Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 12/09/2024 | 02:48 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hợp Tác Quốc Tế

Tập đoàn năng lượng Thái Lan đề xuất dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG tại Nam Định

18/10/2023
Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) đề xuất việc cùng hợp tác đầu tư với Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) thực hiện dự án Nhiệt điện Nam Định 1 theo hướng chuyển đổi từ nhiệt điện than sang sử dụng khí LNG.
Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Gulf Việt Nam làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định
Ngày 16/10, Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định để tìm hiểu cơ hội đầu tư Trung tâm điện khí LNG và Kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc.
Tại buổi làm việc, ông Panawit Sidejchayabhon, Tổng Giám đốc Gulf Việt Nam đã đề xuất xây dựng dự án đầu tư Trung tâm điện khí LNG công suất 1.500-3.000MW và Kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc có khả năng tiếp nhận tàu 200.000 DWT tại Nam Định.
Ông Sidejchayabhon cho biết, Tập đoàn Gulf đã tìm hiểu và đề xuất sơ bộ với Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) - đơn vị chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1, về việc cùng hợp tác đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1 theo hướng chuyển đổi từ nhiệt điện than sang sử dụng khí LNG.
Lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Gulf Việt Nam tại buổi làm việc.
Ngoài ra, theo đại diện tập đoàn Gulf, việc phát triển một nhà máy nhiệt điện LNG chỉ cần khoảng 100ha đất, trong khi hiện quỹ đất Nam Định dành cho dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 là 300ha.
Vì vậy, với 200ha đất còn lại, Gulf đề xuất việc khảo sát, đầu tư thêm một dự án điện khí LNG số 2 và thiết lập một Trung tâm điện khí LNG tại địa phương.
Đồng thời, đầu tư một kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc với mục đích hỗ trợ các dịch vụ tiện ích phục vụ hoạt động của Trung tâm điện khí LNG và cung ứng thêm các dịch vụ logistic về điện khí cho các doanh nghiệp cùng ngành tại các địa phương lân cận trong khu vực miền Bắc.
Tổng Giám đốc Gulf Việt Nam mong muốn tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư và đề xuất tỉnh Nam Định chủ trì một cuộc họp để Gulf và Taekwang báo cáo kỹ hơn về kế hoạch triển khai dự án.
Theo ông Somsak Chutanan, Cố vấn cấp cao của Tập đoàn Gulf đánh giá, Nam Định là địa phương phù hợp để đầu tư các dự án năng lượng LNG do gần các trung tâm phụ tải điện của miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…); gần các trung tâm công nghiệp có nhu cầu lớn về gas như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và thuận tiện trong chia sẻ, cung ứng LNG đến các dự án nhà máy nhiệt điện LNG tại Thái Bình, Nghi Sơn, Quỳnh Lập.
Bên cạnh đó, miền Bắc Việt Nam hiện đang thiếu điện vào mùa cao điểm và dự báo vẫn tiếp tục thiếu điện trong thời gian tới. Do đó, việc Tập đoàn Gulf đề xuất chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG là đúng nhu cầu.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định làm việc với nhà đầu tư.
Trao đổi với nhà đầu tư, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư bằng cách đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực hỗ trợ nhà đầu tư. Nhờ vậy, thời gian qua, Nam Định đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp có quy mô toàn cầu tới đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao. Do đó, phụ tải điện trên địa bàn cũng gia tăng nhanh chóng.
Theo ông Nghị, nhà đầu tư cần đạt được thoả thuận hợp tác đầu tư dự án Nhiệt điện Nam Định 1 với Tập đoàn Taekwang. Trên cơ sở đó, tỉnh mới có căn cứ để hỗ trợ nhà đầu tư một cách phù hợp và hiệu quả. Tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối hỗ trợ Tập đoàn trong mọi phần việc liên quan.
Ông Phạm Gia Túc, Bí thư tỉnh uỷ Nam Định đánh giá đề xuất của Tập đoàn Gulf về việc chuyển đổi dự án Nhiệt điện Nam Định 1 từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí trùng hợp với đề xuất của tỉnh và Tập đoàn Taekwang trước đó.
Đây là phương án phù hợp với chủ trương chuyển đổi, phát triển năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Hơn nữa, phát triển năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng cũng là một trong những lĩnh vực được Nam Định ưu tiên thu hút đầu tư, trong đó có việc đề xuất bổ sung cảng khí hoá lỏng.
Hiện Nam Định đang khẩn trương hoàn tất Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, đây sẽ là căn cứ để Nam Định đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án, trong đó có các dự án năng lượng tái tạo, khí hoá lỏng.
Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, giữa tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Gulf đã đến khảo sát và đề xuất việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện LNG và kho cảng LNG tại các tỉnh có tiềm năng để phát triển Trung tâm điện khí LNG như Thanh Hóa, Nghệ An.
Trước đó, tập đoàn này đã ký một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu tiềm năng phát triển dự án điện khí công suất 6.000MW và kho cảng LNG Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận.
Gulf là tập đoàn sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan. Hiện tại, Gulf sở hữu hơn 35 dự án điện đang vận hành và phát triển/thi công, đồng thời không ngừng mở rộng ra thị trường quốc tế tại Mỹ, Đức, Oman, Việt Nam.
Lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn bao gồm nhiệt điện, năng lượng tái tạo, hạ tầng kỹ thuật và cung cấp khí… Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Tập đoàn đã đạt 12,82 tỷ USD, lợi nhuận ròng năm 2022 đạt 326 triệu USD.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Gulf đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với các dự án năng lượng mặt trời GTN1 (69MW) và GTN2 (50MW) tại tỉnh Tây Ninh; hai dự án điện gió tại tỉnh Gia Lai mỗi dự án công suất 50 MW; và dự án điện gió Bình Đại (128MW) giai đoạn 1 tại tỉnh Bến Tre.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD thực hiện tại địa bàn hai xã Hải Châu và Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT do liên danh Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (Ả Rập Xê Út) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định Thứ Nhất (có trụ sở tại Singapore).
Dự án có công suất 1.200MW (gồm hai tổ máy phát điện công suất 600MW/tổ) và sử dụng than từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm nhà cung cấp chính. Dự kiến, nhà máy sẽ cung cấp điện cho tỉnh Nam Định và khu vực phía Bắc.
Năm 2010, liên danh giữa Taekwang và Acwa Power Co. đã công bố các khâu chuẩn bị ban đầu để triển khai dự án. Tháng 7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Tuy nhiên, dự án này đã bị trì hoãn hơn 10 năm chưa thực hiện do khó khăn về tài chính. Mãi đến tháng 5/2023 vừa qua, nhà đầu tư mới "tái khởi động" dự án.
Theo Mekong Asean

Cùng chuyên mục

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác dầu khí, năng lượng giữa Việt Nam và Liên bang Nga

11/09/2024

Tiếp tục chương trình thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có các buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Gazprom và Tập đoàn Novatexk của Liên bang Nga.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151