Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 08/10/2024 | 18:45 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Người kỹ sư và những sáng kiến cải tiến

27/02/2024
Gắn bó với Công ty Điện lực Lâm Đồng, những kỹ sư, người thợ cùng hết lòng để dòng ánh sáng đến với từng công xưởng, từng mái nhà. Kỹ sư Nguyễn Thành Sơn, Phòng kĩ thuật, Công ty Điện lực Lâm Đồng cũng là một người như thế, anh đồng hành với đường dây qua những năm thanh xuân trong ngành điện.

Anh Nguyễn Thành Sơn.
Nguyễn Thành Sơn chia sẻ, nhiệm vụ chính của anh trong công việc là theo dõi, thống kê, phân tích, đánh giá tình hình sự cố của các đơn vị và của công ty, kịp thời tham mưu chấn chỉnh công tác quản lý vận hành tại các đơn vị để nhanh chóng đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm sự cố lưới điện và củng cố hành lang an toàn lưới điện. Đây không chỉ là công việc của Sơn mà là công việc của nhiều anh em, chị em người lao động ngành điện, đảm bảo cho lưới điện hạ thế thông suốt. 
Những năm gần đây, chương trình tự động hóa, xây dựng lưới điện thông minh của Công ty Điện lực Lâm Đồng được triển khai mạnh mẽ. Nguyễn Thành Sơn và người lao động toàn đơn vị đang tích cực tham gia xây dựng chương trình. Riêng với Nguyễn Thành Sơn, cái “máu” mày mò của người say mê ngành điện đã giúp anh thực hiện nhiều sáng kiến và giải pháp cải tiến kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Một trong những sáng kiến của anh là gia công kìm ép cos thủy lực bằng tay sang hoạt động ép bằng máy. Những cây kìm ép cos thủy lực bằng tay được người thợ mang theo, trèo lên những cột điện cao vút để ép các đầu mối. Tư thế chênh vênh, kìm ép cos khá nặng và không có điểm tựa, đây là một công việc khá bất tiện với người thợ. Cùng với sự hỗ trợ của anh em công nhân, Nguyễn Thành Sơn đã gia công cây kìm ép thuỷ lực từ bằng tay sang chạy bằng máy. Với chiếc xe máy cũ, cây kìm ép tay nặng nề đã được vận hành bằng máy ngay trên mặt đất, giúp người thợ sửa chữa, vận hành đường dây nhẹ nhàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Cây kìm ép cos thủy lực máy do Nguyễn Thành Sơn và nhóm cải tiến đã được phổ biến rộng rãi tại nhiều điện lực khu vực do tiện dụng, sản xuất đơn giản và giá rất rẻ, không quá 2 triệu đồng/cây. 
Năm 2020, Nguyễn Thành Sơn thử nghiệm gia công cưa gỗ cầm tay sang cưa bằng máy. Chiếc cưa sắt chuyên dùng cho công nhân ngành điện phát quang hành lang an toàn lưới điện, chặt dọn cành ngang, nhất là trong mùa mưa bão, tránh để cành va chạm vào lưới điện. Bằng việc cải tiến động cơ máy khoan cầm tay gắn vào cưa gỗ, Nguyễn Thành Sơn đã biến chiếc cưa tay thành cưa máy với giá cả rất thấp. Nguyễn Thành Sơn cho biết: “Thực ra trên thị trường có cưa máy bán sẵn sử dụng cũng rất tiện. Nhưng vấn đề là cưa máy giá cao, trong khi cưa “độ” giá thấp hơn nhiều, chỉ bằng 40% giá mua máy mới. Là người thợ, tiết kiệm được chừng nào tốt chừng ấy vì nhu cầu sử dụng cưa của đơn vị rất nhiều, khá tốn kém”. 
Vào năm 2022, Nguyễn Thành Sơn cùng đồng nghiệp tiến hành gia công đầu thử nghiệm cho đầu búa T-Plug. Đầu búa T-Plug là một thiết bị trong các trạm biến áp, cần được thường xuyên thử nghiệm để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Hiện Lâm Đồng quản lý 215 đầu búa T-Plug (Bộ 3 pha). Mỗi khi thử nghiệm, lưới điện lại phải tạm ngừng hoạt động. Vì vậy, Sơn và đồng nghiệp đã tiến hành cải tiến, gia công lại đầu búa giúp giảm thời gian mất điện, tăng khả năng phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Anh cho biết, cải tiến đầu búa T-Plus đã mang lại hiệu quả rất tốt cho việc bảo dưỡng các trạm biến áp vì đây là thiết bị không có trên thị trường. Cải tiến ấy đã hỗ trợ trạm hoạt động hiệu quả hơn với chi phí thấp.
Nguyễn Thành Sơn chia sẻ, Công ty Điện lực Lâm Đồng luôn tích cực thực hiện phong trào người lao động tham gia cải tiến kỹ thuật. Hầu hết những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh cũng như những người lao động trong công ty đều nảy sinh từ thực tế, do người lao động đúc rút ra trong quá trình làm việc mỗi ngày. Và niềm vui rất lớn với Nguyễn Thành Sơn là những cải tiến kỹ thuật ấy đã giúp công việc của người thợ điện dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, góp phần giúp ngành điện đảm bảo hiệu quả hoạt động, đưa ánh điện sáng đến với từng khách hàng.
Ông Phan Sỹ Duy - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, Nguyễn Thành Sơn là người lao động nhiệt huyết. Trong công việc, anh luôn thực hiện nhiệm vụ được giao với sự nhiệt tình và trách nhiệm. Đặc biệt, Nguyễn Thành Sơn gắn bó với ngành điện, cùng công nhân, đồng nghiệp nghiên cứu và thực hiện nhiều sáng kiến và giải pháp cải tiến kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Nguyễn Thành Sơn là một “cây sáng kiến”, cùng với người lao động toàn công ty đáp ứng được nhiệm vụ cung cấp điện cho khách hàng, góp phần giúp công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo Trang tin điện tử Ngành điện  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151