Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 18/05/2024 | 14:56 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Thế giới làm gì để tiết kiệm điện? - Bài 2: Giải “bài toán khó" - Từ chính phủ đến người dân (tiếp theo và hết)

20/06/2023
Trước tình trạng khủng hoảng năng lượng và đối mặt với nguy cơ thiếu điện còn lâu dài, các quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai nhiều chính sách, chiến dịch và biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm tiết kiệm điện đối với các tập thể, cá nhân và doanh nghiệp càng nhiều càng tốt.
Phạt tiền nếu mở cửa khi đang bật điều hòa
Theo Citigroup, thủy điện đang gặp thách thức lớn do hiện tượng thời tiết El Nino trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, và dẫn tới những đợt nắng nóng khác. Đứng trước bài toán khó, các quốc gia trên thế giới buộc phải đưa ra giải pháp giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ mang tính chiến lược.
Thủy điện là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của Trung Quốc, chiếm khoảng 16% sản lượng điện của đất nước vào năm 2022. Trung Quốc đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào mùa hè năm 2022, khiến một phần sông Dương Tử - con sông dài nhất nước này - bị khô cạn, làm giảm lượng điện sản xuất. Theo Bloomberg, điện từ đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới - đã giảm khoảng 40% so với năm trước đó. Không chỉ riêng sông Dương Tử, lượng mưa thấp ở các khu vực khác của Trung Quốc cũng đã khiến các con sông giảm xuống mức thấp, với 66 sông cạn kiệt hoàn toàn. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến phụ tải điện đạt mức cao lịch sử. Tứ Xuyên và Vân Nam là hai tỉnh ở Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào thủy điện. Các nhà máy ở Tứ Xuyên buộc phải đóng cửa trong nhiều tuần, các hoạt động công nghiệp bị hạn chế trong nhiều tháng. Các công ty nhà nước, người dân và các địa điểm thương mại cũng được khuyến cáo nên đặt nhiệt độ điều hòa không thấp hơn 26 độ C.

Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến một phần sông Dương Tử khô cạn vào năm ngoái. Ảnh: AFP 
Trong khi đó, lưới điện ở bang California và Texas (Mỹ) cũng gặp phải tình trạng thiếu điện trong những năm gần đây, do nhu cầu ngày càng tăng và thời tiết khắc nghiệt. Nhiều chính sách được đưa ra trong ba thập kỷ qua, bao gồm các tiêu chuẩn hiệu quả của thiết bị, các chương trình dán nhãn tự nguyện như Energy Star (Ngôi sao năng lượng) và các mục tiêu tiết kiệm năng lượng của tiểu bang, đã phần nào giải quyết nhu cầu điện ngày càng tăng và tiết kiệm cho người tiêu dùng hàng tỷ USD. Các chương trình tiết kiệm năng lượng đã giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm được khoản tiền lớn. Nền kinh tế địa phương được hưởng lợi khi người tiêu dùng mua các hàng hóa và dịch vụ khác bằng số tiền họ tiết kiệm được trên hóa đơn. Ngoài ra, việc tạo ra ít năng lượng hơn có thể dẫn đến chất lượng không khí tốt hơn, trong khi sức khỏe cộng đồng được cải thiện. Nghiên cứu mới cho thấy rằng, các chính sách phù hợp được áp dụng vừa đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và vừa giúp bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, trên khắp châu Âu, các chính phủ và chính quyền thành phố đã hưởng ứng lời kêu gọi giảm mức tiêu thụ điện năng để đạt mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là cắt giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng. Tiết kiệm điện là chìa khóa giúp chống biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của “lục địa già”. Trong tương lai, Nghị viện châu Âu (EP) đặt mục tiêu các tòa nhà mới của các nước EU sẽ sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời vào năm 2028 khi có khả năng về mặt kỹ thuật và kinh tế. Đối với nhà ở dân cư, hạn chót là năm 2032.

