Điện hạt nhân được dự báo sẽ đạt kỷ lục mới, vượt qua kỷ lục được xác lập vào năm 2021. Mặc dù một vài nước đang nỗ lực cho dừng các nhà máy điện hạt nhân hoặc giải trừ điện hạt nhân hoàn toàn, điện hạt nhân toàn cầu được dự báo vẫn đạt tăng trưởng bình quân gần 3% đến năm 2026, khi mà công việc duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân tại Pháp đã hoàn thành, Nhật Bản thì tái khởi động sản xuất điện hạt nhân ở một số nhà máy và những lò phản ứng mới bắt đầu vận hành thương mại ở nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Châu Âu.
Thậm chí nhiều quốc gia còn coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng trọng yếu trong chiến lược phát triển năng lượng của mình, cũng như là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Hội nghị Toàn cầu về biến đổi khí hậu COP28 diễn ra vào tháng 12 năm 2023, hơn 20 quốc gia đã ký tuyên bố chung, theo đó tăng gấp ba lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi các nước phải giải quyết được những vấn đề thách thức chính yếu, trong đó có giảm thiểu rủi ro về đầu tư và an toàn kỹ thuật trong các công trình xây dựng thuộc lĩnh vực hạt nhân. Giải pháp chính là đẩy mạnh triển khai công nghệ lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR), cho dù việc phát triển và thi công loại công nghệ này vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Tuy nhiên, SMR có lẽ vẫn là giải pháp công nghệ mà nhiều nước đang nghiên cứu hướng tới, trong đó có Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, một số quốc gia châu Á khác.
Châu Á đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng điện hạt nhân, dự kiến chiếm tỷ trọng 30% tổng công suất điện hạt nhân toàn cầu vào năm 2026. Theo dự báo, Châu lục này cũng sẽ vượt khu vực Bắc Mỹ trở thành khu vực có tổng công suất điện hạt nhân được lắp đặt lớn nhất vào cuối năm 2026, với số lượng lớn các nhà máy điện hiện nay đang trong quá trình xây dựng, lắp đặt và dự kiến hoàn thành trước mốc thời gian nêu trên. Trong đó, quá nửa số lượng các lò phản ứng hạt nhân mới sẽ được vận hành trong thời gian tới đây được tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong 10 năm qua, điện hạt nhân được phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc với công suất tăng thêm khoảng 37 GW, tương đương gần 2/3 công suất điện hạt nhân hiện có của quốc gia này. Điều này làm cho tỷ trọng điện hạt nhân Trung Quốc trên tổng nguồn phát hạt nhân toàn cầu tăng từ 5% vào năm 2014 lên xấp xỉ 16% năm 2023. Trung Quốc cũng đã bắt đầu vận hành thương mại lò phản ứng thế hệ 4 đầu tiên của mình vào tháng 12 năm 2023, đồng thời khẳng định những tiến bộ của nước mình trong việc phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://www.iea.org)