Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 30/04/2024 | 07:31 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Những lý do cần sửa đổi Luật điện lực: Kỳ 3: Tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực

07/04/2024
Quá trình triển khai Luật Điện lực cho thấy còn một số vướng mắc liên quan đến quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, cần sớm sửa đổi.
Nhiều vướng mắc vĩ mô
Báo cáo của Bộ Công Thương trong quá trình tổng kết, rà soát Luật Điện lực cho thấy, thời gian qua việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có một số vướng mắc trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.
Theo đó, quy hoạch phát triển điện lực (QHPTĐL) có liên quan tới nhiều quy hoạch của các ngành như: than, dầu khí, năng lượng tái tạo, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch giao thông, Quy hoạch không gian đô thị, Quy hoạch phát triển công nghiệp,... trong khi đó, thời điểm xây dựng các quy hoạch thường không trùng khớp nhau; Các số liệu phục vụ quy hoạch chưa hoàn toàn đầy đủ, thiếu đồng bộ dẫn tới các kết quả dự báo, tính toán chưa chính xác dẫn đến vướng khi triển khai quy hoạch điện lực.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch còn chưa hiệu quả, thủ tục triển khai dự án phức tạp. Đặc biệt, còn thiếu tính tuân thủ và sự phối hợp, ủng hộ của địa phương đối với quy hoạch đã được phê duyệt, chậm bố trí nguồn lực (đất đai,...) để triển khai dự án, một số trường hợp các địa phương trước đây đã phê duyệt quy hoạch sau lại thay đổi, bổ sung khiến quy hoạch điện bị phá vỡ.
Kế hoạch, tiến độ thực hiện, xác định nguồn lực một số dự án trong quy hoạch chưa rõ ràng. Việc đàm phán các hợp đồng dự án BOT phụ thuộc vào nhiều yêu cầu khắt khe từ các tổ chức tài chính quốc tế (bên cho vay) và có nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành và địa phương khác nhau khiến thời gian phát triển dự án kéo dài.
Năng lực của các nhà đầu tư cũng như nhà thầu trong nước còn hạn chế cả về mặt tài chính và kỹ thuật. Một số địa phương chậm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo cam kết để triển khai dự án. Trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức tài chính quốc tế lại hạn chế hoặc không tiếp tục tài trợ cho các dự án nhiệt điện than.
Vướng mắc khi triển khai các dự án theo QHPTĐL cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất rừng: Danh mục dự án điện đã được phê duyệt thoả thuận vị trí địa điểm, tuy nhiên chưa được địa phương đưa vào quy hoạch sử dụng đất, không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm nên phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh theo quy định. Nhiều dự án điện khi thực hiện bước phê duyệt thiết kế kỹ thuật thì phải chờ địa phương làm các thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất. Việc này kéo dài thời gian triển khai dự án (chậm từ 06 tháng đến 01 năm, thậm chí dài hơn).

Sự thiếu đồng bộ về văn bản pháp luật dẫn đến công tác quy hoạch và triển khai gặp nhiều khó khăn. Do đó cần sớm ban hành Luật Điện lực sửa đổi(Ảnh minh hoạ)
Vướng mắc về thẩm quyền
Quá trình triển khai Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo điều kiện cho ngành điện phát triển mạnh mẽ song nhìn lại vẫn còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, nhiều nội dung không rõ ràng, còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, về phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương trong lĩnh vực điện lực (vướng mắc về thẩm quyền). Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020: Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 chưa quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư (từ 2.300 đến dưới 5000 tỷ đồng) sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và các dự án xây dựng trên địa bàn nhiều tỉnh. Đến năm 2021, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực, đã quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư để tháo gỡ vướng mắc nêu trên.
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa quy định rõ việc “xem xét, phê duyệt” của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong thủ tục trình phê duyệt dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Hay về quy trình đầu tư (về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư) giữa Luật số 69/2014/QH13 khác với trình tự thủ tục đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công. Mặc dù, tại điểm a, khoản 3, Điều 4 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, trừ các trường hợp sau đây “Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”. Tuy nhiên, các dự án điện sử dụng vốn nhà nước vẫn còn chưa rõ ràng trong tổ chức thực hiện trình, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư quy định “có” hay “không” thực hiện thủ tục này.
Vướng mắc về thực hiện đầu tư các dự án điện
Quá trình triển khai các dự án điện sử dụng vốn nhà nước còn nhiều bất cập, chưa có quy trình thực hiện rõ ràng vì liên quan đến nhiều luật, nhiều ngành. Nhiều thủ tục phải thực hiện, có sự chồng chéo mà chưa được quy định tối giản/xem xét đồng thời trong các giai đoạn (chuẩn bị đầu tư, đầu tư,...) do chịu sự điều chỉnh của nhiều luật liên quan.
Từ năm 2018 đến nay, các dự án điện lớn do các tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện là khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, dẫn đến nhiều dự án chưa thực hiện đầu tư xây dựng hoặc triển khai rất chậm, không đáp ứng theo tiến độ quy hoạch.
Sở dĩ các dự án triển khai chậm là do gặp khó trong điều chỉnh quy hoạch điện lực quốc gia, thiếu các tiêu chí rõ ràng, chưa có quy định để tạo cơ chế điều hành linh hoạt trong triển khai thực hiện quy hoạch để đảm bảo cung ứng điện; Khó khăn trong điều chỉnh các thông số dự án từ giai đoạn quy hoạch đến triển khai thi công cần áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Do đó việc điều chỉnh các thông số kỹ thuật của các dự án điện trong quá trình đầu tư xây dựng là cần thiết và cần phải được quy định cụ thể tại Luật này.
Một yếu tố khác là thiếu các cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện đã gây rất nhiều khó khăn đối với công tác phát triển điện lực theo đúng quy hoạch đã đề ra. Việc xác định tiêu chí thế nào “các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng” thì chưa có quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, dẫn tới thiếu hành lang pháp lý để triển khai quy định này. Mặt khác, để áp dụng cơ chế đặc thù theo Luật Xây dựng thì thủ tục cần thực hiện cho riêng từng công trình, chưa có cơ sở áp dụng chung cho nhóm công trình có tính chất cấp bách như nhau, chưa giải quyết được vấn đề cấp thiết cần rút ngắn thời gian thực hiện cho các dự án theo quy hoạch được duyệt.
Thứ hai, vướng mắc, hạn chế về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực. Bên cạnh đó Luật Điện lực hiện hành chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án đầu tư xây dựng công trình điện. Mặc dù Luật Đầu tư, Luật Đất đai đã có các quy định xử lý các trường hợp cần thu hồi dự án. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện thủ tục này chưa quyết liệt từ các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và trung ương.
Khoản 3 Điều 130 Luật Xây dựng: Thủ tướng Chính phủ quyết định các cơ chế đặc thù đối với từng công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; hình thức lựa chọn nhà thầu và các cơ chế đặc thù khác theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng.
Luật Điện lực được ban hành cách đây gần 20 năm, các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai qua các thời kỳ có nhiều sự thay đổi, một số nội dung tại Luật Điện lực đã lỗi thời hoặc có sự chồng chéo với pháp luật khác.
Khó khăn trong huy động nguồn lực để phát triển điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Hiện nay còn rất nhiều thôn/bản, một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn, không khả thi. Giai đoạn từ 2013 - 2023, triển khai cấp điện phụ thuộc chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương.
Thực hiện chính sách năng lượng của Đảng và Nhà nước, trong đó bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần cụ thể hóa trong Luật Điện lực đồng bộ với các quy định luật hiện hành để có nguồn lực đầu tư đạt tỷ lệ 100% số hộ dân được tiếp điện an toàn, tin cậy. Như vậy, cần thiết điều chỉnh quy định tại khoản 1, Điều 61, Luật Điện lực 2004, quy định cụ thể việc sử dụng vốn đầu tư công cho đầu tư phát triển lưới điện vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Còn tiếp
Theo Báo Công Thương  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151