Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 17/05/2024 | 05:30 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Tập đoàn năng lượng quốc tế dự định đầu tư 7,7 tỷ USD vào Ai Cập

08/09/2023
Eni và các đối tác sẽ tài trợ cho các khoản đầu tư lớn kể trên vào Ai Cập, nhằm góp phần hiện thực hóa tham vọng của Cairo trở thành một trung tâm cung cấp năng lượng khu vực.
Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy, Claudio Descalzi vừa công bố ý định đầu tư 7,7 tỷ USD vào Ai Cập trong 4 năm tới, để phát triển các hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí tại quốc gia Bắc Phi này.
Phát biểu của ông Descalzi được đưa ra trong cuộc gặp mặt Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tại thủ đô Cairo, với sự tham dự của Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Tarek El-Molla.
Ông Desclazi cho biết thêm Eni và các đối tác sẽ tài trợ cho các khoản đầu tư lớn kể trên vào Ai Cập, nhằm góp phần hiện thực hóa tham vọng của Cairo trở thành một trung tâm cung cấp năng lượng khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập El-Sisi bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Ai Cập và tập đoàn Eni trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và sản xuất dầu khí nhằm tận dụng các nguồn tài nguyên của Ai Cập trong lĩnh vực năng lượng.
Eni là công ty năng lượng đa quốc gia của Italy hoạt động tại Ai Cập từ năm 1954, đã được trao quyền thăm dò ở các khu vực Bắc Rafah, Bắc El-Fayrouz, Đông Bắc El-Arish, Tiba và Bellatrix-Seti East. Công ty này hiện là nhà sản xuất dầu khí hàng đầu tại Ai Cập với sản lượng tương đương khoảng 350.000 thùng dầu mỗi ngày.
Phát hiện đáng chú ý nhất của Eni ở Ai Cập là mỏ khí đốt Zohr hồi năm 2015, cho phép quốc gia Bắc Phi này đạt được khả năng tự cung tự cấp khí đốt từ năm 2018 và hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng năng lượng này.
Tuần trước, Chính phủ Ai Cập đã công bố kế hoạch khoan 45 giếng khí thăm dò khí tự nhiên ở Địa Trung Hải và Đồng bằng sông Nile với khoản đầu tư 1,9 tỷ USD cho đến giữa năm 2025. Ngoài ra, Ai Cập đang có một kế hoạch khác là khoan 25 giếng ở khu vực mỏ Zohr nhằm tăng công suất lên 2,2 tỷ m3 mỗi ngày.
Trong khi đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ BP cũng đang có kế hoạch đầu tư 3,5 tỷ USD vào việc thăm dò và phát triển tài nguyên khí đốt tự nhiên ở Ai Cập trong vòng ba năm tới.
Doanh thu xuất khẩu khí đốt của Ai Cập đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2014 và đất nước “Kim tự tháp” đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho lục địa châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine từ cuối tháng Hai năm ngoái.
Nước này dự kiến sẽ sản xuất khoảng 8 triệu tấn LNG trong năm 2023 sau khi phát hiện mỏ khí đốt mới ở khu vực Nargis vào tháng 1/2023. Xuất khẩu LNG của Ai Cập tăng 14% trong vòng 1 năm lên 7,5 triệu tấn vào năm 2022./.
Theo Bnews/TTXVN.

Cùng chuyên mục

Điện mặt trời Ấn Độ tăng trưởng công suất

16/05/2024

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã có bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời nhờ vào ứng dụng các tiến bộ về công nghệ sản xuất tấm pin. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng về số lượng, quy mô và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151