Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 27/04/2024 | 20:02 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Cải cách thị trường điện tại Úc ưu tiên phát triển điện mặt trời áp mái

05/03/2024
Ước tính trong tương lai gần, hệ thống pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà sẽ cung cấp đủ điện cho 50% nhu cầu điện năng của Úc.
Năm 2023, sản lượng điện năng lượng tái tạo của Úc đạt 86 000 GWh, chiếm 36,1% tổng sản lượng điện cả nước. Xứ sở chuột túi có hầu hết các loại hình điện năng lượng tái tạo tồn tại trên thế giới bao gồm: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sóng biển, địa nhiệt, điện sinh khối… Trong đó, mặt trời áp mái là nguồn điện rẻ nhất ở quốc gia này. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện mặt trời mái nhà với giá điện rẻ hơn 1/5 lần mức giá bán lẻ bình quân.
Trong những năm qua, sản lượng điện mặt trời mái nhà tại Úc tăng trưởng rất nhanh. Cứ 03 gia đình thì có 01 hộ lắp tấm pin mặt trời trên nóc nhà mình. Năm 2022, tổng công suất điện mặt trời cả nước đã vượt 30 GW (trong đó công suất điện mặt trời áp mái không nối lưới là 395 MW, điện mặt trời phân tán có nối lưới là 19,6 GW), trong bối cảnh công suất điện than chỉ còn lại 21 GW.
Ước tính trong tương lai gần, hệ thống pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà sẽ cung cấp đủ điện cho 50% nhu cầu điện năng của Úc. Hiện nay, tại một số thời điểm trong ngày, điện áp mái đã có thể cung cấp gần 100% nhu cầu điện sinh hoạt, cá biệt ở một số vùng đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt nhờ vào loại năng lượng trời cho này.
Điều này có nghĩa là các nguồn năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu đang dần thay thế điện năng được giao dịch thông qua thị trường bán buôn truyền thống và được cung cấp qua hệ thống truyền tải. Thị trường điện quốc gia Úc là thị trường bán buôn trong đó các đơn vị phát điện và đơn vị bán lẻ mua bán điện cạnh tranh để cung cấp cho khách hàng sử dụng điện tại một số tiểu bang. Điều đáng nói tại đây là thị trường bán buôn điện ban đầu không được thiết kế để xử lý trường hợp các nguồn năng lượng tái tạo chiếm quy mô lớn trong hệ thống và tính đa dạng về quy mô công suất đặt của các nguồn này.
Nói một cách khác, thị trường điện Úc từ khi được thiết kế vận hành cho đến nay, cơ quan quản lý chưa bao giờ tính tới có một ngày có sự tham gia của hàng triệu nguồn phát điện, đồng thời là người tiêu dùng. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ Úc buộc phải cấp bách tiến hành những cải cách nhằm chuyển đổi năng lượng, nhưng vẫn phải đảm bảo chi phí thấp nhất cho các đối tượng tiêu dùng.
Tuy nhiên, cải cách cũng không phải chuyện dễ dàng và Chính phủ phải đối mặt với nhiều thách thức. Kể từ những năm 1990, thị trường điện Úc duy trì hình thức vận hành theo thiết kế dành cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề là ở chỗ nhiều nhà máy nhiên liệu loại này đang hết thời hạn sử dụng và phải dừng hoạt động.
Để thay thế, hàng triệu hệ thống điện mặt trời áp mái được kết nối hòa lưới điện. Hệ quả là, thị trường điện cần phải chuyển đổi sang dạng hệ thống có thể vận hành và phối hợp cùng lúc tất cả những nhà máy hay trạm phát quy mô nhỏ.
Vấn đề đặt ra là phải làm sao để giảm thiểu gián đoạn hệ thống. Các cải cách phải đảm bảo hài hòa được dòng điện và cân bằng các dịch vụ hệ thống khi mà hàng triệu dòng điện cùng hòa lưới một lúc, mà vẫn phải đảm bảo tính linh hoạt và điều độ cân đối cung cầu, cải thiện mức độ ổn định của lưới điện.
Trước nhiệm vụ ấy, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, Hội đồng An ninh Năng lượng Úc và các cơ quan điều tiết được giao nhiệm vụ điều chỉnh thiết kế cơ cấu thị trường điện phục vụ chuyển đổi năng lượng sạch. Mục tiêu của cải cách này là nhằm hài hòa và đa dạng hóa nguồn phát từ năng lượng tái tạo, cải thiện khả năng dự báo cung cầu điện năng, tạo cơ chế linh hoạt xử lý nhu cầu điện trên thị trường bán buôn, cho phép bên mua điện tham gia trực tiếp vào thị trường điện năng.
