Bước ngoặt chiến lược
Quy hoạch điện 8 ban hành ngày 15/5/2023 được coi là văn bản định hướng, là cơ sở để Nhà nước đưa ra những chính sách mới cho ngành điện.
Chia sẻ từ các nhà đầu tư cho thấy, cách tiếp cận của Quy hoạch điện 8 khác so với Quy hoạch điện 7. Ở quy hoạch cũ, cách tiếp cận chủ yếu theo hướng ở khu vực nào có tiềm năng, các tỉnh đưa vào quy hoạch, sau đó đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Bởi vậy, sau này, một loạt dự án được đưa vào quy hoạch, không có sự đồng nhất, gây ra tình trạng quá tải đường dây truyền tải điện. Nay quy hoạch mới ấn định từng khu vực, tổng mức đầu tư có thể phát triển trên cơ sở lưới điện hiện hữu, từ đó ra được kế hoạch phát triển nguồn điện bao nhiêu ở từng khu vực.
Quy hoạch điện 8 chính thức loại bỏ khoảng 13.220 MW điện than. Dự kiến điện than sẽ đạt tăng trưởng kép 2% giai đoạn 2021 - 2030, sau đó giảm 1% giai đoạn 2030 - 2050, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện.
Dự kiến điện gió sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn. Trong đó, điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021 - 2030 và 6% trong giai đoạn 2030 - 2050, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất giai đoạn này.
Bên cạnh đó, dự kiến, Việt Nam sẽ phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi đầu tiên từ nay đến năm 2030, sau đó sẽ tăng trưởng 15% trong giai đoạn 2030 - 2050, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.
QHD8 ưu tiên phát triển điện gió và điện khí trong 2021-30 sau khi đẩy mạnh hơn nữa sau khi phát triển điện nttt từ sau 2023.
Về điện mặt trời, dự kiến sẽ hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt 2020 - 2021. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời cho mục đích tự sản, tự tiêu. Theo đó, công suất điện mặt trời tăng khiêm tốn trong giai đoạn 2021 -2030, sau đó tăng 13% trong giai đoạn 2030 - 2050, chiếm 33% tổng công suất.
Hàng năm, ủy ban nhân dân các tỉnh đưa đề xuất, Bộ Công Thương sẽ ra kế hoạch phát triển nguồn hàng năm, có xét đến các yếu tố tốc độ phát trên lưới thực tế, tránh nhiều dự án phát triển cùng lúc. Bộ Công thương cũng sẽ rà soát hàng năm, có cam kết ràng buộc chủ đầu tư không làm theo đúng tiến độ dự án sẽ thu hồi giấy phép.
Như vậy, có thể thấy, Quy hoạch điện 8 và định hướng chính sách như trên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) có kế hoạch thoái vốn khỏi các nhà máy nhiệt điện than và bắt đầu lộ trình bán vốn tại Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC). Từ ngày 11/5 đến ngày 8/6/2023, REE đăng ký bán 3,2 triệu cổ phiếu PPC để giảm sở hữu từ 24,14% xuống còn 23,14%. Tính đến cuối quý I, REE vẫn đang đầu tư 1.234,6 tỷ đồng vào PPC. Trước đó, REE giảm đầu tư tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) từ 470,65 tỷ đồng (cuối năm 2019) xuống 16,55 tỷ đồng (cuối quý I/2023).
"Quy hoạch điện 8 được phê duyệt tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong tương lai. Dưới góc độ doanh nghiệp, rất cần các cơ chế chính sách rõ ràng hơn nữa từ Bộ Công Thương và thông suốt đến các địa phương có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.
Sơn Hà đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng từ 3-4 năm trước để bắt kịp xu thế của Quy hoạch điện 8 như thành lập Công ty cổ phần Điện mặt trời Sơn Hà FreeSolar, các trung tâm R&D, hợp tác với các chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển điện năng lượng mặt trời. Chúng tôi đã và đang liên kết hợp tác với các công ty năng lượng đối tác quốc tế để triển khai kinh doanh thuê mái lắp đặt điện mặt trời và cung cấp năng lượng sạch cho các nhà máy tại các khu công nghiệp." Ông Phạm Thế Tuân, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Hà FreeSolar - Tập đoàn Sơn Hà
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE chia sẻ, REE muốn tăng công suất thuỷ điện và theo đuổi mua nhiều dự án. Nhìn chung, REE sẽ ưu tiên thuỷ điện và điện gió trong thời gian tới.
Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng ban Đầu tư - Xây dựng, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW) cho biết, nhà máy điện sử dụng LNG có vai trò đảm bảo cung cấp điện nền thay thế điện than, đồng thời hỗ trợ hệ thống vận hành ổn định, tin cậy khi tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Tuy nhiên, đầu tư LNG còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là thời gian giải phóng mặt bằng và bàn giao đất kéo dài. Thứ hai là vướng về thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Chưa kể đến việc chưa có khung giá phát điện cho nhà máy điện LNG. Đặc biệt là chưa có cơ chế khuyến khích điện LNG đóng góp cho ổn định lưới điện.
Bởi vậy, POW sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong những năm tới với hai nhà máy nhiệt khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, có tổng công suất là 1.500 MW, tổng vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD. Hai dự án được kỳ vọng sẽ lần lượt đưa vào vận hành trong hai năm 2025 và 2026.
Một doanh nghiệp điện năng lượng mặt trời cho biết đang nghiên cứu lắp pin lưu trữ để khi không bán điện được lên lưới có thể lưu trữ hoặc dành điện bán vào giờ cao điểm sẽ có giá tốt hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, giá bán điện thương mại giờ cao điểm 4.500 đồng/kWh trong khi giá thường là 2.000 đồng/kWh. Doanh nghiệp cũng tính toán để có hiệu quả tối ưu trong sản xuất - kinh doanh năng lượng tái tạo.
Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG Energy cho biết, hiện các doanh nghiệp như BCG Energy đang chờ văn bản hướng dẫn Quy hoạch điện 8 và “dự kiến sớm nhất từ năm 2024 mới có thể bắt tay vào triển khai các dự án theo Quy hoạch điện 8”.
Theo ông Tuấn, BCG Energy vẫn theo đuổi chiến lược xây dựng và đầu tư một hệ sinh thái về điện tái tạo. Trước mắt, BCG Energy tập trung làm điện mặt trời áp mái, tự sản tự tiêu. Bên cạnh đó, BCG Energy tiếp tục phát triển các dự án điện gió nằm trong quy hoạch điện 7 chuyển tiếp.
Với riêng điện mặt trời trang trại, phần công suất 114 MWp còn lại đang bị tách lưới trên tổng công suất 330 MWp của Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) sẽ được hòa lưới, hiện đang đấu nối thử nghiệm, dự kiến vận hành thương mại trước ngày 1/6/2023. Việc đưa vào vận hành dự án với giá 50% tạm tính sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền tốt hơn, giúp cho dự án có nguồn tài chính trang trải một phần chi phí đã đầu tư và quan trọng hơn là tăng thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong thời điểm tiêu thụ điện cao.
Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) nhìn nhận, Quy hoạch điện VIII ưu tiên sử dụng tối đa nguồn khí trong nước cho phát điện với công suất nhà máy điện khí dự kiến tăng gấp đôi hiện tại lên 14.900 MW vào năm 2030 và sản xuất được 72,7 tỷ kWh, triển vọng rất lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện HDG đã đầu tư và vận hành 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện gió với tổng công suất lên gần 500 MW. Giai đoạn 2023 - 2025, HDG đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm 478 MW điện năng lượng tái tạo, để nâng tổng công suất lên 1 GW.
Chờ tháo nhiều “điểm nghẽn”
Quy hoạch điện mới đang mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực “điện sạch” như điện khí, điện gió. Song câu chuyện hàng loạt nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã hoàn thành nhưng không kịp thời hạn giá FIT, không được phát điện, chịu cảnh lãng phí và áp lực tài chính thời gian qua là bài học xương máu với các doanh nghiệp.
