Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 17/05/2024 | 12:09 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Bắc Giang nỗ lực giải phóng mặt bằng, góp phần đóng điện thành công đường dây 220kV

12/07/2023
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa đóng điện, vận hành thành công đường dây 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn đúng tiến độ. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương về giải phóng mặt bằng, trong đó có tỉnh Bắc Giang.
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ GPMB đường dây 220kV tại xã Bảo Sơn (Lục Nam), tháng 10/2022.
Dự án đường dây 220kV Bắc Giang-Lạng Sơn là dự án lưới điện cấp bách, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030. Đường dây gồm 236 vị trí móng, chiều dài hơn 101 km, từ Trạm biến áp (TBA) 220 kV Bắc Giang (hiện có) đến TBA 220 kV Lạng Sơn (xây dựng mới). Tổng kinh phí đầu tư hơn 530 tỷ đồng. 
Trong đó, tuyến qua tỉnh Bắc Giang liên quan đến 55 vị trí cột với chiều dài hơn 21,6 km. Cụ thể, đường dây chạy qua huyện Lạng Giang 21 vị trí thuộc các xã Tân Dĩnh, Thái Đào, Đại Lâm, Hương Sơn; huyện Lục Nam 31 vị trí (xã Bảo Sơn, Thanh Lâm), Lục Ngạn 1 vị trí và TP Bắc Giang 2 vị trí. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư.
Xác định dự án điện quốc gia có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với phát triển KT-XH của Bắc Giang nên lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện. 
Lục Nam có nhiều cột nhất trong số các địa phương tại Bắc Giang với 31 vị trí. Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Toàn huyện có hơn 200 hộ bị ảnh hưởng khi làm dự án. Khó khăn lớn nhất trong GPMB để thi công công trình điện là tâm lý người dân. Không ít người lo ngại khi sinh sống gần đường dây điện có thể bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trước tình hình đó, huyện quan tâm tuyên truyền, giải thích, đưa ra các chỉ số đo đếm, khoảng cách an toàn để các hộ yên tâm. Lâu dần, bà con hiểu ra, không còn cản trở nữa”. 
Cùng đó, cán bộ các phòng, ban chuyên môn của huyện bám sát địa bàn, leo rừng, lội suối đo đạc, bảo đảm chính xác từng thửa đất, tạo sự công bằng, công khai trong GPMB. Nhờ vậy, trong tháng 2/2023, huyện Lục Nam hoàn tất GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, không có trường hợp nào phải cưỡng chế.
Các khoảng cột tại xã Bảo Sơn (Lục Nam).
Đại diện lãnh đạo huyện Lạng Giang thông tin, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện tập trung xác định nguồn gốc, kiểm đếm, quy chủ đất; lập phương án bồi thường và công khai phương án bồi thường để chi trả đối với những hộ bị ảnh hưởng. Đồng thời đề nghị nhà thầu hoàn trả ngay mặt bằng cho hộ dân sau khi thi công công trình.
Khi có mặt bằng, nhà thầu tập trung nhân lực thi công, nhanh chóng hoàn tất các hạng mục. Đến ngày 2/7/2023, EVNNPT đã tổ chức đóng điện, vận hành thành công đường dây 220kV Bắc Giang-Lạng Sơn theo tiến độ được giao. 
Theo Sở Công Thương, dự án đóng điện có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nhận một phần công suất từ Nhà máy thủy điện Nho Quế (Hà Giang), tăng cường công suất cho phụ tải tỉnh Bắc Giang và khu vực lân cận; tạo mối liên kết lưới truyền tải trong khu vực; tăng cường độ an toàn, tin cậy và khả năng cung cấp điện cho khu vực miền Bắc. 
Với việc kết nối lưới điện 110kV và 220kV thông qua trạm biến áp 220kV, góp phần giải tỏa công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong đó công nghiệp là động lực tăng trưởng nên phụ tải, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhất là tới đây, tỉnh tiếp tục mở rộng nhiều khu, cụm công nghiệp. Với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, Bắc Giang đã tập trung cao bồi thường GPMB, bàn giao cho đơn vị thi công để đưa vào vận hành công trình điện, đáp ứng nhu cầu, phục vụ phát triển KT-XH. 
Anh Ngô Trung Kiên, Trạm trưởng Trạm biến áp 220kV Dĩnh Trì ( thuộc Công ty Truyền tải điện 1 -Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) cho biết: "Sau hơn một tuần đóng điện, hệ thống đường dây 220 kV Bắc Giang-Lạng Sơn hoạt động ổn định, có tải cung cấp điện cho khách hàng".
Cán bộ Trạm 220kV Dĩnh Trì kiểm tra hệ thống đường dây.
Được biết, khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư nhận thấy tại khoảng cột 36A-37 trên đường dây còn tồn tại một công trình xưởng bóc gỗ diện tích 180 m2 của gia đình bà Trần Thị Hải, thôn Tiên Do, xã Bảo Sơn (Lục Nam) có khoảng cách từ dây dẫn thấp nhất đến điểm cao nhất của nhà là 4,7 m không bảo đảm an toàn (quy định tối thiểu là 6m). 
Nguyên nhân là do thời điểm kiểm tra, khảo sát, thống kê hiện trạng chưa kéo dây nên các đơn vị liên quan chưa đánh giá được chính xác khoảng cách. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, chủ đầu tư mới vận hành một số mạch, 2 mạch dây thấp có nguy cơ mất an toàn vẫn chưa được đóng điện.
Trạm 220kV Dĩnh Trì đấu nối với đường dây 220kV Lạng Sơn.
Về vấn đề này, ông Giáp Văn Ơn cho biết thêm: “Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường lập phương án bồi thường GPMB bổ sung, di dời xưởng bóc gỗ ra ngoài hành lang an toàn công trình. Trong ngày 11/7, công bố công khai phương án bồi thường, dự kiến việc chi trả hoàn tất vào cuối tháng này”. 
Theo Báo Bắc Giang 

Cùng chuyên mục

Hà Nội triển khai giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa cao điểm

16/05/2024

UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong địa bàn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa cao điểm năm 2024.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151