Công nhân Điện lực Đồng Nai kiểm tra hệ thống lưới điện. Ảnh: PC Đồng NaiTrước thực tế này, UBND tỉnh, Sở Công thương, ngành điện đều có khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, nhất là các khung giờ cao điểm để hạn chế sự cố.
Liên tục lập đỉnh mới
Năm 2024, nắng nóng đến sớm và sản xuất công nghiệp phục hồi nên ngay từ đầu năm, lượng tiêu thụ điện của Đồng Nai đã đạt mức cao. Thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), trong 3 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ điện toàn tỉnh là 3,2 tỷ kWh, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng điện sinh hoạt tăng 18,6%, là mức tăng cao nhất trong 5 nhóm thành phần sử dụng điện.
Bước vào tháng cao điểm nắng nóng, việc sử dụng điện sinh hoạt lại lập đỉnh mới. Ghi nhận của PC Đồng Nai, trong tháng 4-2024, sản lượng điện sinh hoạt tăng hơn 53 triệu kWh so với tháng 3-2024, tăng 60 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2023. Đỉnh điểm là ngày 25-4, sản lượng điện nhận lưới vượt mốc 51 triệu kWh/ngày (bình quân khoảng 47-48 triệu kWh/ngày), là kỷ lục mới của hệ thống điện.
Mặc dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao song cung ứng điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đảm bảo cho các hoạt động an ninh, quốc phòng, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Đầu tháng 5-2024, thời tiết bắt đầu chuyển mùa, xuất hiện các cơn mưa giúp tình trạng nắng nóng giảm. Tuy nhiên, sau đó nền nhiệt độ vẫn ở mức cao, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt vẫn nhiều nên rất cần người dân cùng tham gia tiết kiệm điện.
Đại diện PC Đồng Nai cho biết, để đảm bảo cung ứng điện an toàn trong cao điểm nắng nóng này, ngay từ đầu năm, công ty đã xây dựng phương án cung cấp điện dựa trên kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 27-12-2023 của UBND tỉnh về cung cấp điện năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong phương án này, công ty tập trung cải tạo hệ thống điện, rà soát tình trạng vận hành của các đường dây, trạm biến áp phân phối, trong đó chú trọng đến các trạm biến áp phục vụ tưới nước trong sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt khu vực dân cư.
Bên cạnh đó, công ty chỉ đạo các điện lực trực thuộc tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện đến khách hàng. Phối hợp với Sở Công thương và phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố kiểm tra việc thực hiện tiết kiệm điện chiếu sáng, quảng cáo. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị dự phòng, tăng cường nguồn nhân lực để tiếp nhận và sửa chữa ngay các sự cố về điện.
Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng (Sở Công thương) Trần Minh Đạt cho rằng, nguồn điện cung ứng cho tỉnh là không thiếu. Tuy nhiên, do một số công trình hạ tầng lưới và trạm biến áp chậm hoàn thành, đưa vào sử dụng nên có khu vực xảy ra quá tải, thiếu điện cục bộ, nguy cơ dẫn đến mất an toàn điện.
Sử dụng điện hợp lý giờ cao điểm
Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt gia tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cung ứng điện cả nước đang căng thẳng, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh phần lớn đã đầy, thậm chí quá tải, việc triển khai xây dựng công trình lưới điện mới còn nhiều vướng mắc thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp để có đủ điện, tiết kiệm chi phí tiền điện.
Liên quan đến sử dụng điện, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, công văn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với tất cả các thành phần sử dụng điện.
Riêng với nhóm khách hàng dùng điện sinh hoạt, các văn bản yêu cầu hộ gia đình tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, chế độ làm lạnh từ 260C trở lên; mua sắm các thiết bị điện hiệu suất cao, có dán nhãn năng lượng; hạn chế sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị điện để giảm tiêu hao điện, nâng cao tuổi thọ.
Ông Cao Quang Quỳnh, thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi làm việc với UBND tỉnh cho rằng, những tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện toàn quốc cũng như miền Nam đã vượt con số dự báo của Bộ Công thương và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Dự báo từ nay đến tháng 6, tháng 7, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục gia tăng.
Mặc dù Chính phủ, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ sớm; EVN cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án và làm việc với các địa phương về tiết kiệm điện nhưng sản lượng tiêu thụ điện liên tục tăng cao đã tạo áp lực lớn với ngành. Ông Quỳnh đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn về tiết kiệm điện nhằm góp phần bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho tỉnh.
Cũng theo đại diện EVN, năm 2024, cung ứng điện cho Đồng Nai và miền Nam được đảm bảo. Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi sẽ rất khó khăn vì nhu cầu tăng cao, các công trình nguồn điện lớn đưa vào vận hành không nhiều. Trong khi đó, công trình năng lượng theo Quy hoạch điện 8 để triển khai được cũng mất 2-3 năm nên sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý là giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài.