Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 15/05/2024 | 06:49 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Nhiều dư địa phát triển với doanh nghiệp điện

09/08/2023
Việc phát triển mở rộng nguồn sẽ phân hóa lớn khi điện than và thủy điện gần như không còn dư địa để tăng trưởng thì điện khí, điện mặt trời và điện gió sẽ đóng vai trò trọng yếu trong quá trình này.
Nhiều nhà dân tại xã Ia Le cách trụ điện gió chỉ vài chục mét. Ảnh: TTXVN phát
Giới phân tích cho biết, Việt Nam có ngành điện giàu tiềm năng khi nhu cầu điện tăng trưởng rất nhanh chóng qua nhiều năm và sẽ còn tiếp tục duy trì trong thập kỷ tới khi đất nước từng bước trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Tiềm năng này đặt ra nhiều dư địa và cơ hội để phát triển hệ thống điện.
Việc phát triển mở rộng nguồn sẽ phân hóa lớn khi điện than và thủy điện gần như không còn dư địa để tăng trưởng thì điện khí, điện mặt trời và điện gió sẽ đóng vai trò trọng yếu trong quá trình này. Tuy nhiên, việc đầu tư vào điện mặt trời và điện gió có thể sẽ chững lại trong vài năm tới nếu không có chính sách hỗ trợ, cũng như hạ tầng thiết yếu (lưu trữ, truyền tải…) được đầu tư đồng bộ
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), hai thập kỷ vừa qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Việt Nam qua con số tăng trưởng GDP ấn tượng, lên đến trung bình 13%/năm và năng lượng là nhân tố thiết yếu nhất để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền bỉ suốt thời gian qua.
Qua dự báo của các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Fitch Solutions…., nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam cũng bùng nổ nhanh chóng và gần như tăng song song với nền kinh tế. Nhu cầu điện ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng nhanh khi tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng (6 - 8%/năm) trong thời gian tới.
Ngoài ra, dòng vốn FDI mạnh mẽ từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng là yếu tố then chốt hỗ trợ cho tiềm năng kinh tế cũng như tiềm năng ngành năng lượng Việt Nam.
Giới phân tích cho biết, con số FDI gắn liền với sự mở rộng của nền kinh tế Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và xu thế tăng mức cao trong thời gian tới chắc chắn sẽ giúp ngành điện hưởng lợi lớn, khi mà phần lớn vốn đăng ký (gần 60% trên vốn lũy kế) là liên quan đến lĩnh vực sản xuất, gia công chế biến.
Một dự án điện mặt trời ở Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN
Cũng trong 2 thập kỷ qua, sản lượng điện của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc (hơn 11%/năm) để đảm bảo cho mức tiêu tụ điện cần thiết. Nhưng từ năm 2019 đến nay đã có một sự chuyển dịch lớn diễn ra trong cơ cấu sản lượng, theo đó sản lượng từ điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy điện) đã gia tăng tỷ trọng nhanh chóng và đã đạt đến hơn 48% trong năm 2022.
Đóng vai trò lớn trong sự chuyển dịch này là điện mặt trời và điện gió, do được đầu tư ồ ạt nhờ chính sách giá ưu đãi (giá FIT) hấp dẫn (đã hết hạn từ cuối năm 2021). Sự phát triển của năng lượng tái tạo sạch thậm chí còn bù đắp được cho sự sụt giảm về sản lượng của điện than trong thời gian gần đây, cho thấy cam kết cắt giảm phát thải của Việt Nam đang được thực hiện một cách quyết liệt.
Bằng chính sách ưu đãi và khuyến khích, đặc biệt là về giá, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc đưa đất nước lên vị thế hàng đầu trong khu vực về tỷ trọng năng lượng sạch, vượt xa nhiều quốc gia vốn đã có thế mạnh trong lĩnh vực này như Trung Quốc, Australia, Thái Lan… .
Dư địa để phát triển thủy điện không còn nhiều, điện mặt trời và điện gió chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng nhanh chóng và đồng thời cũng hướng tới mục tiêu zero-carbon trong các thập kỷ tới, chuyên gia từ PHS nhận định.
Theo PHS, tỷ trọng lớn cũng đồng nghĩa là Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều vào năng lượng tái tạo để đảm bảo nền công nghiệp đang lớn lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã trải qua tình trạng thiếu điện trên diện rộng xảy ra chủ yếu ở miền Bắc, nơi diễn ra hoạt động công nghiệp sôi động. Tình trạng này do các hồ thủy điện lớn đều thiếu nước vì tác động của El Nino, dẫn đến sự gián đoạn của hàng loạt nhà máy thủy điện trọng yếu như Lai Châu, Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La… .
Điều tích cực là điện khí cũng đã được định hướng phát triển mạnh mẽ cho đến năm 2030, cùng với điện tái tạo để nhanh chóng giảm phát thải và giúp củng cố an ninh năng lượng. Hướng phát triển này đã được khắc họa rõ nét qua Quy hoạch điện VIII, văn bản định hướng phát triển quan trọng bậc nhất của ngành điện Việt Nam trong thập kỷ tới.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050.
Giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD. Có thể thấy Quy hoạch điện VIII đặc biệt chú trọng đến phát triển mở rộng công suất lắp đặt điện gió và điện khí trong giai đoạn từ nay đến năm 2030; trong đó, gió được xem là nguồn tài nguyên dồi dào nhờ Việt Nam có tiềm năng tự nhiên thuận lợi về sức gió với đường bờ biển dài, còn điện khí được xác định là bước trung gian quan trọng để nhanh chóng giảm phát thải carbon và là nguồn điện chạy nền để đảm bảo an ninh năng lượng.
