Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 18/05/2024 | 14:33 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Tiết kiệm điện – cần một cơ chế định giá điện hợp lý

25/06/2023
Đối với các nước nói chung, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam thì tiết kiệm điện được coi là một quốc sách. Chương trình phát triển điện lực Việt Nam luôn coi tiết kiệm điện là một chính sách hàng đầu, bởi vì ngoài ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển năng lượng nói riêng, thì tiết kiệm điện cũng chính là một dự án phát triển điện lực có chi phí thấp nhất.
Công nhân Công ty Điện lực Quảng Ngãi đo phát nhiệt thiết bị trạm biến áp 110kV Bình Nguyên để phòng ngừa sự cố. Ảnh: Ngọc Hà.
Đổi mới công nghệ điện lực
Các nước trên thế giới lựa chọn các biện pháp tiết kiệm điện tuỳ theo tình hình của hệ thống năng lượng và điện lực mỗi nước, song nhìn chung đều có sự lựa chọn giống nhau về hai biện pháp cơ bản là: Đổi mới công nghệ điện lực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện, trong đó, việc cải thiện hiệu suất các quá trình công nghệ và thiết bị của các khâu trên có tầm quan trọng hàng đầu. Mục tiêu của biện pháp này là, giữ cho cường độ điện năng tăng trưởng ở mức hợp lý; giảm phát thải ô nhiễm môi trường do sản xuất và sử dụng điện.
Thứ hai là, lựa chọn cơ chế định giá điện hợp lý, mềm dẻo và linh hoạt nhằm điều tiết sử dụng điện, giảm thiểu các lãng phí và xây dựng một hình mẫu tiêu thụ điện hợp lý thông qua việc san bằng đồ thị phụ tải (giảm cao điểm, nâng thấp điểm), đồng thời, đáp ứng một phần các chính sách xã hội “xoá đói giảm nghèo” và “xây dựng xã hội công bằng văn minh”.
Ở Việt Nam đang tập trung xây dựng một lộ trình đổi mới công nghệ năng lượng nói chung và công nghệ điện lực nói riêng nhằm mục tiêu: Công nghệ tiết kiệm điện năng và công nghệ sạch nhằm phục vụ phát triển bền vững về năng lượng và điện lực.
Ở giai đoạn I, các tiêu chí cường độ điện lực và cường độ phát thải tiếp tục tăng, song được kìm hãm do đổi mới công nghệ; giai đoạn II, các tiêu chí này tăng chậm dần tiệm tiến mức bão hoà và giai đoạn III, các tiêu chí này bắt đầu giảm dần và nằm trong tầm kiểm soát. Số nhóm công nghệ điện lực bao gồm 5 nhóm, trong đó, nhóm công nghệ tiết kiệm điện năng lượng được xếp hàng đầu.
Hệ thống điện lực Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển tự hoàn thiện nhằm thoát khỏi tình trạng thiếu điện. Vì vậy, Việt Nam mới ở giai đoạn I và giai đoạn này sẽ còn kéo dài với nhóm công nghệ tiết kiệm điện năng chiếm hàng đầu, dựa trên cơ sở nâng cao hiệu suất sản xuất và tiêu dùng điện năng, tránh lãng phí, hạn chế ô nhiễm do sản xuất và tiêu dùng năng lượng điện gây nên.
Cơ chế định giá điện hợp lý
Trạm biến áp 110kV VSIP cung cấp điện cho các khách hàng trong khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Hà.
Đây là một biện pháp chính sách mềm dẻo nhưng hữu hiệu nhằm tiết kiệm điện và xây dựng một hình mẫu tiêu thụ điện hợp lý, được biểu thị bởi một đồ thị phụ tải ngày càng được san bằng hơn. Tuy nhiên, cuộc tranh luận nhằm đưa ra một cơ chế định giá điện hợp lý cho Việt Nam sẽ còn kéo dài. Toàn bộ vấn đề xoay quanh ý tưởng: Lựa chọn một cơ chế định giá thích hợp sao cho việc định giá điện vừa đáp ứng yêu cầu kinh doanh có lãi của ngành Điện, đồng thời, đáp ứng những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế và công bằng xã hội của Nhà nước.