Cột Chiến thắng ở Berlin tắt điện vào ban đêm. Ảnh: Zuma Press. 
Một số quốc gia châu Âu đã tiến hành luật hóa việc tiết kiệm điện. Bỉ đã yêu cầu người dân học thuộc các biện pháp thực hành tiết kiệm điện khi sử dụng phương tiện đối với người tham gia giao thông; lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng khi xây dựng và vận hành toà nhà…Đặc biệt, quốc gia này còn xây dựng trang web năng lượng là Guzzler (www.energivores.be), giúp tính toán lượng CO2 nhằm đánh giá hiệu suất năng lượng của các thiết bị/sản phẩm hiện có trong một ngôi nhà; cũng như đưa ra lời khuyên về việc sử dụng thiết bị tiết kiệm điện; tính toán khoản tiết kiệm hàng năm và thời gian hoàn vốn khi sử dụng. Trong “Kế hoạch An toàn Năng lượng” của chính phủ Pháp nhằm cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng có đưa ra quy định nhiệt độ hệ thống điều hòa vào mùa hè ở mức 26 độ C. Chính quyền Paris cũng đưa ra mức phạt 150 euro đối với các doanh nghiệp để cửa mở sổ khi đang bật điều hòa. Với Hy Lạp, tiết kiệm điện là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện tại các đơn vị khu vực công của Hy Lạp. Việc thực hiện tiết kiệm điện sẽ có người giám sát, nếu không thực hiện, cơ quan đó sẽ bị mất tài trợ của chính phủ, trong đó có các khoản trợ cấp năng lượng hàng năm lên tới hàng trăm triệu euro. Athens hy vọng kế hoạch này sẽ cắt giảm được 10% mức tiêu thụ điện trong thời gian ngắn.
Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Chính phủ Nhật Bản đã thành công trong việc kêu gọi các gia đình và các ngành công nghiệp thúc đẩy tiết kiệm điện trong mùa hè cao điểm, trong đó nổi bật là chiến dịch “Cool Biz” (Công sở mát mẻ). Chiến dịch này được Thủ tướng Koizumi Junichiro phát động vào mùa hè năm 2005, khuyến khích các nhân viên ăn vận mát mẻ và giảm sử dụng điều hoà trong mùa hè. Đồng thời, chính quyền Tokyo cũng cam kết chỉ đeo cà vạt trong những cuộc họp cấp cao trong suốt chiến dịch. Kết quả là, Nhật Bản đã cắt giảm được 460.000 tấn khí thải CO2, tương đương lượng khí thải của 1 triệu hộ gia đình thải ra trong mỗi tháng.
Đặc biệt, Nhật Bản đã tìm ra giải pháp sử dụng thủy điện tích năng để giảm phụ tải điện, đồng thời áp dụng chế độ các nhân viên công sở Tokyo đi làm vào ngày nghỉ và sẽ treo thưởng các hộ gia đình đi đầu trong phong trào giảm sử dụng điện. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng kêu gọi các nhà hàng, văn phòng tăng độ phủ cây xanh để tạo bóng râm và làm mát không khí, cũng như sử dụng các thiết bị điện thông minh và tiết kiệm năng lượng.
Về phần mình, Hàn Quốc cũng đã có chế tài đặc biệt nhằm thúc đẩy tiết kiệm điện trong toàn dân, bao gồm khuyến nghị đặt chế độ điều hòa không dưới 26 độ C và áp dụng hình phạt lên tới 3 triệu won đối với các tòa tư nhân sử dụng hơn 100 kWh, hoặc phạt tiền nếu bật điều hòa mà không đóng cửa. Bên cạnh đó, một chiến dịch tương tự với “Cool Biz” của Nhật Bản cũng đã được phát động tại Hàn Quốc với tên gọi “Coolmaepsi” (Phong cách mát mẻ), góp phần cắt giảm 1,97 triệu tấn khí thải CO2.
Một số quốc gia cũng đã đưa ra nhiều đề xuất tiết kiệm điện, như sử dụng dây phơi quần áo thay cho máy sấy, các tòa nhà công cộng và bảng quảng cáo chỉ được chiếu sáng từ 16 giờ đến 22 giờ, chuyển sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm điện hơn, tăng giá bán điện để hạn chế nhu cầu, hay sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, cho phép theo dõi sử dụng năng lượng theo thời gian thực...
Một số cách tiết kiệm điện sáng tạo, thực tế
Nhật Bản: Bức tường xanh
Bức tường xanh tiết kiệm điện của Nhật Bản là giải pháp cho những ngày hè nóng bức và những đêm đông lạnh giá. Tấm rèm sinh hoạt này được làm từ tán lá dây leo từ sàn đến trần nhà, không chỉ giúp trang trí đẹp mắt, là điểm nhấn cho ngôi nhà, mà còn cung cấp bóng mát, làm mát cho cửa sổ và ban công. Thêm vào đó, chúng cũng cung cấp các hiệu ứng cách nhiệt.
Các bức tường xanh này đã được chứng minh là giúp giảm nhiệt độ của các bức tường xuống 10 độ C bằng cách phản chiếu ánh sáng mặt trời trực tiếp. Vào mùa đông, những bức tường xanh này có thể cách nhiệt cho ngôi nhà của bạn và giảm chi phí năng lượng để sưởi ấm.
Đức: Nhà ở thụ động
 