Việt Nam có tiềm năng tự nhiên thuận lợi về sức gió với bờ biển dài 3.000 km, tốc độ gió từ 5,5m/giây đến hơn 10m/giây. Công suất điện gió đã lắp đặt của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với công suất tiềm năng, cho thấy không gian vô hạn để khai thác nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả năng lượng gió ở Việt Nam, lĩnh vực điện gió đòi hỏi nhiều điều kiện cần và đủ liên quan đến ưu đãi, truyền tải và lưu trữ, nhưng đây là những điều khó hiện thực hóa trong ngắn và trung hạn, PHS nhìn nhận.
Qua thống kê thực tế, có thể thấy chuyển dịch từ điện than sang điện khí có thể giúp giảm ngay lập tức mức phát thải nhà kính đến hơn một nửa. Dù không loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm nhưng đây được xem là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả khi mà chi phí đầu tư năng lượng tái tạo vẫn ở mức cao. Hơn nữa, điện khí sẽ là nguồn điện duy nhất thay thế điện than trong vai trò chạy nền, giúp nguồn cung điện trở nên ổn định và tin cậy trong 1 thập kỷ tới, PHS nhận định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn khí nội địa do trữ lượng các mỏ khí hiện tại đang giảm với tốc độ đáng báo động. Giải pháp được đưa ra trong thời gian tới là phát triển các mỏ khí mới ở ngoài khơi thềm lục địa, điển hình là Lô B – Ô Môn và Cá Voi Xanh. Ngoài ra, nhập khẩu LNG cũng là hướng đi mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian gần đây.
Những giải pháp này có thể tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu chính, nhưng đều là những giải pháp tốn kém, có thể đẩy giá thành điện khí lên cao và làm mất đi sức cạnh tranh so với điện than (dù sạch hơn).
Điện mặt trời và điện gió tuy có sự phát triển bùng nổ, nhưng sự phân bổ và quy hoạch lại không đồng đều, khi phần lớn dự án điện mặt trời và điện gió đều tập trung ở miền Nam, nơi có nền nhiệt cao, nhiều ngày nắng, và sức gió lớn hơn hẳn miền Bắc.
Ngoài ra, trong các năm qua, hệ thống truyền tải điện không phát triển theo kịp với tốc độ mở rộng công suất của điện tái tạo. Hệ lụy là gây quá tải lưới điện cục bộ cả theo vị trí địa lý và theo thời điểm, dẫn đến không hấp thụ hết và lãng phí trong khi miền Bắc có thể xảy ra thiếu điện nghiêm trọng khi phụ thuộc hoàn toàn vào 2 nguồn điện chính là thủy điện và nhiệt điện (chủ yếu là nhiệt điện than).
Thủy điện bị ảnh hưởng nặng nề khi các hồ chứa cạn nước vì El Nino, trong khi thủy điện chiếm gần 1/3 tổng công suất lắp đặt và tổng sản lượng điện, do đó thủy điện bị thiệt hại nặng nề, nhưng sẽ là cơ hội cho các nguồn điện khác (như nhiệt điện), nhờ được tăng cường huy động và giá điện tăng cao trên thị trường cạnh tranh. Đây là cơ hội đặc biệt để các doanh nghiệp nhiệt điện có thể ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2023, PHS dự báo.
Tuy nhiên, về dài hạn, điện than gần như không còn dư địa tăng trưởng vì sẽ không có dự án mới (ngoài Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt. Trong khi đó, điện khí sẽ được đầu tư mở rộng mạnh mẽ và đóng vai trò trung gian trong quá trình cắt giảm phát thải Carbon.
Thực tế, dù dư địa tăng trưởng lớn, nhưng kết quả kinh doanh quý II/2023 của doanh nghiệp đã phản ánh khá rõ về “bức tranh” ngành điện hiện tại không quá khả quan.
Hầu hết các doanh nghiệp thủy điện trong quý II/2023 tiếp tục tăng trưởng âm do điều kiện thủy văn không thuận lợi. Nhóm nhiệt điện dù được dự báo sẽ bù đắp những thiếu hụt của nhóm thủy điện nhưng kết quả kinh doanh lại không quá khả quan.
Có thể kể đến Công ty cổ phần Thủy điện Bắc Hà (mã chứng khoán: BHA), lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 94,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,2 tỷ đồng. Hay Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 2 (mã chứng khoán ND2) cũng có lợi nhuận sau thuế giảm 75,4% l so với quý II năm ngoái, xuống còn 18,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Bắc Minh (SBM) có lợi nhuận sau thuế quý II/2023 sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 15 tỷ đồng.
Với nhiệt điện, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) công bố lợi nhuận sau thuế quý II/2023 tăng 146% so với cùng kỳ năm ngoái lên 167 tỷ đồng. Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã chứng khoán: BTP) cũng ghi nhận lãi sau thuế quý II/2023 là 42,3 tỷ đồng, gấp 7,1 lần cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) lại báo quý II/2023 chỉ lãi 181 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Đồng cảnh ngộ, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP) lãi sau thuế 248 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm nhẹ so với quý II/2022./.
Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Điện lực Hưng Yên đẩy mạnh chuyển đổi số

15/05/2024

Thời gian qua, Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực; đặt mục tiêu hoàn thành tốt chuyển đổi.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151