Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 30/04/2024 | 06:59 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

PTSC- Khát vọng phát triển trong kỷ nguyên năng lượng mới

12/04/2024
Là doanh nghiệp trung tâm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), trên cơ sở phát huy các dịch vụ cốt lõi, đã và đang tham gia mạnh mẽ chuỗi cung ứng ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) toàn cầu, với khát vọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên năng lượng mới.
Nhộn nhịp công trình điện gió ngoài khơi
Khu căn cứ chế tạo cảng PTSC (thành phố Vũng Tàu) hiện nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trên công trường rộng hơn 200 ha, hàng nghìn công nhân, kỹ sư đang hối hả làm việc; hàng trăm thiết bị, máy móc được vận hành liên tục; các nhà xưởng được sử dụng hết công suất. Ngoài bến, những chuyến tàu hàng cũng tấp nập cập cảng để kịp thời cung cấp vật tư, thiết bị cho đại công trường.
Toàn đội ngũ PTSC lúc này đều mang trong mình quyết tâm cao nhất: hoàn thành đúng tiến độ hàng loạt đơn hàng chế tạo chân đế và trạm biến áp điện gió ngoài khơi cho các chủ đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, đó là hợp đồng chế tạo 33 chân đế điện gió cho Dự án trang trại điện gió ngoài khơi CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc) với tổng công suất 920 MW, cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). PTSC cũng đã ký và đang thực hiện các hợp đồng thiết kế và chế tạo 9 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu (khu vực biển Baltic).
Có thể thấy, PTSC - được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, công nghiệp tại Việt Nam, là thương hiệu lớn trên thị trường dầu khí trong khu vực - đến nay đã chiếm được một vị thế, uy tín nhất định đối với các đối tác quốc tế trong thị trường NLTTNK.
Thương hiệu PTSC rạng danh qua các dự án xuất khẩu cơ khí dầu khí trong nhiều năm qua đã thu hút sự chú ý của các chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nước ngoài, bởi giữa dầu khí và điện gió ngoài khơi có rất nhiều điểm tương đồng, có thể bổ trợ cho nhau. Ngoài ra, là đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, PTSC đã đạt và duy trì hầu hết các chứng nhận cần thiết cho ngành dịch vụ dầu khí, kể cả NLTTNK, như ISO 3834 và EN 1090 là các chứng chỉ bắt buộc mà các chủ đầu tư NLTTNK lớn trên thế giới yêu cầu các đơn vị tham gia chế tạo các cấu kiện cho dự án phải có. Và sau nhiều chuyến thăm, làm việc, khảo sát thực tế tại căn cứ cảng PTSC Vũng Tàu, chứng kiến mặt bằng rộng lớn, nhà xưởng, cầu cảng được đầu tư mới hiện đại, trong đó có những trang thiết bị tiên tiến bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chủ đầu tư đã tin tưởng lựa chọn PTSC tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.
"Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, PTSC đang làm chủ một khâu rất khó và phức tạp trong thiết kế, chế tạo các thiết bị điện gió ngoài khơi mà trên thế giới không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực làm được. PTSC đã tìm tòi và tìm ra hướng đi có tính lịch sử trong phát triển điện gió ngoài khơi, đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong chuyển đổi khoa học công nghệ lĩnh vực NLTT."
Các dự án mà PTSC đang thực hiện kể trên có tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 1,5 tỉ USD. 100% được chế tạo tại Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài. Những dự án này đã tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn công nhân và kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc các ngành phụ trợ khác. Như Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhận định: Các doanh nghiệp sản xuất thép của tỉnh, nếu xác định chiến lược lâu dài, có hướng đầu tư công nghệ, nhà máy, dây chuyền sản xuất phù hợp để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu cung ứng cho các dự án như PTSC đang và sẽ triển khai, sẽ nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng vật tư, dịch vụ cho ngành NLTTNK, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cũng cho biết, với những thành công đã đạt được trong năm 2023, hiện tại PTSC đã có back-log (đơn hàng tồn đọng) bảo đảm công ăn việc làm đến năm 2027 và hiện đang tiếp tục đấu thầu, tìm kiếm việc làm cho giai đoạn 2027-2029. Những năm qua, PTSC đã mạnh mẽ đầu tư cho NLTTNK để nâng cao năng suất và trong năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp lại cơ sở hạ tầng, đầu tư mới trang thiết bị, đồng thời san lấp 28 ha khu vực bãi còn lại để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực NLTTNK.
