Với mục tiêu giảm phát thải các-bon đầy tham vọng cùng với môi trường chính sách và quy định chuyển dịch theo hướng tạo thuận lợi, Bồ Đào Nha đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và sản xuất năng lượng tái tạo.
Mặc dù có các đặc điểm tương đồng với các thị trường châu Âu khác, ngành công nghiệp năng lượng sạch Bồ Đào Nha phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới việc cấp phép hòa lưới điện và các biểu đồ cơ chế phân bổ lợi nhuận chi tiết, là rào cản có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia này.
Bồ Đào Nha đã đề ra mục tiêu tham vọng nhằm giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, theo đó đến năm 2030 sản xuất 85% sản lượng điện toàn quốc từ nguồn năng lượng tái tạo, tăng xấp xỉ 60% so với sản lượng điện năng lượng tái tạo của năm 2022. Chỉ tính riêng tỷ trọng điện năng lượng tái tạo hiện có, Bồ Đào Nha đã là một trong những nước có sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đứng đầu châu Âu.
Thông qua hoạt động đấu thầu các dự án, quốc gia này đã đạt bước tiến nhảy vọt trong việc triển khai các dự án điện mặt trời. Đấu thấu dự án đã trở thành công cụ chính sách hiệu quả được Chính phủ Bồ Đào Nha áp dụng để thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo kể từ năm 2019 cho đến nay. Trong đó, có những dự án điện mặt trời thông qua đấu thầu đã đưa giá điện xuống mức thấp kỷ lục so với thế giới, nhất là các nhà máy điện mặt trời nổi lắp đặt trên một số hồ chứa nước được triển khai xây dựng vào tháng 4 năm 2022, có diện tích lên tới cả trăm héc-ta.
Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đã nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, miễn giấy phép vận hành hoặc chứng nhận vận hành nhà máy điện đối với nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Các biện pháp và chính sách khuyến khích cụ thể đã giúp cho Bồ Đào Nha đạt được bước tiến lớn trong việc tăng cường ưu đãi, khích lệ đối với các nhà đầu tư và sản xuất năng lượng, vì vậy các dự án được triển khai nhanh trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, Chính phủ nước này đã bảo trợ cho hơn 8 GW công suất điện gió và điện mặt trời, bao gồm cả 4 dự án đầu tư theo danh mục tại vùng Sonnedix, khởi động từ tháng 2 năm 2024 với tổng công suất 49 MW. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, quốc gia này cần đạt được công suất năng lượng tái tạo gấp 4 lần hiện nay, trong khi công nghiệp năng lượng tái tạo vẫn đang phải đối mặt với những điểm nghẽn, có thể gây rủi ro đối với các mục tiêu đề ra.
Trong đó, thời hạn và tốc độ xử lý cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo nhìn chung vẫn còn chậm do thời gian xử lý của các cấp hành chính kéo dài. Đấu nối lưới điện còn hạn chế. Có thời điểm năm 2020, Tổng Cục Địa chất và Năng lượng Bồ Đào Nha đã tạm dừng đấu nối lưới điện đối với các hồ sơ xin cấp phép mới. Với tất cả các đề nghị đấu nối mới dồn lại cho đến nay, trong bối cảnh đấu thầu xây dựng nâng công suất lưới truyền tải diễn ra chậm, thì cách duy nhất có thể nối lưới được là thông qua các hợp đồng thỏa thuận trực tiếp với chi phí đắt đỏ và thủ tục phức tạp.
Trong thời điểm hiện nay, trước mắt chỉ còn công bố đấu thầu đối với các dự án điện gió ngoài khơi, còn lại các dự án có bao gồm phát triển hệ thống tích trữ điện năng thì chưa rõ khi nào Chính phủ sẽ công bố mời thầu.
Các cuộc đấu thầu trước đây đã đảm bảo khoản doanh thu dài hạn, lên tới 15 năm cho các nhà sản xuất năng lượng sạch, nhưng không có các ưu đãi cụ thể khác, vì thế những nhà đầu tư dự án sẽ phải đối mặt với biến động giá và rủi ro cao nếu tiếp tục triển khai các dự án thắng thầu của mình.
Sự thay đổi trong bối cảnh chính trị nội bộ gần đây với việc Thủ tướng Antonio Costa từ chức vào tháng 11 năm 2023 đã làm cho Chính phủ và các cơ quan liên quan thắt chặt hơn quá trình điều hành chính sách và quy định đối với lĩnh vực phát triển năng lượng.
Cuộc bầu cử diễn ra mới đây với những thay đổi trong cơ cấu và chủ trương lãnh đạo điều hành được đánh giá có thể tác động ít nhiều lên các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Thậm chí theo quan sát của giới chuyên gia, bối cảnh mới có thể làm thay đổi cả quan điểm của Chính phủ trong việc tham gia trực tiếp vào xúc tiến các dự án năng lượng sạch. Liên Minh Dân chủ- Trung Hữu đắc cử cũng có thể sẽ điều hành lĩnh vực sản xuất năng lượng theo hướng thị trường.
Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép, để có thể đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đề ra, Bồ Đào Nha cũng cần cấp bách quan tâm cải thiện các vấn đề có liên quan đến lưới điện và chính sách lợi nhuận cho nhà đầu tư và sản xuất năng lượng, tăng cường đầu tư lưới truyền tải, hệ thống tích trữ điện năng, nâng cao độ tin cậy của hệ thống điện, đơn giản hóa các thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các dự án điện, tạo thuận lợi hơn cho các dự án tham gia thị trường điện, nhất là cần xây dựng cơ chế phân bổ lợi ích rõ ràng đối với những dự án đầu tư trong tương lai.
Mặc dù còn tồn tại khó khăn nhất định, công suất và sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo tại Bồ Đào Nha vẫn đứng hàng đầu tại Châu Âu, chiếm 61% tổng biểu đồ phát năm 2023, trong đó điện mặt trời chiếm 7%. Nước này có số lượng lớn các dự án điện năng lượng tái tạo, nhiều dự án đang trong quá trình xây dựng, có quy mô lớn, trong đó có tổ hợp dự án tại vùng Douro với sản lượng dự kiến lên tới 234.5 GWh/năm, đủ cung cấp điện cho 78,000 hộ tiêu dùng, giúp giảm 35,000 tấn phát thải các bon mỗi năm.
Dù vậy, để đạt các mục tiêu Chính phủ đã đề ra, việc triển khai các dự án cần được đẩy nhanh hơn cả về quy mô và tiến độ, tập trung cải thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế quy định rõ ràng, nâng cao công suất các dự án điện mặt trời và điện gió, nâng cấp và mở rộng công suất mạng lưới truyền tải.
Với tiềm năng sẵn có và định hướng đúng đắn của Chính phủ, Bồ Đào Nha hoàn toàn có khả năng tăng hơn nữa sản lượng điện sạch với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia và sớm đạt được mục tiêu trung hòa Các-bon như đã cam kết.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://www.pv-magazine.com/2024)