Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 13/05/2024 | 16:03 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Bảo đảm nguồn cung những mặt hàng nhà nước quản lý giá

25/08/2023
Các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho bảo đảm nguồn cung năng lượng, trong đó có những mặt hàng nhà nước quản lý giá.

Hiện Nhà nước quản lý giá các loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật giá 2012, bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Bộ Công Thương là cơ quan ban hành chính sách, quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng, do đó, công tác quản lý nhà nước đối điện và xăng dầu thuộc các ngành, lĩnh vực phụ trách của ngành Công Thương.
Năm 2023 này, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ucraina và các vòng trừng phạt của Phương Tây với LB Nga khiến cho bảo đảm nguồn cung năng lượng ở mỗi quốc gia trở thành câu chuyện “nóng”.
Tầm quan trọng của quy hoạch
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và phát triển KT - XH và thực hiện công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh điện. Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023), mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng theo hướng bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế, như xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Tiếp đó, lần lượt 3 quy hoạch trong năng lượng và khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4 quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trên thực tế, thời gian qua, khi chưa có quy hoạch, một số dự án bị chậm so với kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng gặp nhiều thách thức. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng chưa cao, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Ý thức được tầm quan trọng của quy hoạch trong phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ, Bộ Công Thương đã đặt vấn đề quy hoạch phải đi trước một bước để mở ra một không gian phát triển mới, tạo hành lang vững chắc cho phân bổ và huy động nguồn lực toàn xã hội.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đặt tiến độ xây dựng quy hoạch theo từng tuần, từng tháng, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong tham gia ý kiến xây dựng quy hoạch, các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới đưa nền kinh tế trở nên năng động hơn, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ và huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; thu hút đầu tư, tạo ra những cực tăng trưởng, liên kết vùng, giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Điển hình trong Quy hoạch điện VIII đã đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Trước nay, quy định về đầu tư truyền tải do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm. Với cơ chế mới theo Quy hoạch điện 8, chúng ta sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho phép các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng truyền tải đối với các dự án nguồn điện, cụm nguồn điện. Chỉ với hệ thống truyền tải điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, nhà nước mới độc quyền trong đầu tư và quản lý vận hành
Đối với công tác điều hành giá điện, Bộ đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 đã điều chỉnh tăng ở mức 3% từ ngày 04 tháng 5 năm 2023); Ban hành quy định về giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện (Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 04/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)...
Công tác thị trường điện tiếp tục được đẩy mạnh, vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện đã từng bước được nâng cao, với sự tham gia cạnh tranh của 108 nhà máy điện với tổng công suất 30.768 MW và 06 đơn vị mua điện. Việc vận hành thị trường điện đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện, tăng cường tính chủ động của các nhà máy điện trong công tác vận hành, đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong lĩnh vực nhiệt điện và điện hạt nhân, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án Thái Bình 2, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Nhơn Trạch 3, 4 và chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẩn trương hoàn thành để đưa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động, góp phần bảo đảm kịp thời cung ứng điện cho miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung trong mùa khô năm 2023 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhiệt điện: Quảng Trạch 1, Ô Môn 2, 3, 4, Nhơn Trạch 3, 4, Hiệp Phước, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Anh Khánh - Bắc Giang, LNG Long An 1 và 2, LNG Quảng Ninh... thực hiện dự án và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Trong lĩnh vực thủy điện, tiếp tục tập trung công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án/công trình thủy điện. Công tác quản lý chuyên môn về xây dựng đối với công trình, dự án trong lĩnh vực lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối và điện nông thôn được tích cực triển khai.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 8544/CĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2022 gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
 Nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức thấp do liên tục chi Quỹ, Bộ Tài chính đã rà soát và trình các cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định (ngày 30/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn).
Các quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản là một trong những công cụ để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho bảo đảm nguồn cung năng lượng, trong đó có những mặt hàng nhà nước quản lý giá.
Theo Báo Công Thương  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151