Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty điện lực, các khách hàng sử dụng điện lớn.
Bộ Công Thương quyết liệt chỉ đạo
Trong thời gian qua, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu do tình hình căng thẳng địa chính trị, địa kinh tế giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; giá nhiên liệu (như dầu, khí, than) tăng cao, gây ra những tác động to lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyếnPhát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu rõ: "Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo các Tập đoàn năng lượng (EVN, PVN, TKV) và các doanh nghiệp ngành điện thực thi quyết liệt nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục và tin cậy, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; đồng thời, Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình tiết kiệm điện theo tinh thần Chỉ thị số 20 ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện, duy trì ổn định an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân".
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức rất cao; biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện (các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, tính đến ngày 11/5/2023, khu vực miền Bắc tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện).
Cùng với đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do điều kiện gió kém nên khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Từ cuối tháng tư đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt, trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng. Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 6/5 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới ~895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 14,7% so với cùng kỳ (tháng 5/2022); công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,2% so với cùng kỳ (tháng 5/2022)”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của cả nước, những năm qua Thủ đô Hà Nội luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện.
Đại diện UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Diễn biến những ngày vừa qua ngành điện đã phối hợp với UBND các quận, huyện chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện với các đối tượng khách hàng sử dụng điện, điển hình như hệ thống chiếu sáng của thành phố, các tòa nhà trụ sở cũng như các quận, huyện, hệ thống chiếu sáng quảng cáo,… Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội sản lượng điện tiết kiệm được là 3.955.084 kWh.
Chia sẻ về những thách thức trong việc sản xuất điện, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân cho biết: Bên cạnh, các nhà máy thuỷ điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp cùng với một số nguồn nhiệt điện cũng bị giảm công suất do nắng nóng nên khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia/miền Bắc luôn không còn dự phòng.
"Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO/FO. Hiện nay hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Mặc dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng tính đến ngày 21/5/2023 sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,911 tỷ kWh, thấp hơn 1,726 tỷ kWh so với kế hoạch năm (miền Bắc thấp hơn 1,033 tỷ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh)"- Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.
Tiết kiệm điện: Yêu cầu cấp bách
Nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy trong mùa khô và cả năm 2023, Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
Các cơ quan báo chí truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và các địa phương để tăng thời lượng phát sóng, mở các chuyên trang, chuyên mục và tổ chức các cuộc tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về các quy định, chính sách của Nhà nước liên quan đến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; về tình hình khó khăn trong cung ứng điện hiện nay do diễn biến thời tiết phức tạp và cung ứng nhiên liệu khó khăn; phổ biến các lợi ích và biện pháp, cách thức tiết kiệm điện... để người dân và dư luận xã hội hiểu rõ, hiểu đúng, đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ khó khăn và tự giác thực hành tiết kiệm điện.
Hai là, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 185 ngày 19/5/2023 về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 20 ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tiết kiệm điện đã đề ra.
Ba là, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ gia đình áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, chuyển đổi, thay thế các công nghệ sản xuất và các thiết bị điện, điện tử lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng sang các công nghệ, thiết bị mới, sử dụng ít điện, năng lượng. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, xây dựng cơ chế chính sách…; tranh thủ chuyển giao công nghệ, nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài cho các chương trình, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong nước.
Bốn là, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư để hướng dẫn trực tiếp cho người dân về các giải pháp, cách thức tiết kiệm điện. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm của ngành/tiểu ngành và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm đồng bộ, đủ mạnh và khả thi để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và xây dựng, triển khai các chương trình khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trong doanh nghiệp và hộ gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 và Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng.
Tính đến thời điểm này của năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do những biến động chung của nền kinh tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hết sức nỗ lực cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đây cũng là một năm rất khó khăn đối với cả nước cũng như đối với ngành Điện. Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả (theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025.
Ông Trịnh Quốc Vũ trình bày các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình tiết kiệm điện Để thực hiện các mục tiêu đề ra, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức các cấp đang thực hiện nhiệm vụ về tiết kiệm điện; đào tạo nguồn lực chuyên sâu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kiểm toán viên năng lượng và người quản lý năng lượng; tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng tư vấn và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn tiết kiệm điện cho đội ngũ kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngành điện; áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng công cộng; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện; triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sản xuất kinh doanh, và tiêu dùng, sinh hoạt...; sẵn sàng cắt giảm phụ tải khi có yêu cầu của điện lực địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện. Cắt giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối theo yêu cầu cắt của cơ quan điện lực tại địa phương...
Cũng tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã kêu gọi và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân trên toàn quốc hãy đồng tình ủng hộ, chung tay chia sẻ khó khăn với ngành Điện, tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô (trước mắt từ nay đến ngày 30/6/2023).
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào tiết kiệm điện Theo đó, Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm, đồng thời chú trọng lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ để giảm tiêu thụ điện từ lưới điện quốc gia; các hộ gia đình và người dân thường xuyên thực hành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, thay thế, sử dụng các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện; hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn trong các giờ cao điểm…
Bộ Công Thương tin tưởng rằng, với sự nhất trí, đồng lòng và ý thức, trách nhiệm cao, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên cả nước sẽ có những việc làm, hoạt động thiết thực để hưởng ứng phong trào sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường tới toàn thể cộng đồng vì sự phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương): Bộ Công Thương đặt mục tiêu giai đoạn 2023-2025 phấn đấu hàng năm, toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2%, tổng điện năng tiêu thụ quốc gia; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện lưới dưới 6% vào năm 2025; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Theo Báo Công Thương