Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 16/09/2024 | 19:54 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

TS Nguyễn Anh Tuấn: Điện mặt trời mái nhà thậm chí có thể phải trả tiền khi nối lưới

04/05/2024
Theo nhận định từ chuyên gia, chính sách ghi nhận sản lượng có thể được thay đổi điều tiết hợp lý để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với nhiều dự thảo cơ chế phát triển ngành điện lực trong đó có Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, lắp đặt trên mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Dự thảo quy định nhiều điều khoản chi tiết, song tập trung vào nội dung cơ bản như sau: Nhà nước khuyến khích người dân, tổ chức là cơ quan công sở được đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự dùng (không bán), không cần có giấy phép hoạt động điện lực...
Nghị định cũng cho phép hệ thống điện mặt trời tự dùng được nối với lưới điện phân phối của nhà nước, được ghi nhận sản lượng cho phần điện dư thừa xuất vào lưới điện.
Để làm rõ hơn về nội dung của đề xuất này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Giảng viên trường Đại học Điện lực.
TS Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Giảng viên trường Đại học Điện lực
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong đó có đề cập đến nội dung có kết nối lưới điện và được ghi nhận sản lượng điện dư thừa xuất vào lưới điện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Điện là một loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế. Do vậy sản xuất, kinh doanh mặt hàng điện cần phải có sự điều tiết của nhà nước, mức độ điều tiết này phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế kỹ thuật cho phép trong từng thời điểm và thời gian khác nhau. Hơn nữa, cung cấp sản suất điện phải phù hợp chính xác với tiêu thụ điện tại từng thời điểm. Do vậy, mọi nguồn đấu nối vào lưới phải được điều tiết chặt chẽ do chúng có ảnh hưởng rất lớn tới nhau.
Cho phép điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện quốc gia là một giải pháp hợp lý để thúc đẩy việc phát triển điện mặt trời mái nhà. Ghi nhận sản lượng phát lên lưới là nguyên tắc cơ bản của mọi hoạt động kinh tế, phục vụ công tác điều hành, thống kê, đánh giá.
Hiện Bộ Công Thương đang đề xuất việc có ghi nhận sản lượng nhưng không phát sinh hoạt động mua bán, là đánh giá tạm thời tại thời điểm này đối với điện sản sinh ra từ điện mặt trời mái nhà theo giá trị kinh tế của điện mặt trời mái nhà trong Hệ thống điện và theo quan điểm quản lý, điều tiết nhà nước đối với điện mặt trời mái nhà. Nếu tính chi li ra, tùy thời điểm trong ngày và trong năm, điện mặt trời mái nhà thậm chí có thể phải trả tiền để được bán điện lên lưới do dư thừa nguồn cung cao hơn tiêu thụ điện, và dừng phát các tổ máy điện lớn trong một thời gian ngắn có thể gây thiệt hại kinh tế hoặc ảnh hưởng an ninh cung cấp điện cao.
Do vậy, quy định không phát sinh hoạt động mua bán là cách tiếp cận thận trọng và tạm thời trong giai đoạn này. Sau khi đưa vào thực tiễn, qua đánh giá nghiên cứu, sản lượng ghi nhận có thể có giá khác nhau (cao, thấp, thậm chí âm) theo thời điểm, theo địa điểm, theo vùng…
Điều quan trọng là mọi suy diễn, kích động có thể xuất phát từ việc chưa được hiểu rõ bản chất vấn đề. Ngoài ra, phía Bộ Công Thương cũng phải hiểu rằng đây chỉ là giải pháp thủ tục tạm thời, cần phải liên tục nghiên cứu, đề xuất và cung cấp thông tin rõ ràng tới mọi người và điều chỉnh chính sách giá mua điện mang tính khuyến khích (giá dương) hoặc hạn chế (giá âm) theo từng giai đoạn, thời điểm, khu vực... kịp thời và hợp lý, dựa trên các đánh giá kinh tế kỹ thuật chi tiết và thực tiễn quản lý điều tiết.
Quy định không phát sinh hoạt động mua bán là cách tiếp cận thận trọng và tạm thời trong giai đoạn này. Ảnh: TTXVN
Bản chất của cụm từ “điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu” đã bao hàm ý nghĩa không phát sinh hoạt động mua bán. Và quy định Khoản 3 Điều 3 ghi rõ, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Vậy theo ông, cơ quan soạn thảo có nên bỏ cụm từ “giá 0 đồng” và “không được thanh toán” đi hay không (tiết b, khoản 1, Điều 5). Hoặc phải sửa đổi như thế nào?
Chỗ này có đôi chút cần làm rõ và tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách cũng nên lưu ý làm cho chặt chẽ và rõ ràng hơn.
“Tự sản và tự tiêu” không có nghĩa là không được mua thêm từ bên ngoài khi thiếu, hoặc không được bán/cho ra bên ngoài khi thừa. Do vậy, cần phải định nghĩa thêm là hợp lý và rõ nghĩa. Do vậy, tôi nghĩ cụm từ “giá 0 đồng” nên giữ lại, như giải thích ở trên. Còn cụm từ “không được thanh toán” nên bỏ đi, thừa và phi kinh tế, khi đã có “giá 0 đồng”.
Trong trường hợp bỏ cụm từ “giá 0 đồng”, thì có thể sửa lại là cho khách hàng được quyền lựa chọn nối lưới hoặc không, nhưng không phát sinh hoạt động mua bán. Việc cho khách hàng được lựa chọn nối lưới sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được sử dụng nguồn điện lưới liên tục, ổn định, an toàn khi nguồn điện mặt trời không đảm bảo chất lượng hoặc do ảnh hưởng từ diễn biến thời tiết không thuận lợi.
Một số ý kiến đề xuất rằng, cần cho chủ đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà có thể mua bán lượng điện dư thừa phát lên lưới. Quan điểm của ông về vấn đề này? (Trong giai đoạn hiện nay, không cho phép và đã có trong Quy định dự thảo).
Vấn đề này đã được giải thích theo khía cạnh thuần túy nghiên cứu ở phía trên. Xin nhắc lại quan điểm của tôi là "Quy định “giá 0 đồng” hay “không phát sinh hoạt động mua bán” là cách tiếp cận thận trọng và tạm thời trong giai đoạn này. Sau khi đưa vào thực tiễn, qua đánh giá nghiên cứu, sản lượng ghi nhận có thể có giá khác nhau (cao, thấp, thậm chí âm) theo thời điểm, theo địa điểm, theo vùng”.
Khi chúng ta chưa có đánh giá nghiên cứu và thực tiễn áp dụng, khó có thể đưa nhận xét theo cảm tính được. Qua thực tiễn áp dụng và căn cứ theo mục tiêu đáp ứng nhu cầu phụ tải, chính sách giá 0 đồng có thể được thay đổi điều tiết hợp lý để khuyến khích hơn nữa điện mặt trời mái nhà mà vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế tổng thể, ổn định kỹ thuật.
Theo Báo Công Thương  

Cùng chuyên mục

Tại sao giá điện LNG chưa hấp dẫn nhà đầu tư?

11/09/2024

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Bộ Công Thương phê duyệt mức giá trần 2.590,85 đồng/kWh cho điện khí LNG là một bước khởi đầu quan trọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem xét các yếu tố trong việc thực hiện các hợp đồng mua bán điện. Nếu những yếu tố này không được bảo đảm, mức giá trần dù hợp lý cũng không đủ để thu hút nhà đầu tư.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151