Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 11/10/2024 | 19:10 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Kinh nghiệm quốc tế và chính sách tài chính cho thị trường các-bon

03/08/2023
Thị trường các-bon cũng như chính sách tài chính cho thị trường này là các nội dung mới đối với Việt Nam. Tại Việt Nam, Chính phủ đang gấp rút cho việc thí điểm thị trường các-bon vào năm 2025, trong đó bao gồm cả việc xây dựng chính sách tài chính đảm bảo cho việc vận hành của thị trường. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách tài chính cho thị trường các-bon, đặc biệt là từ nhóm nước đã vận hành ổn định thị trường này, để áp dụng phù hợp và hiệu quả vào bối cảnh của mình.
Thị trường mua bán phát thải được kỳ vọng sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: TL
Kinh nghiệm từ các nước châu Âu
Chính sách tài chính cho thị trường các-bon là tổng thể các giải pháp và công cụ mà nhà nước sử dụng để tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính có hiệu quả nhằm thiết lập, ổn định và phát triển thị trường các-bon. Trước tiên phải bàn đến chính sách giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon.
Hiện nay, hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon được phân loại là công cụ tài chính tại Anh và EU, theo đó việc giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tại Anh và EU cũng như các đối tượng giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đều được quản lý theo các quy tắc của thị trường tài chính và các pháp luật có liên quan khác, như chống gian lận và minh bạch thị trường. Quy định này là cần thiết để ngăn chặn các rủi ro về thao túng, giao dịch nội gián, thông tin sai lệch, tin đồn,…
Qua đó, đảm bảo việc giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tại Anh và EU thông suốt, an toàn, minh bạch và hiệu quả, nâng cao niềm tin của các chủ thể vào thị trường các-bon. Đồng thời, do hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon được phân loại là công cụ tài chính tại Anh và EU, các công cụ, sản phẩm đòn bẩy từ các ngân hàng thương mại cho hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon cũng được cung cấp như đối với các sản phẩm tài chính khác để giúp nhà đầu tư, đầu cơ nâng cao hiệu suất đầu tư hoặc đầu cơ của mình.
Các quy định về vay mượn, gửi ngân hàng tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải cũng đã được Anh và EU quy định cụ thể với thời hạn 1 năm, tuy nhiên không được chồng chéo giữa các giai đoạn.
Vấn đề thứ hai là chính sách thuế đối với giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon. Tham khảo từ quốc tế có thể thấy, giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon tại Anh và EU đều thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất phổ thông, thông thường.
Nguyên tắc xác định lợi nhuận (hoặc lỗ) từ giao dịch tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải tại Anh và EU là như nhau, đều lấy doanh thu bán tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải trừ chi phí mua tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải.
Cuối cùng là chính sách sử dụng số tiền thu được từ thị trường các-bon. Việc phân bổ nguồn thu từ đấu giá hạn ngạch phát thải, số tiền thu được từ thuế và phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon có thể được nhập vào ngân sách hoặc đưa vào quỹ riêng tách bạch với ngân sách cho các mục tiêu cụ thể được áp dụng một cách linh hoạt trong từng nước tại Liên minh châu Âu. Việc tách bạch với ngân sách có thể giúp cho dòng tiền được chi đúng mục đích, thay vì chi cho các kế hoạch ngân sách nói chung.
Đảm bảo tính minh bạch, an toàn và liên tục
Chính sách tài chính có vai trò quan trọng để đảm bảo thị trường các-bon tại Việt Nam vận hành ổn định, là nền tảng để Chính phủ triển khai thí điểm thị trường các-bon tại Việt Nam từ năm 2025. Việc quy định rõ ràng và chi tiết về các loại giao dịch, công cụ và quy tắc thị trường tài chính giúp đảm bảo tính minh bạch, an toàn và liên tục của thị trường các-bon.
Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về thị trường các-bon
“Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Các công cụ phái sinh được quy định bởi các quy tắc thị trường tài chính của EU, như các công cụ tài chính II (MiFID II), giúp tạo ra một thị trường minh bạch và bảo vệ người tham gia. Các chính sách thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động giao dịch tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải cần được quy định rõ ràng, công bằng và đáng tin cậy.
Việt Nam có thể nghiên cứu một chính sách linh hoạt và đa dạng về sử dụng số tiền thu được từ thị trường các-bon. Việc sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào các lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn rừng, thu giữ và lưu trữ các-bon, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và phát thải thấp, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch và hiệu quả năng lượng là xu thế chủ đạo tại Anh và EU.
Như vậy, thông qua việc quy định rõ ràng và chi tiết về giao dịch tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải cũng như áp dụng chính sách thuế hợp lý, sử dụng số tiền thu được một cách linh hoạt, thị trường các-bon của EU đã đạt được tính minh bạch, an toàn và hiệu quả.
Những bài học này có thể được áp dụng để xây dựng chính sách tài chính cho thị trường các-bon tại Việt Nam.
Chính sách sử dụng số tiền thu được từ thị trường các-bon tại một số quốc gia
Theo báo cáo của liên minh châu Âu, năm 2017, khoảng 82% số tiền thu được từ thị trường các-bon được dành cho ngành môi trường và năng lượng (European Commission, 2017)
Đức là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu thiết lập một ngân sách đầy đủ dành riêng cho các khoản thu ETS (hệ thống mua bán/giao dịch phát thải) của mình để tài trợ khí hậu quốc gia và quốc tế. Năm 2010, chính phủ Đức đã thành lập Quỹ Khí hậu và năng lượng đặc biệt (EKF), đây là một cấu trúc ngân sách riêng biệt.
Kể từ năm 2012, gần như tất cả doanh thu của EU ETS (bao gồm cả doanh thu của EU ETS từ lĩnh vực hàng không) đều nộp vào EKF. Trên cơ sở riêng biệt đó, sự theo dõi và đánh giá hiệu quả đầu tư từ doanh thu đấu giá hạn ngạch phát thải, số tiền thu được từ thuế và phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon trở nên đơn giản hơn.
Tại Ba Lan, Bộ Kinh tế ủng hộ ý tưởng phân bổ doanh thu của EU ETS cho một quỹ đặc biệt và xác định việc sử dụng chúng trong cả giai đoạn thứ ba (2013-2020).
Phần Lan có một quỹ riêng cho doanh thu ETS của EU không được ủng hộ ở Phần Lan vì nó là quỹ ngoài ngân sách được cho là thiếu minh bạch và không hiệu quả. Các quỹ ngoài ngân sách cũng được coi là làm suy yếu quyền lực ngân sách của đất nước.
Ở Romania, doanh thu từ bán hạn ngạch phát thải, số tiền thu được từ thuế và phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon sẽ được phân bổ 29% vào ngân sách và 71% vào các dự án do các bộ khác nhau đệ trình (và được phê duyệt bởi Tổng cục Môi trường Quốc gia). Các dự án này có mục tiêu gắn chặt với Chỉ thị chung của EU về ETS năm 2003.
Với Cộng hòa Séc, ngoài 50% doanh thu từ bán đấu giá hạn ngạch phát thải, số tiền thu được từ thuế và phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon được phân bổ cho các nhiệm vụ chi chung của ngân sách nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, 60% của 50% còn lại được phân bổ cho Quỹ Môi trường Quốc gia (SEP) và 40% được phân bổ cho Bộ Công thương.
Đặc biệt, tại Anh, doanh thu từ đấu giá hạn ngạch phát thải, số tiền thu được từ thuế và phí giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon được chi không hạn chế cho mục tiêu khí hậu và năng lượng (Ieta, 2022), đồng thời các khoản thuế đều được Kho bạc Anh giữ lại. Riêng năm 2016, 2017, Kho bạc Anh đã thu 1 tỷ bảng Anh.
Theo Thời báo Tài Chính

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151