Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 15/05/2024 | 15:21 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Làm gì để phát triển công nghiệp xanh?

12/10/2023
Trong xu thế công nghiệp hóa hiện nay, nhiều địa phương đã lựa chọn xây dựng các khu công nghiệp xanh, giúp cải thiện môi trường và phát triển cộng đồng bền vững hơn, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp.

Xây dựng lực lượng lao động có kiến thức để thúc đẩy chuyển đổi xanh
Là trung tâm kinh tế của cả nước, vùng Đông Nam Bộ đã và đang phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao. Các địa phương trong vùng tích cực triển khai nhiều giải pháp nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Theo các chuyên gia, kinh tế xanh là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để phát triển kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu. Trong đó, trung tâm công nghiệp, tài chính của cả nước là TP Hồ Chí Minh đóng vai trò then chốt. Có nhiều lĩnh vực tác động đến kinh tế xanh của TP Hồ Chí Minh như: Phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển...
Cuối năm 2022, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh và gần đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP Hồ Chí Minh đã tạo nên khung pháp lý và định hướng cho quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã và đang thực hiện các biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh. TP Hồ Chí Minh đang tập trung nâng cao hạ tầng xanh, xây dựng lực lượng lao động có kiến thức về phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hợp tác công - tư để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050 và đang thực hiện kế hoạch “Cần Giờ không phát thải đến năm 2030” tại huyện Cần Giờ.
Nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương có số lượng lớn các khu công nghiệp. Bình Dương đang quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao.
Hàng loạt khu dân cư, khu đô thị mới, đường giao thông, các công trình phúc lợi ở Bình Dương được hình thành làm thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, trong đó có cây xanh. Nhiều tuyến đường trục chính đô thị, đường liên khu vực được đầu tư đồng bộ kết hợp trồng mới hoặc thay thế cây xanh. Tại nhiều tuyến đường thuộc TP Thủ Dầu Một, những hàng cây sum suê cành lá tỏa bóng mát. Tất cả các loại cây được trồng trên mỗi tuyến đường đã tạo không gian xanh, mỹ quan đô thị, trở thành nét đặc trưng của Thủ Dầu Một.
Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) có diện tích 1.000 ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỉ đồng, tại huyện Bắc Tân Uyên. Đây là minh chứng cho quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao của tỉnh Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh - sinh thái; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động...
Tại tỉnh Đồng Nai, do công nghiệp phát triển sớm và nhanh nên đã đón được nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư ồ ạt trong thời gian dài gây ra không ít thách thức về môi trường, hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội.
Hơn một thập niên trở lại đây, Đồng Nai đã thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh và tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn nước ngoài đã tiên phong ứng dụng công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng như Bosch, Hyosung, Schaeffler, Nestlé...
Đồng Nai thực hiện chuyển đổi xanh kết hợp tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng với môi trường của kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Đồng thời, Đồng Nai chú trọng phát triển các ngành công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường; tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, về nguồn kết hợp khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa, sản phẩm của địa phương...
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ở cửa ngõ của sự phát triển với nhiều tiềm năng để vươn xa hơn trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của Việt Nam cần nhìn vào bài học từ những nước khác trên thế giới để tránh đi vào “vết xe đổ” và cần coi yếu tố xanh như là một điều kiện cần thiết trong phát triển công nghiệp.
Để phát huy hiệu quả mô hình khu công nghiệp sinh thái, thời gian tới cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới “cộng sinh” công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái... để khuyến khích doanh nghiệp và địa phương hưởng ứng việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành những chính sách khuyến khích việc đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, như điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện hay thủy điện.
Tính đến hết tháng 9-2022, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỉ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỉ đồng từ khu vực tư nhân, bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Petrotimes
  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151