Hội đồng An ninh Năng lượng cũng đề xuất cơ chế thị trường vận hành hai chiều, cho phép người sử dụng năng lượng được chủ động tích cực tham gia vào hoạt động thương mại điện. Tại thời điểm ấy, các đề xuất cải cách được cho là chưa đủ, nhưng ý định và mục tiêu cải cách thì giữ nguyên giá trị.
Theo các đề xuất, những quy tắc vận hành thị trường điện xác định rõ giá trị mặt hàng điện như thế nào, điện thương mại phải đảm bảo tiêu chuẩn gì, cách thức tiến hành các giao dịch thương mại điện và những đối tượng nào được tham gia vào các giao dịch thương mại kể trên.
Những đề xuất và quy tắc nêu trên đã làm tốn nhiều giấy mực của những nhà lập pháp và công luận Úc. Tuy nhiên, những đề xuất về chính sách thị trường điện nêu ra khi ấy lại không giải quyết được vấn đề mang tính lâu dài, đó là cần một sự thay đổi mang tính hệ thống cho tương lai phát triển của năng lượng sạch.
Hiện nay, Chính phủ Úc đang tập trung vào các chính sách phát triển năng lượng tái tạo trên quy mô lớn, đồng thời xem xét kỹ tiềm năng phát điện quy mô nhỏ ở các địa phương nhằm cung ứng điện tại chỗ theo hướng hiệu quả. Cần tránh rủi ro khi xây dựng quá nhiều cơ sở hạ tầng truyền tải với chi phí cao.
Cải cách thị trường năng lượng đem lại cơ hội cho hàng triệu trạm phát điện thuộc sở hữu tư nhân, quy mô nhỏ, giúp họ có thể được hưởng lợi ích kinh tế từ việc tham gia vào các dịch vụ hệ thống và cung ứng điện năng.
Qua xem xét quá trình phát triển và chuyển đổi năng lượng tại Úc cho chúng ta thấy Chính phủ mỗi nước có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, định hướng các cải cách và chuyển đổi năng lượng. Có thể nói rằng chuyển đổi năng lượng sạch là một chính sách ưu tiên không chỉ của Úc, mà theo thời gian còn là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ở phạm vi chuyển đổi này đòi hỏi các nước trên thế giới chung tay vì mục tiêu chuyển đổi bền vững toàn cầu, nâng cao hiệu quả kinh tế của lĩnh vực năng lượng, đảm bảo mức giá năng lượng hợp lý và bảo vệ môi trường sống. Trong đó, nhu cầu người tiêu dùng và vấn đề hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường điện là yếu tố mang tính trọng tâm.
Để nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững rất cần có các nguồn năng lượng đảm bảo, sạch và giá cả hợp lý. Cải cách thị trường điện là công việc rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức sâu rộng về quản lý ngành, khuôn khổ pháp lý về điều tiết, điều độ điện năng, thực tiễn hoạt động kinh doanh buôn bán điện và nhất là phải hiểu và đánh giá đúng về nhu cầu tiêu dùng điện.
Cần xem xét đưa các đối tượng tiêu dùng trở thành trung tâm của quá trình cải cách thị trường điện, từ đó đưa ra cách tiếp cận chính sách và cơ chế điều tiết thị trường phù hợp, đảm bảo sự tương tác và hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường điện.
Trên cơ sở xem xét nhu cầu tiêu thụ, việc hoạch định và đầu tư  phát triển các nguồn phát quy mô nhỏ cần phải phù hợp với kế hoạch phát triển và đầu tư của toàn hệ thống. Thực tế cho thấy rằng với việc hoạch định chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo hợp lý đã giúp Chính phủ Úc huy động được hàng tỷ USD phục vụ phát triển các dự án thuộc lĩnh vực. Đặc biệt, việc hoạch định các chính sách phát triển theo vùng, phù hợp với đặc trưng kinh tế xã hội của từng địa phương có ý nghĩa rất quan trọng.
Các đối tượng sử dụng điện tại mỗi vùng mang các đặc trưng khác nhau. Bởi vậy, Chính phủ cần xem xét tạo ra môi trường đầu tư các dự án điện đảm bảo tính hỗ trợ cho các địa phương phát triển, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sáng tạo đổi mới khoa học công nghệ, hướng tới phát triển mạng lưới phân phối điện thông minh với chi phí và mức độ rủi ro thấp.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://theconversation.com/global)

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151