Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:09 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Đi tìm giải pháp đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng đặt ra tại Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia

21/10/2023
Ngày 26/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 893/2023/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa.
Quyết định nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện thành công cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Netzero) vào năm 2050, với mục tiêu tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 8-10% vào năm 2030 và khoảng 15-20% vào năm 2050 so với kịch bản thông thường. 
Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức khi các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện cả trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu. Thực tế này được chỉ ra tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” ngày 12/10 vừa qua. 
Điều này cũng đã được chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cảnh báo. Giải pháp được chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn đưa ra là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm để giảm phụ thuộc năng lượng, nhiên liệu nhập khẩu, và nhất là để đảm bảo điện trong các thời gian cao điểm mùa khô, khi nhu cầu điện tăng cao. 
Không chỉ điện mà tiềm năng tiết kiệm năng lượng nói chung, bao gồm cả điện, than, xăng dầu, khí đốt… trong nền kinh tế và đời sống còn khá lớn. Từ thực tế triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng (TKNL), ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: "Theo đánh giá của Bộ Công thương, Việt Nam chúng ta có tiềm năng TKNL ở mức rất cao. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp thì tiềm năng, kỹ thuật về TKNL của chúng ta có thể là từ 20-35% tùy theo ngành nghề, lĩnh vực. Trong lĩnh vực xây dựng và công trình xây dựng thì tiềm năng tiết kiệm được Bộ Xây dựng đánh giá từ 25-35%. Với tốc độ đô thị hóa rất nhanh như hiện nay thì việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng có tiềm năng ngày càng lớn và chúng tôi đánh giá là một trong những công việc trọng tâm cần thực hiện và đẩy mạnh trong giai đoạn tới".
Tại Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 26/7/2023 đã đặt mục tiêu TKNL đạt khoảng 8-10% vào năm 2030 và khoảng 15-20% vào năm 2050 so với kịch bản thông thường. Đánh giá cao 5 nhóm giải pháp Quy hoạch đề ra, ông Nguyễn Đức Hoàn - PGĐ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết cụ thể về các giải pháp địa phương đã và đang triển khai thực hiện nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, trong đó có giải pháp thứ 5 - đặt trọng tâm vào nhóm cơ sở sử dụng nhiều năng lượng.
"Bắc Giang có số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn là khoảng xấp xỉ 100 cơ sở (có sản lượng sử dụng năng lượng trên 1000 TOE/năm. Hiện nay tốc độ thu hút đầu tư của Bắc Giang rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Để làm sao quản lý được và lựa chọn được các doanh nghiệp có sử dụng năng lượng hiệu quả, tránh những lựa chọn dàn trải đối với các công nghệ lạc hậu thì chúng tôi cũng đã đưa ra những nội dung về việc quản lý. Thứ nhất là trong lĩnh vực về quy hoạch thì chúng tôi cũng là một tỉnh mà đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, trong đó định hướng thu hút đầu tư đó là lựa chọn các doanh nghiệp sử dụng ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, nhưng có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh, trong đó có sử dụng năng lượng ít. Thứ hai là quá trình thực hiện thì chúng tôi đi kiểm tra, giám sát và trên cơ sở các đối tượng mà đã đưa ra định mức tiêu hao năng lượng thì chúng tôi cũng phải giám sát việc đó. Với các đối tượng như sắt thép, giấy thì nếu vượt quá định mức đó thì chúng tôi yêu cầu họ phải có kế hoạch để hạn chế sử dụng năng lượng, để đảm bảo theo định mức tiêu hao".
Đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong thực thi các giải pháp tiết kiệm điện - một lĩnh vực quan trọng trong ngành năng lượng nhiều năm qua, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam dẫn chứng về nhu cầu điện trong trước mắt, khẳng định tầm quan trọng của tiết kiệm điện và cho rằng, giải pháp quan trọng, đầu tiên cần triển khai ngay đó là “hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ban hành cơ chế chính sách, quy định pháp luật đối với mô hình kinh doanh công ty dịch vụ TKNL (ESCO)” - đã được quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia yêu cầu.
"Năm 2023 này điện thương phẩm khoảng 252 tỷ kWh, nhưng chỉ khoảng 3 năm nữa thôi - khoảng năm 2025, theo Tổng sơ đồ 8 (QH Điện 8) lúc ấy, điện thương phẩm khoảng 330 tỷ kWh, tức là tăng trưởng khoảng 80 tỷ kWh trong vòng 3 năm sắp tới. Đây là một số rất lớn, và một áp lực rất lớn. Và đến năm 2030 theo Tổng sơ đồ 8 thì lúc đó điện thương phẩm đã lên hơn 500 tỷ kWh - như vậy là gần gấp đôi hiện nay. Nếu chúng ta không có những giải pháp để xã hội hóa được thị trường tiết kiệm điện, thị trường TKNL này thì sẽ rất khó khăn đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chỉ thị 20. Chính vì vậy thì tôi nghĩ rằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vận hành thị trường năng lượng là một vấn đề rất cần thiết phải được hoàn thành trong gian sắp tới".
Theo các chuyên gia năng lượng, sử dụng năng lượng TK&HQ là một trụ cột quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần hiện thực hoá cam kết của Thủ tướng Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ cả 5 nhóm giải pháp đề ra tại quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, trong đó có việc cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm thiểu cường độ năng lượng. Đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Theo Trang tin điện tử Ngành điện  

Cùng chuyên mục

PV Power 17 năm xây dựng và phát triển: Hành trình "thắp sáng tương lai"

17/05/2024

Được thành lập từ ngày 17/5/2007, trải qua 17 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) đã trưởng thành lớn mạnh, trở thành một trong những đơn vị nòng cốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong lĩnh vực điện. Đồng thời, PV Power còn tự hào là doanh nghiệp cung cấp điện năng lớn thứ 2 cả nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151