Kiến nghị các cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù
Trong chuyến thăm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và PTSC vào đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vui mừng khẳng định: Bà Rịa - Vũng Tàu, mảnh đất gắn với sự phát triển rất đáng tự hào của ngành Dầu khí; tại đây PTSC là đơn vị trung tâm cung cấp các dịch vụ của dầu khí, với những công trình rất đồ sộ và rất phức tạp, là minh chứng rõ nét thể hiện ý chí, sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người lao động dầu khí.
PTSC khát vọng phát triển trong kỷ nguyên năng lượng mới
Công trường sản xuất chân đế dự án điện gió ngoài khơi của PTSC
Việc PTSC mạnh dạn bước chân vào trong lĩnh vực năng lượng mới, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, là rất đúng đắn; nhất là trong bối cảnh chung của thế giới đang có bước chuyển hóa nhằm thay thế nguồn nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải, hiệu ứng nhà kính..., PTSC đang làm chủ một khâu rất khó và phức tạp trong thiết kế, chế tạo các thiết bị điện gió ngoài khơi mà trên thế giới không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực làm được. PTSC đã tìm tòi và tìm ra hướng đi có tính lịch sử trong phát triển điện gió ngoài khơi, đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong chuyển đổi khoa học công nghệ lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT).
Đặc biệt, năm vừa qua, PTSC còn là doanh nghiệp được Chính phủ Singapore “chọn mặt gửi vàng” ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) nhằm phát triển dự án điện gió ngoài khơi 2.3 GW ở Việt Nam, xuất khẩu điện sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển.
Liên danh PTSC - Sembcorp đón nhận giấy phép khảo sát các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi
Đầu tháng 3-2024, đoàn công tác của Chính phủ Singapore đã có chuyến thăm và làm việc với PTSC về dự án này. PTSC và đối tác Sembcorp Ultilities (SCU) đã trao đổi về kế hoạch triển khai và đề xuất những cơ chế, chính sách thực hiện dự án. Hai bên cũng đã thống nhất đưa ra mục tiêu phát điện thương mại vào năm 2033, đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể từ khâu khảo sát, phương án đầu tư để sản xuất và xuất khẩu khoảng 1,2 GW điện sạch sang Singapore.
Việc triển khai dự án đầu tư và xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sạch sang Singapore đánh dấu bước phát triển mới của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cũng như PTSC trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới là NLTT, đồng thời hiện thực hóa bản ghi nhớ xây dựng đối tác kinh tế xanh - kinh tế số giữa Việt Nam và Singapore.
Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam đã được khẳng định, song đến nay việc tham gia phát triển các dự án điện gió ngoài khơi của các nhà đầu tư vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt do thiếu hành lang pháp lý, quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Mặt khác pháp luật về đầu tư cũng chưa quy định cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án loại này. Quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió cũng chưa có…
Để có một thị trường đồng bộ, hoàn chỉnh về sau, trước hết cần phải có ngay giải pháp. Và giải pháp là cần có phương án, dự án “thí điểm”. Với nhu cầu cần thiết phát triển điện gió ngoài khơi, NLTT trong khi chưa kịp xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách ổn định, lâu dài, Chính phủ cần có các văn bản, cơ chế, đề án cho phép Petrovietnam, PTSC và các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện… áp dụng triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi theo cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù.
Đoàn công tác Chính phủ Singapore thăm và làm việc với PTSC về dự án xuất khẩu NLTT
“Việt Nam cần nhanh chóng lựa chọn các nhà đầu tư, có các định chế đặc cách, đặc biệt, sau đó là hoạch định chính sách, kết nối, khởi tạo chuỗi cung ứng”, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường nhận định. Bên cạnh đó, PTSC cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho PTSC và các đơn vị hình thành trung tâm NLTT tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như tạo cơ chế tín chỉ carbon để PTSC và các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, PTSC và Petrovietnam, trước mắt xây dựng một lịch trình, phương án rõ ràng để triển khai nhanh chóng, thông suốt đối với dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Singapore để Chính phủ xem xét, quyết định. Ngoài ra, đề xuất xây dựng một trung tâm NLTT tại Bà Rịa Vũng Tàu cũng sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành, các tập đoàn và tỉnh ủng hộ khi đề án được xây dựng khoa học, có lộ trình rõ ràng.
“Trong thời gian tới, Petrovietnam cần có những chiến lược và sự thay đổi để phát triển hơn, dù chặng đường sắp tới còn có nhiều khó khăn. Chính phủ sẽ lắng nghe và xây dựng lộ trình để phát huy vai trò của Petrovietnam đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo Tạp chí Petrotimes.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151