Công tác đảm bảo cung ứng điện được đặc biệt quan tâm, triển khai quyết liệt trên cả nướcNgày 30/11/2023, Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 3310/QĐ-BCT. Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 148,489 tỷ kWh và mùa mưa là 157,769 tỷ kWh.
Đồng thời, ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia.
Theo báo cáo mới nhất, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 1/2024 ước đạt 23,695 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 28,6% so với cùng kỳ năm 2023 (do nhu cầu phụ tải cùng kì năm 2023 giảm thấp trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 từ ngày 20-26/01/2023), đạt 7,74% so với kế hoạch năm 2024 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3310/QĐ-BCT (306,259 tỷ kWh).
Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong tháng 1/2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch năm 2024.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 6/2/2024 (tức 26 Tết Nguyên đán) về tình hình quản lý, vận hành hệ thống điện và cung ứng điện dịp Tết Giáp Thìn, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia Nguyễn Đức Ninh cho biết, hiện tổng công suất đặt toàn hệ thống điện quốc gia đạt khoảng hơn 83.700 MW. Trong đó, năng lượng tái tạo đạt khoảng 22.300 MW, chiếm 27% toàn hệ thống; nhiệt điện than đạt khoảng 27.500 MW, chiếm 33%; thủy điện gần 18.000 MW, chiếm 21%; điện khí khoảng 7.700 MW, chiếm 9%; và các nguồn điện khác.
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 20/1 (29 Tết) đến ngày 26/1 (mùng 5 Tết) sẽ giảm đáng kể, chỉ bằng khoảng 57-65% so với ngày thường, do hầu hết các phụ tải công nghiệp ngừng, hoặc giảm sản xuất. Sản lượng trung bình ngày dịp Tết dự kiến ở mức 443,5 - 512,5 triệu kWh, thấp hơn khoảng trên 300 triệu kWh so với trung bình ngày của tháng 1/2024, với mức kiến tăng trưởng phụ tải miền Bắc 7,6%, miền Nam 8,5%, miền Trung 5,3% so với năm 2023.
Nhiều khó khăn đặt ra trong công tác vận hành hệ thống điện dịp Tết Nguyên đán, khi phụ tải tiêu thụ giảm thấp, thừa nguồn điện và quá giới hạn truyền tải, điện áp tăng cao, quán tính hệ thống giảm thấp, dự phòng công suất điều chỉnh tần số giảm thấp,… sẽ ảnh hưởng đến ổn định hệ thống điện, trong khi vẫn phải đảm bảo cấp nước cho hạ du mùa đổ ải.
Công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa dịp Tết có thể giảm chỉ còn 14.700 MW đến 17.500 MW, tương ứng tỷ lệ khoảng 60% so với ngày thường. Tình trạng quá giới hạn truyền tải 500kV có thể diễn ra vào các khung giờ năng lượng tái tạo phát cao trong buổi sáng (7h30 - 16h00). Tỷ lệ sản lượng hấp thụ năng lượng tái tạo dự kiến chỉ đạt 70-80%, công suất hấp thụ khoảng 30-50%.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) đã lập và ban hành phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia trong dịp Tết. Trong đó, đã tính toán dự báo phụ tải hệ thống điện, phương thức vận hành nguồn điện (biểu đồ huy động, sản lượng các loại hình nguồn, dịch vụ dự phòng điều chỉnh tần số và khả năng hấp thụ năng lượng tái tạo), phương thức vận hành lưới điện (kết dây cơ bản, chế độ vận hành lưới điện).
Để đảm bảo điện cho dịp Tết, EVNNLDC đã có văn bản gửi các đơn vị, chủ đầu tư nhà máy điện về việc phối hợp vận hành, đề nghị các đơn vị tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh điều độ.
EVNNLDC cũng cho biết sẽ tăng cường lực lượng trực ca 24/7 để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả dịp Tết. Trong các ngày mùng 1-2 Tết là thời điểm vận hành khó khăn nhất sẽ bổ sung thêm lãnh đạo trực tiếp hỗ trợ đội ngũ đi ca.
Thy Thảo