Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 30/04/2024 | 02:42 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Thợ điện và nỗi lo mùa nắng

15/04/2024
Có vẻ câu chuyện cấp điện mùa nắng không có gì mới bởi năm nào cũng thế, cứ “đến hẹn lại lên”. Ấy nhưng, khi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày một tăng cao thì việc đảm bảo cấp điện liên tục, tin cậy trong mùa nắng nóng lại trở nên “áp lực” hơn với người thợ điện.
Anh Dương Văn Chí - Đội QLVH  Điện lực thành phố Hà Tĩnh  đang thay thế thanh cái phía trung thế tại TBA.
Nỗi lo sự cố điện mùa nắng
“Với thợ điện chúng tôi, nỗi lo luôn thường trực và chưa bao giờ cũ,… đó là sự cố điện do phụ tải tăng cao trong mùa nắng nóng”- trong sự bận rộn, vội vã của công việc quản lý vận hành(QLVH), chia sẻ của anh Dương Văn Chí, công nhân Điện lực thành phố Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) về công tác sửa chữa điện mùa nắng dường như cũng “nóng” hơn…
 
Anh Chí cho biết, dù trời mới chuyển hạ được hơn nửa tháng nay nhưng công việc của anh em đội QLVH Điện lực thành phố Hà Tĩnh đã “sốt” từ những tháng trước. Theo đó, để đảm bảo cấp điện trong mùa nắng nóng năm nay, ngay từ quý 4/2023, đơn vị đã tiến hành kiểm tra tổng thể hệ thống đường dây và trạm biến áp, từ đó lên kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, sẵn sàng nhân lực, vật lực và các kịch bản ứng phó linh hoạt trước mọi tình huống có thể xảy ra.
“Hầu hết các sự cố trong mùa nắng nóng đều xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến máy biến áp và đường dây vận hành quá tải. Chẳng hạn, sự cố phát nhiệt các mối nối trên đường dây do công suất vận hành bị tăng đột biến gây phát nhiệt hoặc làm võng các đường dây gây phóng điện, chập cháy các đường dây giao chéo… Hay, khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao cộng với phải mang tải lớn khiến nhiệt độ dầu chạy máy biến áp tăng lên trong khoảng 25 - 30 độ so với mức cho phép, khi đó sẽ gây các sự cố khó lường, rất nguy hiểm cho máy biến áp, nhẹ thì khiến hệ thống tự ngắt, hỏng hóc thiết bị dao cách ly, máy cắt, nặng hơn thì làm hỏng máy, gây gián đoạn cấp điện” – anh Chí cho hay.
Mùa nắng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đồng nghĩa với công việc của người thợ điện sẽ vất vả, tất bật hơn bình thường.
Thực tế, vào mùa nắng nóng, những cuộc gọi của khách hàng yêu cầu kiểm tra, sửa chữa điện tăng thường đột biến so với các mùa khác. Thời điểm đó, điện thoại của “lính điện” luôn bật chế độ “online” để nhanh chóng tiếp nhận thông tin, kịp thời lên đường“vá lưới”. Và một điều thấy rõ, nếu sửa chữa điện ngày thường vất vả một, thì công tác xử lý sự cố trong mùa nắng nóng lại gian nan, vất vả gấp mười. Bởi, ngoài việc phải đương đầu với sự khắc nghiệt của thời tiết, sức nóng từ mặt đường, từ máy móc, thiết bị tỏa ra thì “thợ điện mùa nắng” cần có một ý chí, nghị lực kiên cường và tập trung tinh thần cao độ, mọi thao tác phải đảm bảo an toàn, chính xác, nhanh gọn và kịp thời để cấp điện trở lại phục vụ người dân. Đặc biệt vào khung giờ cao điểm (buổi tối) khi khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, sinh hoạt, kinh doanh,… đó cũng là lúc dễ xảy ra các hiện tượng chạm chập, cháy nổ, nhảy áp tô mát, cháy cầu chì… những lúc đó, anh em thợ điện lại thi nhau “tỏa đi” tìm nguyên nhân, áp lực thời gian khắc phục sự cố vẫn là nỗi lo “số một”.
“Mặc dù cả ngày đương đầu, đấu chiến với nắng nóng; đu mình, lơ lững trên cột điện; rát mặt lần tìm các hỏng hóc, khiếm khuyết trên trạm điện… nhưng đêm về anh em vẫn tập trung quân số trực chiến 24/24h, sẵn sàng lên đường xử lý sự cố bất cứ lúc nào, dù là nửa đêm hay tờ mờ sáng. Nhiều khi, bữa cơm của anh em cũng chỉ qua loa đại khái, mọi ưu tiên đều hướng đến khách hàng, chỉ khi điện nhà dân bừng sáng trở lại thì anh em mới thở phào, phấn khởi…”- anh Chí phân trần.
