Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 16/05/2024 | 11:57 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Quy hoạch điện 8: Cần nguồn vốn lớn để phát triển năng lượng xanh

25/07/2023
Theo chuyên gia, để các nguồn điện xanh có thể được tích hợp dễ dàng vào hệ thống, nhất thiết phải tiếp tục mở rộng hơn nữa hệ thống điện truyền tải và tăng cường tính linh hoạt của lưới điện trong những năm tiếp theo. Trước yêu cầu thách thức này, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia lần thứ 8 (QHĐ8) dự kiến cần huy động 15 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Điện năng lượng mặt trời đầy tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam Ảnh: TL
Mở rộng quy mô năng lượng tái tạo
Chia sẻ với phóng viên, ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng (GIZ Việt Nam) cho biết, QHĐ8 được xem là một khung pháp lý toàn diện với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế độc lập và tự chủ, nâng cao phúc lợi của người dân và đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Quy hoạch này đặt ra một tiêu chuẩn cao cho các giai đoạn sắp tới của quá trình chuyển dịch năng lượng thông qua việc đặt ưu tiên vào an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất. Đây là điều kiện tiên quyết phù hợp để đảm bảo phổ cập tiếp cận điện năng nhằm hỗ trợ tăng trưởng công bằng và toàn diện. Với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến của Việt Nam đến năm 2030 là 7%, QHĐ8 dự báo hệ số nhu cầu điện năng là 1,3, chiếm tỷ trọng cao hơn so với những năm gần đây.
Theo ông Philipp Munzinger, Việt Nam đã có bước đột phá về tăng trưởng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, qua đó khẳng định vị trí là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng năng lượng sạch trong số các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổng cộng công suất phát điện từ năng lượng mặt trời (21%) và năng lượng gió (5%), cùng với thủy điện (30%) chiếm tới hơn một nửa tổng công suất lắp đặt nguồn điện của quốc gia.
Hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia lần thứ 8 đã được thông qua vào tháng 5 năm nay tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây được xem là một quyết định rất quan trọng với Việt Nam trong lộ trình hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, ngành Điện gánh vác trách nhiệm loại bỏ khoảng 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.
QHĐ8 thiết lập các mục tiêu tiếp tục mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, bao gồm việc tăng mạnh công suất điện gió trên bờ từ 4,5 GW lên hơn 21 GW vào năm 2030. Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, QHĐ8 đặt mục tiêu đạt công suất 6 GW vào năm 2030, từ 70-91 GW vào năm 2050. Đối với ngành than, QHĐ8 đặt mục tiêu điện than sẽ đạt công suất đỉnh 30.127 GW vào năm 2030. Sau năm 2030, trọng tâm chuyển sang các giải pháp chuyển đổi nhiên liệu để giảm phát thải các-bon cho các nhà máy điện than còn đang vận hành, trong đó cân nhắc các lựa chọn như sinh khối hoặc amoniac xanh.
Để có thể đạt được một nền kinh tế trung hòa các-bon, ngành Điện đang phải đối mặt với thách thức kép. Với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 7%, bên cạnh những áp lực phải thay thế nguồn điện từ than và khí bằng điện mặt trời và điện gió thì giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050, điện tái tạo cũng cần được tiếp tục phát triển để giảm phát thải các-bon trong lĩnh vực giao thông vận tải thông qua điện khí hóa xanh.
Tận dụng hiệu quả nguồn vốn cho năng lượng xanh
QHĐ8 cũng thể hiện quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) - trị giá 15,7 tỷ USD giữa nhóm các nước thuộc khối G7 và Việt Nam - là một cơ chế trọng tâm để nâng cao mức độ tham vọng, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng của đất nước với các mục tiêu tới năm 2030. QHĐ8 đặt ra mục tiêu đạt đỉnh công suất điện than vào năm 2030, phù hợp với định hướng của JETP.
Việt Nam đã có bước đột phá về tăng trưởng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021, qua đó khẳng định vị trí là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng năng lượng sạch. Ông Philipp Munzinger Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng
Tuy nhiên, trọng tâm của JETP sẽ là gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và giảm mức phát thải đỉnh của ngành than với các mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 là tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ đạt 47% và phát thải đỉnh của ngành than sẽ giảm xuống còn 170 triệu tấn khí thải CO2. Hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ quốc tế cho các mục tiêu này, bao gồm các khoản vay nợ công ưu đãi, đầu tư tư nhân và hỗ trợ kỹ thuật, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực triển khai thực hiện của các đối tác quốc tế, cũng như sự sẵn sàng và khả năng của Chính phủ trong sử dụng và thực hiện một cách hiệu quả các cam kết tương ứng với các đối tác này về các nội dung vượt trên phạm vi của QHĐ8.Thông tin với phóng viên, ông Philipp cho biết, nhóm các quốc gia JETP hỗ trợ cho Việt Nam đang xây dựng danh mục dự án ưu tiên để kích hoạt chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam. Trong đó có điện gió ngoài khơi, phát triển và mở rộng lưới điện, đầu tư vào hệ thống lưu trữ, tích trữ năng lượng... Đây là những lĩnh vực mà JETP có thể đóng góp bổ sung cho nội dung QHĐ8 chưa được đề cập sâu đến.
Theo ông Philipp, để tận dụng hiệu quả quan hệ, cần sự nỗ lực của cả 2 phía. Một mặt, phía G7 cần đảm bảo thực hiện cam kết cung cấp nguồn hỗ trợ 15,7 tỷ USD từ cả khoản vay công cũng như khối tư nhân cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải có sự sẵn sàng cho khả năng tiếp nhận đầy đủ nguồn hỗ trợ này kể cả về mặt kỹ thuật và mặt tài chính, làm thế nào để có thể tận dụng được tối ưu nhất sự hỗ trợ từ nhóm G7 thông qua cơ chế này. Đồng thời, chuyển dịch năng lượng công bằng là một quá trình dài hạn, cần có sự hỗ trợ cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đã tham gia quá trình chuyển dịch năng lượng hỗ trợ các quốc gia mới bắt đầu.
“JETP với số tiền cam kết hỗ trợ 15,7 tỷ USD cũng chỉ là một bước khởi động để Việt Nam có thể thúc đẩy giai đoạn ban đầu của quá trình chuyển dịch. Trong thời gian tiếp sau đó, chắc chắn sẽ phải có các nguồn khác bổ sung và nhiều khoản đầu tư khác từ các bên liên quan để quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng thành hiện thực”- ông Philipp Munzinger nhấn mạnh.
Thiết lập các mục tiêu hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực
Việc mở rộng chuỗi giá trị nội địa trong các công nghệ chuyển dịch năng lượng mang đến cơ hội đầy hứa hẹn cho các ngành sản xuất trong nước đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Để hiện thực hóa nội dung này, QHĐ8 đề xuất thành lập hai trung tâm liên vùng tập trung vào hoạt động sản xuất thiết bị cho các công trình, dự án năng lượng tái tạo và cung cấp các dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, ý tưởng phát triển các hệ sinh thái công nghiệp về năng lượng tái tạo ở ba miền Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ cũng đang được cân nhắc. Phương pháp tiếp cận chiến lược này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất xanh đang ngày càng trở nên thông dụng hơn và duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Các chuyên gia của GIZ cho rằng, nâng cao hiệu quả sử dụng điện sẽ là một yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam. Theo ông Philipp Munzinger, cần bổ sung những can thiệp cầu vào trong các giải pháp nâng cao hiệu quả hệ thống điện để phù hợp với tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu về cường độ năng lượng. Thiết lập các mục tiêu hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực khác nhau, phù hợp với các biện pháp tiết kiệm được nêu trong QHĐ8, sẽ có những đóng góp to lớn cho quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế dựa trên năng lượng sạch.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Cùng chuyên mục

Điện mặt trời Ấn Độ tăng trưởng công suất

16/05/2024

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã có bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời nhờ vào ứng dụng các tiến bộ về công nghệ sản xuất tấm pin. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng về số lượng, quy mô và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151