Tính đến ngày 24/5/2023, có 37 trong tổng số 85 dự án năng lượng chuyển tiếp gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để phục vụ đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Trong đó, EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án. Hai bên đã họp và thống nhất giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần.
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đánh giá, kết quả này là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực đàm phán của EVN và các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, trên tinh thần hài hoà lợi ích giữa các bên theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, có những dự án chủ đầu tư muốn đàm phán với EVN nhưng do quy định có khó khăn về hồ sơ như hồ sơ đất đai, chủ trương đầu tư, các thỏa thuận chuyên ngành, trong đó nhiều giấy tờ đã hết hạn nên rất khó để chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục này trong thời gian gấp rút. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư còn băn khoăn vì với mức giá trần đàm phán như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ khó thu hồi được vốn.
Với mục đích đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành trong thời gian sớm nhất, Công ty Mua bán điện (EPTC) đã thành lập nhiều tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vướng mắc.
Điện gió Nam Bình 1 là một trong những dự án đầu tiên đề xuất giá mua điện tạm thời và được Bộ Công thương chấp thuận. Trước đó, dự án này phải bất động suốt 2 năm dù đã hoàn thành. Điện gió Nam Bình cho biết, Công ty đã chuẩn bị vô cùng cụ thể, chi tiết các tài liệu của dự án, bộ thông số sẵn sàng cho việc đàm phán giá điện chuyển tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Hà, chuyên gia phân tích năng lượng, Công ty Chứng khoán Vietcombank, giá mua điện chỉ là một trong hai vấn đề cần được giải quyết lúc này, bên cạnh đường truyền tải điện. Hiện tại, nhiều khu vực vẫn chưa đảm bảo được về đường truyền, đặc biệt là các dự án ở khu vực Tây Nguyên gây cản trở cho hoà lưới điện.
Gỡ được điểm nghẽn ở các dự án chuyển tiếp này, “cấp cứu” cho doanh nghiệp và tránh lãng phí các nguồn lực là ưu tiên trước mắt. Còn về lâu dài, chính sách giá, đấu nối, kèm những quy định cụ thể của hợp đồng mua bán điện, cũng như những hướng dẫn chi tiết cho Quy hoạch điện 8 mang tính dài hạn được các doanh nghiệp quan tâm. Đây cũng là lời giải cho việc họ tiếp tục phát triển các dự án ra sao, cân đối tài chính thế nào.
Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch BCG Energy cho biết, trong báo cáo tiền khả thi của các dự án, doanh nghiệp luôn phải chiết khấu rủi ro cắt giảm sản lượng để chạy phương án tài chính. Không đơn giản là cao hay thấp một cách định tính, chính sách giá phải khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn và hoạch định được bài toán chi phí tài chính trong dài hạn. Rất có thể trong một hợp đồng mua bán điện, nhà đầu tư chấp nhận lỗ hoặc hòa vốn trong 15 năm đầu và có lãi ở 15 - 20 năm sau.
Chính sách giá năng lượng tái tạo là vấn đề lớn được quan tâm. Trong một chia sẻ tại Hội thảo “Quy hoạch điện 8 - Những vấn đề đặt ra và giải pháp” do Đoàn Giám sát của Quốc hội phối hợp với Bộ Công thương tổ chức mới đây, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nhận xét, giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện.
Lãnh đạo một doanh nghiệp điện năng lượng mặt trời cho biết, chủ trương chính sách là đúng nhưng cần giải bài toán độc quyền, sớm xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Hiện nay, trong chuỗi giá trị của ngành điện gồm sản xuất, truyền tải, phân phối thì khu vực nhà đầu tư tư nhân chủ yếu tham gia ở khâu sản xuất điện. Lợi nhuận của sản xuất điện được quyết định bởi yếu tố giá điện và sản lượng điện thông qua thời gian vận hành công suất cực đại. Bởi vậy, yếu tố giá có tính quyết định lớn trong sức hấp dẫn đầu tư vào ngành điện.
