Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải. Ngành Giao thông vận tải cũng đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hiện nay, các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện được xem là tương lai của ngành giao thông, khi người dân tại các thành phố lớn ngày càng ưa chuộng loại xe này. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2023, đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc trên đường còn thiếu, không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các phương tiện chạy bằng điện.
Toàn cảnh hội thảo.
Ông Wilmar Matinez, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng điện của UNDP cho biết: Ở Việt Nam, khái niệm ô tô điện còn mới. Số lượng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh còn khá thấp nếu so sánh với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến các trạm sạc điện trên đường, đặc biệt là đường cao tốc, không được phổ biến như tại các quốc gia khác.
Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chuyên viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, số lượng trạm sạc không phải là vấn đề duy nhất. Việc tăng cường trạm sạc xe trên đường cao tốc cũng cần phải tính toán số lượng xe cần sạc và thời điểm sạc xe tại mỗi trạm để tránh gây áp lực lớn lên hệ thống điện trên toàn quốc, gây mất điện cục bộ. Hiện nay, hệ thống trạm sạc công cộng hiện tại đã chiếm tới 10% năng lượng điện cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, giống như các quốc gia phát triển, Việt Nam cần phải khuyến khích, động viên các tổ chức tư nhân có thể góp vốn để tăng cường trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc. Các chính sách khuyến khích có thể bao gồm: Miễn thuế trong 5 năm đầu sau khi đưa các trạm sạc đi vào hoạt động, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo…
Ông Wilmar Martinez cũng cho biết các nước trên thế giới đặc biệt là Đức và Na Uy cũng đã triển khai chính sách tài chính và thuế để khuyến khích hạ tầng này; đồng thời cũng đưa ra những quy định nghiêm ngặt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc, tiêu chuẩn hóa điểm sạc, nguồn và tốc độ sạc; cũng như các quy định về sạc công cộng và sạc tại nhà.
Theo Báo Quân đội Nhân dân.