 Công tác kiểm tra đêm cũng hết sức quan trọng, qua đó phát hiện sớm những khiếm khuyết trên lưới, hạn chế tối đa sự cố lưới điện mùa hè.
Khác hơn so với thợ điện đồng bằng, công nhân điện miền núi, vùng biên lại có những nỗi lo riêng; không chỉ là vấn đề phụ tải tăng cao kéo theo nguy cơ sự cố; không chỉ điều kiện lưới điện, địa hình đặc thù gây khó khăn trong việc di chuyển để khắc phục, sửa chữa… mà các hiện tượng sấm sét, lốc xoáy, mưa giông trong mùa hè cũng là những vấn đề đáng lo ngại dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố về điện.
Thức dậy đi làm từ lúc 4 giờ sáng để tránh cái nắng “quay quắt” của vùng đất “chảo lửa”- Hương Khê, anh Đường Đức Hải, công nhân đội QLVH Điện lực Hương Khê chuẩn bị đầy đủ tư trang, áo mũ, đồ nghề “rón rén” dắt xe ra cổng rồi mới dám nổ máy vì lo vợ con mình tỉnh giấc. Để đến được hiện trường công tác, nhiều khu vực, anh và đồng nghiệp chỉ chạy xe máy được hai phần ba chặng đường, chặng còn lại mọi người phải gửi xe lại rồi băng rừng, leo suối bằng chân bộ. 
Anh Đường Đức Hải, công nhân đội QLVH Điện lực Hương Khê kiểm tra đường dây hạ thế để đảm bảo cấp điện mùa nắng.
Trải lòng về những khó khăn, gian nan của người thợ điện vùng biên trong mùa nắng, anh Hải kể: Có những ngày anh em trong đội phải chạy đi, chạy lại cả trăm cây số để duy tu, bảo dưỡng đường dây, xử lý sự cố và sửa chữa điện cho khách hàng. Thậm chí có khi vừa xử lý xong sự cố mất điện cho khách hàng A, về đến điểm trực lại nhận được phiếu lệnh yêu cầu sửa điện của khách hàng B, trong khi chỉ cách nhà khách hàng A hai cột điện, thế là anh em phải “cắm đầu” quay đầu xe trở lại... “Vất vả lắm nhưng cứ nghĩ tới cảnh người dân đang mong ngóng đợi mình, nghĩ tới niềm vui của các hộ dân khi quạt quay, đèn sáng… bao khó khăn, mệt nhọc đều biến bay”- anh Hải bày tỏ với ánh mắt hạnh phúc.
Cần lắm sự thấu hiểu của khách hàng
Theo nhận định, năm nay công tác cung ứng điện vẫn gặp nhiều khó khăn. Với địa hình phức tạp, lưới điện trải dài, đặc thù thời tiết khắc nghiệt, vấn đề khắc phục sự cố mùa nắng trên lưới điện Hà Tĩnh cũng sẽ gặp không ít trở ngại. Vì vậy, để hạn chế tối đa sự cố về điện trong mùa nắng nóng, bên cạnh sự chủ động, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo cấp điện, ngành điện lực tỉnh nhà cần lắm có sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu của khách hàng sử dụng điện, nhất là trong thời gian cao điểm của hệ thống. 
Theo ông Phan Văn Anh - Trưởng phòng kinh doanh PC Hà Tĩnh, biện pháp “chia lửa” với ngành điện thời điểm này, ngoài sự đồng hành, hỗ trợ thì việc làm hiệu quả, thiết thực nhất của khách hành đó là thực hành tiết kiệm điện. 
Điện lực Lộc Hà (PC Hà Tĩnh) tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đến người dân.
Trên tinh thần đó, thời gian qua, PC Hà Tĩnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả bằng các hình thức cụ thể; thường xuyên kêu gọi, vận động khách hàng chủ động cân đối việc sử dụng điện khoa học để vừa giúp giảm chi phí hóa đơn tiền điện, vừa góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện trên địa bàn. 
“Công ty cũng đẩy mạnh khuyến cáo người dân không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn, đặc biệt hạn chế sử dụng vào khung giờ cao điểm; lựa chọn các thiết bị điện đảm bảo uy tín, chất lượng và có kế hoạch điều chỉnh phụ tải hợp lý”- Trưởng phòng kinh doanh PC Hà Tĩnh thông tin.
Những ngày này, bằng tinh thần hết lòng phục vụ, đội ngũ CBCNV ngành điện nói chung, PC Hà Tĩnh nói riêng đang từng bước khắc phục mọi trở ngại, nỗ lực vượt khó trong từng thời điểm để sẵn sàng bước vào “cuộc chiến” với nắng, quyết tâm nối thông dòng điện kịp thời đưa nguồn sáng đến với mọi nhà. Sự tin yêu của khách hàng, của nhân dân chính là động lực lớn nhất để những người làm điện quê nhà vững vàng bước qua nhọc nhằn, gian nan mùa nắng.
Theo Trang tin điện tử Ngành điện  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151