0,18%. Xi măng tăng lên 0,45% còn dệt may là 0,4%. Còn đối với người tiêu dùng cũng tăng ít. Bởi hiện nay điện sinh hoạt trên 25 triệu hộ. Bình quân 1 gia đình tiêu thụ 200 kWh /hộ/tháng. Như vậy bình quân mỗi hộ gia đình trả thêm 12.000 đồng. Còn người sử dụng ít, khoảng 5 kWh/tháng thì chỉ tăng lên khoảng 2.500 đồng/tháng…
Tăng giá đầu năm sẽ giảm áp lực cho giai đoạn cuối năm
Trước những câu hỏi của độc giả liên quan đến vấn đề điều chỉnh tăng giá tăng đồng loạt sẽ khó khăn hơn cho người nghèo, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh EVN thông tin: với mức tăng giá 3%, tác động đến những hộ gia đình là nhỏ.
Ông Dũng giải thích: Trước khi điều chỉnh tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng tới từng nhóm hộ dân.
Cụ thể, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm là 2.500 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm là 5.100 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm 11.100 đồng/hộ, đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm là 18.700 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, số tiền tăng thêm là 27.200 đồng/hộ.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, ngành điện chịu áp lực lớn giữa chi phí đầu vào tăng cao, giá than, giá dầu cao nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ điện cho việc phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, vừa qua ngành mất cân bằng tài chính, khó khăn lớn cho công tác vận hành lưới điện và phải cắt giảm tất cả các chi phí nhưng việc mất cân bằng tài chính không được cải thiện nhiều.
Do đó, sau khi có kết quả kinh doanh được kiểm toán của năm 2022, đến thời điểm năm 2023, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN được công bố, EVN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
“Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân EVN thực hiện trên cơ sở các hướng dẫn, quy định tại Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ”- ông Dũng nói.
Liên quan đến việc tại sao lại tăng giá đầu năm, đại diện của EVN cho biết, nếu tăng giá ngay đầu năm thì áp lực cuối năm giảm đi và khi đó EVN có thể cân đối để đầu tư cho công tác vận hành lưới điện, đảm bảo cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống của nhân dân.
Theo Báo Công Thương
  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151