Hiện các doanh nghiệp thuộc EVN chỉ sản xuất gần một nửa sản lượng điện. Phần hơn một nửa là mua các doanh nghiệp ngoài EVN như TKV, PVN, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cùng với điện nhập khẩu. Giá mua thì theo các cơ chế chính sách, thỏa thuận trước đó, giá bán của EVN thì do nhà nước quy định. 
EVN bán điện cho sản xuất với giá thấp nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hoá. Những giá trị tạo ra ở trong nước chính là đóng góp cho GDP.
Hiện nay, Việt Nam đang thu hút đầu tư bằng giá nhân công rẻ, giá điện rẻ. Nếu giá điện không được tăng dần lên một cách hợp lý thì vấn đề tiết kiệm điện sẽ mãi dừng ở những câu khẩu hiệu.
Năm 2022, GDP của Việt Nam khoảng hơn 400 tỷ USD với lượng điện tiêu thụ 242,7 tỷ kWh thì 1kWh điện tiêu thụ tạo ra 1,6 USD GDP. Con số này ở một số nước như Trung Quốc là 2 USD, Mỹ là 5,6 USD, Đức là 7,3 USD, Nhật là 5 USD, Nga là 1,7 USD và Úc là 5,2 USD. Trường hợp ở Đức, trong ngành chế tạo máy họ sử dụng rất nhiều lò nấu kim loại chạy than chứ không phải từ than ra điện rồi đốt bằng điện.
Ở khu vực ASEAN, Thailand, năm 2021 tiêu thụ khoảng 195 tỷ kWh điện nhưng GDP đạt 506 tỷ USD, còn Indonesia tiêu thụ 291 tỷ kWh điện và GDP 1.186 tỷ USD. Trường hợp Indonesia điện cho sinh hoạt chiếm đến 42%, còn công nghiệp 36%, dịch vụ 22%. Rõ ràng là bài toán tăng GDP không nhất thiết phải dựa vào phát triển công nghiệp tiêu tốn nhiều điện. 
Theo số liệu thống kê của GlobalPetrolPrices giá bán điện của các quốc gia năm 2018: Có 19 nước giá điện rẻ hơn Việt Nam (phần lớn là các nước nhiều dầu mỏ) và 72 nước có giá đắt hơn. Giá điện của Việt Nam thấp so với khu vực ASEAN và một số nước khu vực Châu Á: Indonesia giá gấp 1,4 lần, Thailand gấp 1,6 lần, Philippines gấp 2,7 lần; Trung Quốc giá cao hơn Việt Nam 10%, Nhật Bản giá cao hơn 3,7 lần…. Mặc dù, giá điện rẻ là một ưu thế cạnh tranh của các nước phát triển, nhưng vì giá điện ở Việt Nam quá thấp nên khó thu hút đầu tư các nhà máy phát điện. Giá điện càng rẻ càng thu hút công nghiệp ngốn nhiều điện, công nghệ lạc hậu, sản phẩm có hàm lượng kĩ thuật và giá trị gia tăng thấp; đầu tư thuỷ điện, nếu giá rẻ thì phải trả giá về môi trường rất lớn; đầu tư nhiệt điện, nếu giá rẻ thì sẽ ảnh hưởng đến không khí và nguồn nước bị huỷ hoại; EVN cắt giảm chi phí, điều này không kỳ vọng lâu dài. 
Hiện nay, giá dầu và than đã là giá quốc tế, giá điện rẻ chỉ có thể tính vào môi trường, điều này đồng nghĩa gắn với sinh mệnh của người Việt Nam. 
Đã đến lúc Việt Nam phải xem lại yếu tố cạnh tranh nhờ nhân công rẻ, điện năng rẻ. Hàng hoá bán đắt mà vẫn bán được, đấy mới là có năng lực cạnh tranh cao, còn hàng hoá phải nhờ vào nhân công rẻ, giá điện rẻ là hàng hoá rất kém cạnh tranh, vì vậy trợ giá cho xuất khẩu chỉ nên ở một giai đoạn nhất định.
Mục tiêu tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025
Thủ tướng yêu cầu:
- Trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.
- Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.
- Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
- Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
- Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Thanh Mai - Trang tin điện tử ngành điện

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151