Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 30/04/2024 | 01:21 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Bộ Công Thương đề xuất trình tự lập, thẩm định, phê duyệt khung giá bán buôn điện

02/04/2024
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt khung giá bán buôn điện.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt khung giá bán buôn điện.
Theo dự thảo, Thông tư này quy định về phương pháp lập, trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt khung giá bán buôn điện. Thông tư này áp dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các Tổng công ty Điện lực; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Thông tư nêu rõ trình tự lập, thẩm định và phê duyệt khung giá bán buôn điện:
Trước ngày …. tháng … hàng năm (năm N-1: là năm dương lịch liền trước năm N), Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá bán buôn điện năm N (là năm dương lịch tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm áp dụng giá). 
Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ khung giá bán buôn điện và được sử dụng tư vấn để thẩm định hồ sơ khung giá bán buôn điện trong trường hợp cần thiết. Trường hợp hồ sơ khung giá bán buôn điện không hợp lệ theo quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm hoàn chỉnh, bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cục Điều tiết điện lực.
Trước ngày … tháng … hàng năm (năm N-1), Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo thẩm định giá bán buôn điện năm N.
Hồ sơ khung giá bán buôn điện
Theo dự thảo, hồ sơ khung giá bán buôn điện gồm:
1. Tờ trình phê duyệt khung giá bán buôn điện năm N.
2. Thuyết minh và các bảng tính khung giá bán buôn điện năm N, gồm:
- Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất điện năng, tình hình thực hiện doanh thu, các chi phí năm N-1; phân tích, đánh giá tình hình thực hiện lợi nhuận, vốn chủ sở hữu, các chỉ tiêu tài chính như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, cơ cấu vốn chủ sở hữu và vốn vay, tỉ lệ tự đầu tư, tỉ lệ thanh toán nợ đến ngày 30 tháng 6 năm N-1.
- Thuyết minh và tính toán các thành phần chi phí, lợi nhuận của Tổng công ty Điện lực i (là Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh).
- Thuyết minh và tính toán chi phí vật liệu, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác, chi phí phát triển khách hàng, chi phí chăm sóc khách hàng và truyền thông, chi phí công tơ và kiểm định công tơ.  
- Thuyết minh và bảng tính toán chi phí mua điện từ thị trường điện của Tổng công ty Điện lực i của năm N.
- Thuyết minh và bảng tính các khoản thuế, phí của các nhà máy điện ký hợp đồng trực tiếp với Tổng công ty Điện lực i trong năm N.
3. Ngoài ra, hồ sơ còn cần các tài liệu kèm theo, gồm:
- Danh mục và giá trị các dự án đầu tư đã hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành tới ngày 31 tháng 12 năm N-1 và năm N (theo từng tháng) phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và kế hoạch mở rộng lưới điện phân phối của Tổng công ty Điện lực i;
- Bảng tổng hợp về số lao động năm N-1 và kế hoạch năm N;
- Báo cáo tài chính năm N-2 đã được kiểm toán do Cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo thuyết minh;
d) Định mức các thành phần chi phí sử dụng trong hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trách nhiệm của các đơn vị trong tổ chức thực hiện
Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thẩm định khung giá bán buôn điện hằng năm và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm tính toán, báo cáo khung giá bán buôn điện của EVN bán cho các Tổng công ty Điện lực hàng năm, chỉ đạo Tổng công ty Điện lực i thực hiện lập bộ số liệu xây dựng khung giá bán buôn điện theo quy định tại Thông tư này.
Tổng công ty Điện lực i có trách nhiệm lập bộ số liệu xây dựng khung giá bán buôn điện hàng năm trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam để báo cáo Cục Điều tiết điện lực theo quy định tại Thông tư này.
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện bình quân phù hợp với biến động chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí mua điện từ thị trường điện, chi phí mua điện từ các nhà máy ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Tổng công ty Điện lực i, doanh thu và lợi nhuận định mức của các Tổng công ty Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm tính toán, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, quyết định.
Trong dự thảo Thông tư, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khung giá bán buôn điện là khung giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho từng Tổng công ty Điện lực chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được xác định theo mức giá bình quân tối thiểu (đồng/kWh) và mức giá bình quân tối đa (đồng/kWh).
2. Sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực i là sản lượng điện (bao gồm cả sản lượng điện thương phẩm bán điện tại khu vực chưa nối lưới điện quốc gia) mà Tổng công ty Điện lực i bán cho khách hàng sử dụng điện và cho các đơn vị bán lẻ điện.
3. Tổng công ty Điện lực i là Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.
4. Năm N là năm dương lịch tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm áp dụng giá.
5. Năm N-1 là năm dương lịch liền trước năm N.
6. Năm N-2 là năm dương lịch liền trước năm N-1.
Theo Tạp chí Công Thương 

Cùng chuyên mục

Làm gì để không tăng tiền điện mùa nắng nóng?

29/04/2024

Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Hầu như những thiết bị làm mát trong nhà như: quạt, điều hòa, tủ lạnh... đều phải hoạt động với công suất tối đa nên lượng điện tiêu thụ tăng cao, chi phí tiền điện cũng tăng cao, thậm chí tăng rất cao vào kỳ hóa đơn tiền điện các tháng 4, 5, 6 hàng năm. Do đó, ngành điện thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Tiết kiệm điện không phải là không sử dụng mà là sử dụng điện một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151