Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 06/12/2024 | 23:27 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Điện lực TP.HCM triển khai các phương án đảm bảo cung cấp điện mùa nắng nóng

17/03/2024
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của người dân tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã chủ động triển khai các phương án đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) xác định việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn TP.HCM là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của Tổng công ty trong năm 2024.

Các kíp trực luôn theo dõi tình hình vận hành lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho nhu cầu tiêu thụ điện của TP.HCM
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng
EVNHCMC cho biết, theo quy luật thời tiết, Quý II hằng năm tại khu vực TP.HCM là giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 - 40 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, điều hòa, đặc biệt là thiết bị làm mát sẽ tăng cao.
Theo dõi số liệu sản lượng điện tiêu thụ cho thấy tại TP Hồ Chí Minh sản lượng tiêu thụ bình quân ngày của 02 tháng đầu năm 2024 đạt 75,34 triệu kWh/ngày cao hơn 11,39% (tương đương 7,7 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, phân tích các thành phần phụ tải khách hàng của 02 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy phụ tải sinh hoạt tăng 11,90% (chiếm 49,55% tổng phụ tải); các phụ tải ngoài sinh hoạt (chiếm 50,45% tổng phụ tải) tăng 7,32%, trong đó phụ tải có tỉ trọng lớn nhất là công nhiệp và xây dựng (chiếm 29,49% tổng phụ tải) cũng có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng 6,20%.
Sản lượng điện nhận của 11 ngày đầu tháng 3/2021 là 81,19 triệu kWh/ngày tiếp tục vượt hơn sản lượng bình quân 11 ngày đầu tháng 3/2023 là 74,50 triệu kWh/ngày. Dự báo sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3/2024 đạt 84,84 triệu kWh/ngày tăng 8,31% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3/2023 là 78,33 triệu kWh/ngày.
Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6/2024 tiếp tục tăng cao đạt từ 84,30 đến 87,60 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4 và 5 năm 2024 dự báo sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP Hồ Chí Minh.
Tổng công ty đặt mục tiêu đảm bảo độ tin cậy, sẵn sàng và đồng bộ trong khâu quản lý, vận hành lưới truyền tải và phân phối điện để cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và đời sống nhân dân thành phố, đặc biệt là mùa khô 2024.
Chủ động các phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024
Để thực hiện được mục tiêu, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã thực hiện phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 gồm nhiều giải pháp cụ thể.
Theo đó, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện giám sát, có phương án không để các đường dây 220kV/110kV/22kV, máy biến áp 220kV/110kV xảy ra tình trạng đầy, quá tải trong chế độ làm việc bình thường. Các công ty Điện lực rà soát, xử lý không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải trạm biến áp phân phối, lộ ra hạ thế. Công ty Lưới điện Cao thế, các công ty Điện lực thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết trước ngày 31/3/2024. Lập kế hoạch điều chỉnh phụ tải năm 2024.
Công nhân Công ty Lưới điện Cao thế thực hiện rửa sứ bằng nước áp lực cao, xử lý tình trạng nhiễm bụi bẩn bám ở các chuỗi sứ và thiết bị trong trạm biến áp.
Song song đó, Tổng công ty cũng chủ động chuẩn bị phương án tiết giảm khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cụ thể, rà soát, cập nhật danh sách ngừng giảm mức cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của EVN về việc ban hành danh sách ngừng, giảm mức cung cấp điện; lập danh sách thứ tự ưu tiên các tuyến dây và cáp ngầm trung thế theo ngày nghỉ luân phiên; rà soát đảm bảo vận hành tin cậy relay các mạch sa thải đặc biệt.
Đồng thời thực hiện diễn tập phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô, trong đó bao gồm kết hợp vận hành theo mức phân bổ công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, DR, dịch chuyển phụ tải, sự cố TBA 220kV,...
Bên cạnh việc chủ động triển khai các phương án để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, Tổng công ty Điện lực TP.HCM còn tích cực vận động, khuyến nghị khách hàng, người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng (từ tháng 3 đến 7), tình hình sử dụng điện của khách hàng sẽ tăng cao, tần suất sử dụng điện các thiết bị điện trong nhà, đặc biệt là các thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng cao, máy lạnh sử dụng một cách thường xuyên hơn.
Theo chuyên gia, mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2 đến 3% hiệu suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM chủ động triển khai các phương án để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, đồng thời tích cực vận động khuyến nghị khách hàng, người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 6012/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, EVNHCMC tập trung triển khai vận động hiệu quả theo từng nhóm đối tượng khách hàng.
Đối với tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở, Tổng công ty phối hợp với UBND Quận/Huyện, TP Thủ Đức kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm. Tổ chức ký biên bản thỏa thuận tiết giảm/dịch tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 08/6/2023.
Thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, các công ty Điện lực làm việc với các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, triển khai kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên. Làm việc với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của công ty điện lực tại địa phương; tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của công ty điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.
Đối với thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, các công ty Điện lực khuyến khích các hộ gia đình sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Tuyên truyền các giải pháp thực hiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế tối đa việc sử dụng bóng đèn sợi đốt. Khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.
Nhằm thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, Tổng công ty tổ chức làm việc, phổ biến tiết kiệm điện hàng năm, vào các tháng đầu mùa khô, đề nghị khách hàng thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện thường xuyên; khi có thay đổi, cải tạo hệ thống điện thì sử dụng thiết bị điện có hiệu suất năng lượng cao. Tổ chức ký biên bản thỏa thuận tiết giảm/dịch chuyển giờ sử dụng, sẵn sàng dùng máy phát vào mùa cao điểm, nắng nóng hoặc khi có yêu cầu từ hệ thống.
Để thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất, Tổng công ty làm việc với tất cả các khách hàng sử dụng điện lớn, các Ban Quản lý khu, cụm điểm công nghiệp trên địa bàn cam kết tiết kiệm điện (tối thiểu 2% sản lượng điện tiêu thụ/năm), điều hòa phụ tải, giãn kế hoạch sản xuất, dịch chuyển ngày làm việc, dịch chuyển ca sản xuất, giảm công suất giờ cao điểm. Ký kết các thỏa thuận với các khách hàng tiết giảm công suất vào các tháng cao điểm khi hệ thống khó khăn trong cung ứng điện và theo thông báo của đơn vị Điện lực; tham gia các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) khi có thông báo từ đơn vị Điện lực...
Theo Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

Vượt lên chính mình, NMNĐ Sông Hậu 1 tiếp tục lập kỷ lục phát điện trong ngày

05/12/2024

Thông tin từ Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) cho biết, ngày 2/12, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 đã phát lên lưới điện quốc gia 27,488 triệu kWh với tỷ lệ % công suất huy động là 100,7%. Đây là lần thứ 2 trong vòng hơn 1 tháng, NMNĐ Sông Hậu 1 đã thiết lập kỷ lục với sản lượng điện phát từ một nhà máy điện than của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong vòng 10 năm qua.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302