Dự án năng lượng mặt trời ở Mudajaya, Malaysia. Ảnh: Entrutech SDH BHDĐạo luật Năng lượng tái tạo được thiết kế nhằm tăng cường sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện quang mặt trời, khí sinh học, sinh khối và thủy điện nhỏ) bằng cách thiết lập và triển khai hệ thống giá bán điện, cho phép nhà sản xuất và người sử dụng bán lượng điện dư thừa cho mạng lưới điện quốc gia.
Thế nào là năng lượng tái tạo?
Theo luật, tài nguyên tái tạo được định nghĩa là “các nguồn tài nguyên, hoặc công nghệ bản địa lặp lại định kỳ và không cạn kiệt”. Trong đó, xem khí sinh học, sinh khối, thủy điện nhỏ, hoặc điện mặt trời là những nguồn tài nguyên tái tạo có thể ứng dụng. Điện năng được tạo ra, hoặc sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo được gọi là năng lượng tái tạo.
Cơ quan quản lý
Cơ quan Phát triển năng lượng bền vững (SEDA) sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chương trình giá bán điện. Cơ quan này được thành lập theo Đạo luật Cơ quan Phát triển năng lượng bền vững, được thông qua năm 2011.
SEDA là cơ quan quản lý biểu giá bán điện cho các nhà sản xuất điện được tạo ra từ các dự án năng lượng tái tạo theo thỏa thuận mua, bán điện năng lượng tái tạo (RePPA) với Công ty Điện lực Tenaga Nasional của Malaysia. Các doanh nghiệp muốn nhận được phê duyệt giá ưu đãi thì phải nộp đơn lên cho SEDA.
Ai có thể cung cấp năng lượng tái tạo?
Đạo luật Năng lượng Tái tạo quy định: một người muốn tạo ra và cung cấp điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo phải nộp đơn xin phê duyệt mới có quyền khai thác năng lượng tái tạo.
Quy mô của nhà máy phát điện từ 1MW đến 30MW đối với khí sinh học, sinh khối và thủy điện nhỏ; còn điện mặt trời từ 1kW đến 30MW.
Theo Đạo luật Cung cấp điện năm 1990 và Đạo luật Năng lượng tái tạo năm 2011: Bất kỳ nhà phát triển, hoặc nhà đầu tư nào muốn phát triển nhà máy phát điện năng lượng tái tạo trên 30MW phải được cấp phép theo Đạo luật Cung cấp điện.
Gần đây, nhằm tăng lượng điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo, Ủy ban Năng lượng của Malaysia đã đưa ra yêu cầu đề nghị mời thầu cho các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn lên đến 100MW. Kể từ năm 2017, Ủy ban đã phát hành ba đề nghị mời thầu và chương trình hiện đang ở chu kỳ thứ tư (được gọi là chu kỳ đấu thầu điện mặt trời quy mô lớn). Việc lựa chọn các nhà thầu trong các chương trình năng lượng mặt trời quy mô lớn dựa trên chào giá cạnh tranh.
Về chính sách đầu tư nước ngoài, Malaysia cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 49% vốn cổ phần trong một công ty được thành lập tại Malaysia để sản xuất điện, có thể là từ nguồn tái tạo, hoặc nguồn khác.
Dù theo Đạo luật Năng lượng tái tạo, hay Đạo luật Cung cấp điện, nhà đầu tư thường nhận được khoản vay từ các tổ chức tài chính Malaysia hoàn toàn bằng đồng ringgit Malaysia. Thời gian trả nợ thường là 12 - 15 năm. Chương trình bảo hiểm cũng dựa trên đồng ringgit của Malaysia.
Theo Báo Đại biểu nhân dân