Công trình nhà ở thụ động giúp tiết kiệm điện tại Đức
Khái niệm nhà ở thụ động, bắt đầu ở Đức, đã trở thành một hiện tượng quốc tế trong những năm gần đây. Tính năng đặc biệt của ngôi nhà đó là năng lượng tiêu thụ cho việc sưởi ấm chỉ ở mức 15 kWh/m2/năm, bằng 1/5 so với các ngôi nhà tiết kiệm năng lượng khác tại nước này. Tính ưu việt của nhà thụ động được thể hiện trên nhiều khía cạnh, giúp tạo lập và duy trì mức độ tiện nghi nhiệt cao cho người sử dụng; ngôi nhà hoàn toàn chủ động cung cấp lượng khí sạch cho tất cả các phòng trong mọi điều kiện và mọi thời điểm trong năm mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường vơi chi phí rất thấp.
Để đạt được các tiêu chí đó, toàn bộ lớp vỏ bao phủ của ngôi nhà phải được cách nhiệt rất tốt. Bên cạnh đó, công trình phải đảm bảo độ kín hơi, ngăn chặn các tác động không mong muốn xâm nhập vào không gian bên trong như bức xạ và hơi nóng (mùa hè), không khí lạnh (mùa đông) và các tác nhân gây ô nhiễm từ các phương tiện giao thông lưu hành và những hoạt động sinh hoạt, sản xuất hằng ngày, và phải sử dụng các thiết bị năng lượng tiên tiến, được chứng thực “hiệu quả năng lượng, cùng hệ thống lọc và cấp khí tươi hiệu năng cao. Công trình này đã thực sự gây tiếng vang và mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp xây dựng, không chỉ ở Đức mà còn cho toàn EU.
Na Uy: Sử dụng công nghệ ánh sáng tự động

Hệ thống chiếu sáng thông minh tiết kiệm điện của Na Uy
Na Uy đã kết hợp thành công hệ thống chiếu sáng thông minh vào cơ sở hạ tầng của mình, đặc biệt là trên đường bộ. Ví dụ, một số đoạn đường cao tốc được trang bị đèn đường tự động giảm sáng. Đèn LED giảm độ sáng còn 20% khi không có phương tiện, xe đạp hoặc người đi bộ trong khu vực, sau đó sẽ phát sáng trở lại khi phát hiện chuyển động. Giải pháp này giúp tiết kiệm năng lượng khi không sử dụng. Sáng kiến này giúp tiết kiệm 2.100 kWh/tuần chỉ từ một trong các hệ thống lắp đặt trên đường cao tốc.
Hà Lan: Săn tìm các thiết bị ngầm “ngốn” điện
Chính quyền Trung ương Hà Lan đã kêu gọi người dân truy tìm các thiết bị điện tử đang ngầm tiêu thụ năng lượng ngay cả khi chúng không được sử dụng, ví dụ như máy chơi game, bộ sạc điện thoại và TV, các thiết bị điện tử ảo, sau đó rút phích cắm của các thiết bị ít sử dụng và các thiết bị điện.
New Zealand và Australia: Ưu tiên sản phẩm tiết kiệm năng lượng
New Zealand và Australia đã hợp tác để mang đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho cư dân của họ thông qua Chương trình Thiết bị hiệu quả năng lượng (E3). Theo đó, các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu được thiết lập cho một số sản phẩm như bóng đèn, thiết bị gia dụng, đồ điện tử, v.v. Chỉ những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn do các quốc gia quy định mới được bày bán.
Để giúp người tiêu dùng xác định mức độ tiết kiệm năng lượng của một sản phẩm, nhãn xếp hạng năng lượng được đính kèm với mỗi sản phẩm thuộc Chương trình E3, tối đa là 6 sao, sản phẩm càng có nhiều sao thì càng tiết kiệm năng lượng. Nó cũng bao gồm mức tiêu thụ năng lượng hàng năm ước tính của sản phẩm để người tiêu dùng có thể dễ dàng so sánh mức sử dụng năng lượng giữa các thiết bị tương tự.
Mỹ: Áp dụng công nghệ, tặng quà
Các công ty điện lực ở Mỹ đã tăng giá bán điện để hạn chế nhu cầu nhưng điều đó là chưa đủ. Vì vậy họ đã hợp tác với những nhà cung cấp phần mềm như OhmConnect. Công ty này giúp các hộ gia đình hạn chế sử dụng điện bằng cách lắp đặt các thiết bị thông minh có kết nối với ứng dụng, cho phép theo dõi sử dụng năng lượng theo thời gian thực, giúp họ điều chỉnh từ xa bộ điều nhiệt và các đồ gia dụng điện khác trong giờ cao điểm và trao những quà tặng hấp dẫn cho khách hàng giảm sử dụng điện tiết kiệm như xe đạp, thẻ quà tặng mua hàng ở siêu thị hay vé mời tham dự các trận đấu của giải bóng chày.
Theo Báo Quân đội Nhân dân

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151