Một “vết xe đổ” khác mà doanh nghiệp ngành điện kỳ vọng tránh được là việc “dồn toa” dự án vào thời hạn giá FIT. Lãnh đạo một doanh nghiệp phát triển trang trại điện mặt trời hơn 300 MW cho biết, khi tất cả các dự án, tất cả chủ đầu tư phải guồng lên chạy tiến độ cho kịp thời hạn quy định, bên bán thiết bị, tua-bin… được thời cơ ép giá.
Cổ phiếu điện khó tạo sóng
Như đã đề cập, Quy hoạch điện 8 mang tính định hướng, doanh nghiệp nào hưởng lợi, doanh nghiệp nào có thêm sức bật mạnh mẽ từ chính sách, còn phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn, được nhận định sớm cũng phải cuối năm 2023, đầu 2024 được ban hành. Bởi vậy, dòng tiền trên thị trường không quá mặn mà với thông tin chính sách trên. Thị giá cổ phiếu doanh nghiệp điện phân hóa và chỉ biến động nhẹ so với trước thời điểm chính sách mới được ban hành. Nếu như trước đây, khi tăng giá bán lẻ điện, sóng cổ phiếu điện kéo dài 1-2 tuần thì nay hoàn toàn vắng bóng. Nhà đầu tư đã thông minh hơn rất nhiều khi phân biệt các biến động bề mặt với bản chất thay đổi hoạt động của doanh nghiệp sâu bên trong.
"Trước khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, Intech Energy đã tiến bước trong hành trình phủ xanh mái nhà Việt của mình. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất chu đáo từ công tác nhân sự, công tác đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho cán bộ công nhân viên vì chúng tôi hiểu rằng năng lượng tái tạo là năng lượng của tương lai, là xu thế phát triển.
Inech Energy sẽ tập trung đóng điện chính thức đi vào vận hành một số dự án đang triển khai, tổ chức các buổi hội thảo về chủ đề xoay quanh điện mặt trời và phát thải CO2 hướng đến NET Zero CO2 vào năm 2050; tiếp tục khởi công và triển khai các dự án mới." Ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy)
Trên thị trường, cổ phiếu nhóm ngành điện vào tầm ngắm của nhà đầu tư như BCG, HDG, REE, PC1, POW… nhưng mức tăng cổ phiếu từ ngày 15/5 đến nay không đáng kể, như BCG chỉ tăng 4,7%, HDG tăng 1,1%, REE hay HDG còn quay đầu giảm.
Ông Trịnh Văn Hà chú ý tới PGV và TV2. Ông phân tích, Quy hoạch điện VIII đang buộc các dự án phải đẩy nhanh tiến độ và giải quyết được những khúc mắc mà trước giờ chưa giải quyết được. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xây lắp điện sẽ là những đơn vị đầu tiên bận rộn với những dự án gấp gáp.
Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng điện 2 (mã TV2) hiện đang cung cấp dịch vụ toàn diện từ khâu thiết kế, tư vấn, tổng thầu EPC dự án và vận hành nhà máy điện cho hầu hết các loại hình nguồn điện, do đó, tiềm năng về khối lượng công việc cho TV2 là rất lớn.
Công ty Chứng khoán BSC phân tích sâu hơn khi đánh giá năm nay, doanh nghiệp điện hưởng lợi so với các nhóm ngành khác khi giá điện tăng 4% trong năm 2023 nhờ nhu cầu điện dự báo tăng 5,4%, khung giá trần tăng 11% so với năm 2022 giúp nới biên độ giá trên thị trường điện cạnh tranh. Đặc biệt, sản lượng huy động từ nguồn thủy điện giá rẻ giảm, chi phí phát điện của các nhà máy nhiệt điện ở mức cao, điện tái tạo có khả năng được huy động tích cực.
Những động thái gần đây trong việc xử lý các dự án điện chuyển tiếp cũng được BSC kỳ vọng hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN dựa theo khung giá điện chuyển tiếp để đàm phán giá mua bán điện giúp các doanh nghiệp sớm có doanh thu, lợi nhuận, từ đó giảm áp lực dòng tiền.
Theo Báo Đầu tư