Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 10/12/2024 | 22:47 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Vai trò của NMLD Dung Quất trong đảm bảo an ninh năng lượng

02/05/2023
Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất được đầu tư xây dựng với nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, từng bước giúp Việt Nam giảm nhập khẩu xăng dầu, hạn chế phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.
Bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

NMLD Dung Quất.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ngày nay an ninh năng lượng đã được tiếp cận hiểu theo cách phi truyền thống. Nghĩa là cần hiểu trên bối cảnh rộng hơn, không chỉ tập trung vào các mối đe dọa an ninh gây ra bởi sự gián đoạn đột ngột, sự tan rã và biến động giá cả từ các thao túng của những thỏa thuận cung cấp năng lượng hiện có như cách tiếp cận an ninh năng lượng truyền thống; mà bao gồm cả việc tiêu thụ, sự khan hiếm và phân bổ tài nguyên năng lượng không cân bằng.
Dựa vào những tiêu chí trên, NMLD Dung Quất đang thể hiện tốt vai trò của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Khi chưa có NMLD Dung Quất thì sau khi khai thác dầu thô, Việt Nam phải bán hoàn toàn cho các nước có ngành lọc hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng dầu của họ. Việc này giống như “bán thô, mua tinh”; đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt, gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được nguồn cung, gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Nếu một ngày đất nước có chiến tranh hoặc biến động về địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh…, nguồn cung xăng dầu từ bên ngoài bị gián đoạn thì vai trò của nhà máy lọc dầu trong nước là rất quan trọng.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) luôn quản lý tốt và vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định ở công suất trung bình 103-112% công suất thiết kế, hằng năm sản xuất trên 6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đáp ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thời điểm cuối năm 2022, khi thị trường xăng dầu Việt Nam có nhiều biến động thì vai trò của NMLD Dung Quất lại càng quan trọng hơn. Trên lý thuyết, Việt Nam tự chủ được khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ 2 NMLD Dung Quất và Nghi Sơn, phần còn lại là nhập khẩu. Nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế xảy ra thì có sự khác biệt rất lớn. NMLD Dung Quất luôn hoạt động ổn định công suất cao, có những thời điểm ở mức 112% - cao nhất trong lịch sử vận hành nhằm góp phần ổn định nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước khi nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Gần 30% nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước được nhập khẩu bởi các doanh nghiệp đầu mối. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế. Tại thời điểm cuối năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tình trạng các doanh nghiệp đầu mối e dè hơn trong việc nhập khẩu vì những biến động khó lường của thị trường quốc tế về giá cả cũng như sản lượng, nguy cơ thua lỗ rất cao.

Khu vực xuất hàng bằng đường biển.
Xâu chuỗi lại các số liệu trong 15 năm vận hành thì hơn 30% nguồn cung từ NMLD Dung Quất là nguồn cung ổn định nhất cho thị trường trong nước khi xảy ra biến động. Khi thị trường dầu thô và sản phẩm xăng dầu toàn cầu đã bị ảnh hưởng lớn do giá và nguồn cung biến động mạnh. Để chủ động ứng phó với khủng hoảng, BSR đã áp dụng các giải pháp linh hoạt nhằm duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, góp phần bình ổn giá và thị trường, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng từ dầu thô - sản xuất - phân phối sản phẩm. BSR cũng đã chủ động bám sát diễn biến thị trường, duy trì công suất vận hành ở mức cao, đẩy nhanh công tác bán hàng và xuất bán tối đa sản phẩm nhằm tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa, bình ổn thị trường xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong thời điểm thị trường biến động, vai trò quan trọng của NMLD Dung Quất lại càng được thể hiện. Sự quan trọng đó khó có thể định lượng bằng các con số cụ thể. Nhưng nếu phân tích kỹ, vai trò đó là luôn đảm bảo nguồn cung trong khả năng của nhà máy (ở thời điểm hiện tại là khoảng 30% nhu cầu thị trường). Điều tiết sản lượng, nhanh chóng xuất hàng để bình ổn thị trường, đó là những việc làm cụ thể, khẳng định vai trò quan trọng của NMLD Dung Quất - một trong những “viên gạch” quan trọng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển đất nước.
Được biết, sau hơn 15 năm vận hành thương mại, NMLD Dung Quất đã sản xuất hơn 83,8 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt 1,42 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 203,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận đạt hơn 42,6 nghìn tỷ đồng.
Theo PetroTimes

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302